Người trồng cây xanh lâu năm nói gì về cách trồng cây "lạ" lộ ra sau mưa dông?

Thành Nam, Theo Trí Thức Trẻ 15:11 16/06/2015

Sau trận dông kinh hoàng vào chiều tối ngày 13/6, một số cây xanh mới trồng trên các tuyến đường Hà Nội bị bật gốc, <a href="http://kenh14.vn/xa-hoi/cay-bat-goc-trong-dong-loc-lo-cach-trong-rat-la-20150615103728296.chn" target="_blank">lộ ra cách trồng cây khá... lạ</a>: bầu cây vẫn được bọc kín bằng lưới và buộc dây gai đỏ. Việc này đã gây nên nhiều tranh cãi về cách trồng cây xanh đô thị.

Trận dông lốc chiều ngày 13/6 đã khiến gần 1.300 cây đã bị đổ, 2 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương vì cây đổ và biển quảng cáo, mái tôn bay trong nửa giờ. Người dân tỏ ra xót xa khi nhìn những cây cổ thụ cũng bị gãy đổ la liệt trên phố. 

Trong số những cây xanh bị đổ trong cơn dông lốc, người ta đặc biệt chú ý đến những cây xanh mới được trồng trên một số tuyến phố Thủ đô, trong đó có cả những cây gỗ mỡ. Điều khiến mọi người tò mò là phần gốc hai cây này vẫn được bọc kín bằng lưới, có bầu cây còn được buộc bằng những sợi dây gai đỏ...

Hai gốc cây gỗ mỡ bị lật gốc lộ ra phần lưới và dây chằng vẫn còn dưới gốc cây khiến dư luận chú ý - (Ảnh Vietnamnet).

Trước tình trạng đó, khá nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Người cho rằng cách trồng này thể hiện sự cẩu thả, cách làm ẩu và dễ làm chết cây. Nhưng một số khác lại coi đây là việc rất bình thường, bảo vệ được bầu cây...

Ngay cả ý kiến của các chuyên gia cũng chưa có sự thống nhất. 

Chúng tôi đã tìm gặp một số người trồng cây lâu năm và kĩ sư nông nghiệp trồng trọt để tham khảo ý kiến của họ về sự ảnh hưởng của lưới bọc trong quá trình trồng cây ngoài thực tế. 

Lưới bọc bầu cây sẽ tự mủn ra trong vòng 7 - 12 tháng

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khắc Dân (45 tuổi, một công nhân kỹ thuật đang làm việc tại Khu du lịch sinh thái vườn quả ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Việc dùng lưới bọc bầu cây hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến sinh trưởng của cây xanh. Bầu cây chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi việc di chuyển và hạn chế cây bị chết".

Cũng theo ông Dân, hiện nay, vật liệu thường hay dùng để bọc bầu cây là hai loại lưới đen và lưới trắng. Lưới này sẽ tự mủn ra và không còn tác dụng trong khoảng thời gian từ 7-12 tháng, tùy theo chất liệu đất và độ ẩm. “Tuy nhiên, còn nhiều người trồng cây không chuyên nghiệp họ dùng túi nilon, bao xi-măng để bọc bầu cây. Điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của rễ cây, đặc biệt còn rất dễ bật gốc do độ trơn của túi nilon”, ông Dân nói. 

Phần lưới và dây chằng này sẽ tự phân hủy (mủn và không còn tác dụng) trong một khoảng thời gian và không ảnh hưởng tới sinh trưởng của cây? - (Ảnh Vietnamnet).

Từng có nhiều năm kinh nghiệm trong việc ươm giống cây và trồng cây đô thị, ông Dân chia sẻ, vấn đề khó khăn trong quá trình trồng cây đô thị chính là yếu tố hạ tầng cơ sở đất. Đất ở đường đô thị không phải là đất phù sa mà phần lớn là đất cát san nền, đất xấu… Nền đất rất chắc do xe lu đường, xe cộ đi lại… khiến cho cây sinh trưởng không được tốt đều ra khu vực xung quanh. Điều đó dẫn tới tình trạng cây ít rễ và không có nhiều rễ cọc sâu. 

