Cầu Long Biên chưa là di sản: Không ai chịu đề xuất vì...

Đất Việt, Theo 15:06 26/02/2014

Hội đồng di sản cho rằng trách nhiệm khi cầu Long Biên chưa là di sản thuộc HN. HN đổ cho Bộ. Trong khi đó Bộ GTVT nói chỉ quản lý đường sắt...

Không thuộc thẩm quyền của Hội

TS Nguyễn Chí Bền - thành viên Hội đồng di sản quốc gia cho biết, liên quan tới cây cầu Long Biên, dư luận có nhiều băn khoăn quanh câu chuyện tại sao cầu Long Biên chưa được xếp hạng di tích?

TS Bền cho rằng, câu hỏi này phải dành cho Giám đốc Sở Văn hóa HN và Cục di sản của Bộ Văn hóa vì đó là những đơn vị xếp hạng, quản lý những di tích này.

Cầu Long Biên chưa là di sản: Không ai chịu đề xuất vì... 1
Cầu Long Biên

Cần phải xem xét, đề xuất việc xếp hạng cầu Long Biên là di tích càng sớm càng tốt. Cây cầu Long Biên, xét về ý nghĩa lịch sử, văn hóa, kinh tế nó đều rất xứng đáng được cấp hạng di tích quốc gia và cần được bảo tồn.

"Sở Văn hóa Hà Nội phải có trách nhiệm đề xuất lên Cục di sản (Bộ văn hóa). Cục sẽ có hội đồng chuyên môn đánh giá, trình Chính phủ xếp hạng di tích cấp quốc gia hay cấp đặc biệt", ông Bền cho biết.

Nói về vai trò của Hội đồng di sản trong việc đề xuất xếp hạng di tích lịch sử cầu Long Biên, ông Bền khẳng định: "Đó không phải là chức năng của Hội đồng di sản. Xếp hạng di tích quốc gia là công việc của Bộ VHTT&DL không cần thông qua Hội đồng tư vấn.

Chỉ những di tích quốc gia đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng trên cơ sở lựa chọn các di tích quan trọng đã được Bộ Văn hóa thể thao du lịch xếp hạng là di tích quốc gia. Khi đó, Hội đồng di sản quốc gia là cơ quan tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng".

PGS.TS Tống Trung Tín - ủy viên Hội đồng di sản cũng cho rằng, việc đề xuất xem xét công nhận di tích quốc gia phải do địa phương. Cụ thể ở đây là Sở văn hóa Hà Nội đề xuất.

Tuy nhiên, trái ngược với khẳng định của TS Nguyễn Chí Bền, PGS-TS Tống Trung Tín cho biết: "Khi đề xuất xem xét xếp hạng một di tích quốc gia, theo quy trình Sở VHTT Hà Nội phải có văn bản gửi Hội đồng di tích.

Từ ý kiến của Hội đồng di tích quốc gia đề xuất lên Cục di sản văn hóa (Bộ VH), Bộ mới có cơ sở công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia hay trình Thủ tướng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Như vậy, nói Hội đồng di sản không liên quan liệu có đúng và Hội đồng di sản đã làm hết trách nhiệm trong việc xem xét xếp hạng cho cây cầu Long Biên?

Sở Văn hóa Hà Nội: Trách nhiệm thuộc Bộ GTVT

Trong khi Hội đồng di sản khẳng định, trách nhiệm trước tiên thuộc về Sở Văn hóa Hà Nội thì ông Tô Văn Động - GĐ Sở Văn hóa Hà Nội khẳng định: "Cầu Long Biên nằm trên địa bàn Hà Nội nhưng lại do Bộ GTVT quản lý, Bộ chưa bàn giao cho Hà Nội".

Mặc dù vậy, ông Động cho rằng không vì thế mà Sở không đề xuất xếp hạng cho cầu Long Biên. "Không phải chúng tôi không làm,chỉ là hồ sơ chưa tới thôi. Tôi sẽ kiểm tra lại".

Đánh giá về cây cầu Long Biên, GĐ Sở VH Hà Nội cho rằng, cầu Long Biên rất xứng đáng là một di sản. Ông nói, bản thân nó đã mang tuổi thọ rất dài (hơn 100 năm), là nơi gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử, là biểu tượng, hình ảnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đầu tiên của đất nước. Nó có ý nghĩa cả về văn hóa và phát triển kinh tế, xã hội. Ông cho rằng nó hoàn toàn xứng đáng là một di sản.

Bộ GTVT: Chỉ quản lý đường sắt

Trái ngược với ý kiến của GĐ Sở Văn hóa Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tuyến đường sắt chạy qua cầu Long Biên thuộc sự quản lý của Tổng công ty đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT). Ông Đông khẳng định, ngành giao thông chỉ quản lý về công năng, vận tải còn xếp hạng, công nhận di sản về nguyên tắc nằm trên địa phương nào địa phương đó quản lý.

Thứ trưởng Đông cho biết thêm, sở dĩ ngành giao thông chưa bao giờ có đề xuất xếp hạng di sản cho cầu Long Biên vì Bộ chỉ quản lý về mặt chuyên môn. Hơn nữa, đề xuất xếp hạng một di tích chắc chắn phải tuân theo Luật di sản và phải do địa phương đề xuất, ông Đông nói.

Thành ủy Hà Nội: Không biết ai quản lý

Trả lời ý kiến của Bộ GTVT, ông Phan Đăng Long - Phó ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, theo quy định của luật di sản, những hiện vật có tuổi thọ từ 100 năm trở lên sẽ được coi là di sản.

Tuy nhiên, không biết tại sao tới giờ cầu Long Biên vẫn chưa được xếp hạng di tích. "Tôi không biết vướng mắc nằm ở đâu, thủ tục ra sao, ai đứng ra làm hồ sơ. Có lẽ do chưa có đơn vị nào đứng ra nhận quản lý", ông Long giải thích.

Lý giải mâu thuẫn này, vị quan chức thành phố cho rằng vấn đề ở đây có thể là sự chồng chéo về quản lý trên địa bàn. Bộ quản lý đường sắt đi qua cầu, cầu lại nằm trên địa bàn Hà Nội. Vậy, ai sẽ chịu trách nhiệm, ai quản lý cây cầu này cũng chưa được xem xét rõ ràng.

Nói như vậy, nghĩa là tới nay cũng chưa biết ai là người chịu trách nhiệm về cây cầu di sản này?

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày