Ngôi làng mang tên ngày sinh Bác Hồ

Công an TP.HCM, Theo 09:15 18/05/2013

Có một ngôi làng ở Quảng Bình lấy ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đặt tên làng. Trải qua những giai đoạn khó khăn nhưng người dân làng này luôn cố gắng sống, chiến đấu, lao động sản xuất... để xứng đáng với tên gọi ấy.

Ngôi làng mang tên ngày sinh Bác Hồ 1

Một góc làng 19 Tháng 5

Ngôi làng đặc biệt

Đây là ngôi làng duy nhất ở Việt Nam mang tên ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làng 19 Tháng 5 (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình). Làng nằm trên triền cát trải dài của vịnh Hòn La, ven Quốc lộ 1A, cách đèo Ngang khoảng 3km. Ngày 19-5 hàng năm, dân làng nô nức mừng sinh nhật Bác, tổ chức hội làng bằng các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao lành mạnh. Cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ được treo trang trọng khắp các con đường, trong mọi gia đình. Trẻ em, thanh thiếu niên tìm đến các cụ già để nghe kể chuyện về Bác Hồ, chuyện khai sinh lập địa, sự phát triển của làng...

Đầu những năm 60 của thế kỷ XX, chiến tranh ác liệt, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch bị bom đạn dày xéo khủng khiếp. Mất mát, chết chóc khắp nơi khiến dân làng kéo nhau lánh nạn. Bà con quyết định dừng tại chân đèo Ngang sinh sống, lấy tên là làng Mới. Tròn bốn năm sau, để kỷ niệm ngày lập làng cũng trùng với ngày sinh của Bác Hồ, người dân quyết định đặt tên làng là làng 19 Tháng 5. Các cụ già kể rằng, ngày mới lập làng, vùng này hoang vu, heo hút lắm; nhiều thú dữ vào làng phá phách, đe dọa mọi người... Người dân đi săn bắn, dựa vào rừng núi để kiếm ăn, khai hoang đất đai. Những mầm xanh của cây lúa và hoa màu dần thay thế cho cỏ dại, bìm leo, đá sỏi. Nhiều hộ gia đình tiếp tục nghề đi biển như trước kia.

Những tưởng bà con đã sống yên ổn thì giặc Mỹ càng ra sức càn quét. Nguyên do làng có vị trí chiến lược, là nơi tập kết, chuyển tiếp và trú ẩn của bộ đội ta. Và bởi làng có cái tên rất ý nghĩa nhằm tôn vinh Bác Hồ. Dù hy sinh, mất mát nhiều nhưng dân làng thực hiện phương châm: “Một tấc không đi, một ly không dời”, quyết tâm đào hầm tránh bom đạn và một lòng đoàn kết, bảo vệ làng, cùng bộ đội chống giặc.

Đội thiếu sinh quân 19-5 (Đội) gồm những thanh, thiếu niên trẻ từ 12 đến 17 tuổi của làng được thành lập ngày 5-8-1967 đã làm nên chiến công hiển hách khiến người lớn cũng phải khâm phục. Ông Lê Huy Hoàng (60 tuổi, nguyên thành viên của Đội) kể rằng, năm 1968, Đội bắn rơi ba máy bay của Mỹ trong một trận địch càn quét dân làng. Riêng đội phó Mai Quyến chỉ với khẩu súng AK đã đánh lui toán biệt kích hơn mười tên địch.

Những năm sau đó, làng 19 Tháng 5 trở thành hậu phương vững chắc cho chiến trường miền Nam. Nhiều thế hệ người làng cầm súng ra chiến trường chống giặc. Sau giải phóng, nhiều thanh niên hăng hái tham gia nghĩa vụ quân sự bảo vệ quê hương, xây dựng đất nước. Những chiến công của làng và tên các anh hùng liệt sĩ vẫn còn lưu giữ, khắc ghi và trưng bày tại Phòng truyền thống Hồ Chí Minh xã Quảng Đông.

Ngôi làng mang tên ngày sinh Bác Hồ 2

Ông Lê Huy Hoàng nhớ lại những ngày tham gia Đội thiếu sinh quân 19-5

Trên quê hương anh hùng

Ngày giải phóng, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và bằng sự nỗ lực, dân làng dần khắc phục thiệt hại chiến tranh, đau thương; bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, ngư nghiệp 19-5 được thành lập. Ông Lê Huy Hoàng, người từng làm chủ nhiệm hợp tác xã ba nhiệm kỳ nhớ lại: “Từ những ngày đầu, bà con phấn khởi lắm. Dân làng làm đủ nghề: vôi hàu, gạch ngói, khai thác đá, đánh bắt cá... Riêng nghề làm vôi hàu và đánh bắt hải sản của làng nức tiếng ở miền Trung, giúp bà con thoát nghèo”.

Hệ thống cơ sở hạ tầng của làng được xây dựng khang trang, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên trên những đồi cát, hố bom khi xưa. Nhà nào cũng có xe máy và các vật dụng sinh hoạt quý giá khác. Tại bờ biển cạnh làng, hàng trăm chiếc thuyền máy đang nằm chờ qua mùa trăng để ra khơi đánh bắt tôm, cá, câu mực... Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Đông, cho biết: “Dân làng luôn nêu cao tinh thần trong chiến đấu, lao động sản xuất để làm sao xứng đáng với tên gọi của làng. Làng hiện có gần 220 hộ với gần 600 người. Đời sống của bà con rất ổn định và đang tích cực làm giàu. Công tác giáo dục được chú trọng khi làng có truyền thống hiếu học, có nhiều con em đỗ đạt cao và công tác ở nhiều cơ quan, tổ chức...”.

Đời sống văn hóa tinh thần của bà con ngày càng được nâng cao. Làng 19 Tháng 5 là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Làng không có tệ nạn xã hội, không có vụ án, tội phạm hình sự. Người dân rất nhiệt tình, thân thiện nên khách đến đây cũng thấy ấm lòng, yêu mến. Phong trào thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ được người dân chú trọng. Buổi chiều hàng ngày, từ già đến trẻ, nam và nữ nô nức đá bóng, đánh bóng chuyền để nâng cao sức khỏe và phát huy phong trào, truyền thống tốt đẹp.

Ngôi làng đặc biệt này không chỉ ở tên gọi mà bản thân nó đã có những điều đặc biệt và phi thường. Người dân tiếp tục phấn đấu xây dựng làng xã giàu đẹp, văn minh.