Bầu cây còn nguyên lưới bọc, rễ sẽ vẫn chọc thủng lớp lưới, nhưng sẽ khó có rễ lớn, rễ cọc

Cũng là người nhiều năm làm vườn như ông Dân, nhưng ông Hoàng Văn Hương cho biết, việc trồng cây xanh xuống đất khi vẫn còn lưới bọc bầu cây ít nhiều cũng ảnh hưởng tới sinh trưởng của cây. Mặc dù, phần rễ của cây sẽ đâm thủng được các lớp lưới nhưng sẽ bị ảnh hưởng và phát triển chậm hơn bình thường. 

Lý giải về việc giữ lưới bọc bầu cây khi trồng cũng có nhiều ưu điểm bởi đa phần các cây xanh trồng ở đô thị được lấy từ vùng rừng núi, đất tơi xốp, cần có lưới để giữ đất trong quá trình di chuyển, như thế tỉ lệ cây sống sẽ cao hơn. “Trong trường hợp mưa lớn, tưới nước nhiều, bầu cây vẫn được giữ chặt bởi lớp lưới bao quanh. Điều này sẽ khiến gốc cây chắc hơn, trong trường hợp xấu, khi vừa trồng có thể cây bị lật nhưng vẫn có thể trồng lại khi bầu đất cũ của cây vẫn còn” – ông Hương nói thêm. 

Theo chia sẻ chung của nhiều người trồng cây, đối với nhiều loại cây ăn quả, cây cảnh thì việc trồng cây bắt buộc phải bỏ lưới bầu bởi đất ở đây là đất thịt, bám chắc chắn. Việc dùng lưới hay một vật liệu nào đó chỉ là giữ bầu cây không bị vỡ và tránh rơi vãi đất khi di chuyển. Gốc cây được trồng rộng, thông thoáng thì cây mới phát triển nhanh và mang lại hiệu quả cao. 

Liên quan tới sự việc, trao đổi với chúng tôi, Kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Đình Hà (Tốt nghiệp Trường ĐH Nông Nghiệp Hà Nội, hiện đang làm việc tại các vườn sinh thái của trường) cho biết, theo nguyên tắc là cây xanh khi trồng xuống đất phải tháo bọc bầu ra thì rễ mới phát triển bình thường được. “Thường thì việc bọc bầu cây chỉ dùng với những cây đang ươm trong vườn, còn những cây đã có ý định trồng lâu dưới đất  thì phải tháo bầu ra”, kỹ sư Hà nói.  

Việc bọc bầu cây bằng lưới khi trồng xuống sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sinh trưởng của rễ cây - (Ảnh Vietnamnet).

Theo kỹ sư Hà, việc bọc bầu cây thường dùng lưới đen, lưới cước là nilon rất khó phân hủy trong đất. Nếu mình bọc như thế, cây sẽ mọc nhiều rễ tơ, rễ con hơn, cây không có rễ lớn và ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của cây. 

“Trong trường hợp cây được bọc bầu sẽ có khả năng sống cao vì nó đảm bảo giữ nguyên bầu đất nhưng khi phát triển về lâu về dài thì không tốt. Muốn có rễ cọc thì phải trồng cây từ bé, cây trồng qua các vườn ươm có đường kính lớn thì không thể có nhiều rễ cọc. Hầu hết các cây trồng trong đô thị thường muốn có bóng mát luôn nhưng trong mưa bão sẽ xảy ra tình trạng đổ, gãy gây nguy hiểm”, kỹ sư Hà nói thêm.  

Cây xanh ở đô thị đa phần khai thác ở các khu rừng Miền Trung, Tây Bắc… cây được đánh và bọc bầu để đưa về vườn ươm. Khi cây có rễ mới là lúc đủ điều kiện để đưa xuống phố trồng. 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày