Mình thừa nhận mình cũng làm "mất Tết"

Quỳnh Trân (tổng hợp), Theo Trí Thức Trẻ 07:00 04/02/2015

Dù là thế hệ 8X hay 9X, các bạn cũng chia sẻ về việc nên giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của Tết cổ truyền. Hầu hết những ý kiến gửi về đều thể hiện sự tiếc nuối khi không còn được hòa vào không khí vui vẻ, đầm ấm của Tết xưa.

Bài "Mất Tết" của nhà báo Ngô Bá Lục chia sẻ về việc các bạn trẻ đang tự đánh mất Tết đã thu hút khá đông sự chú ý của bạn đọc, nhất là những độc giả trẻ tuổi.

Trên quan điểm của mình, nhà báo Ngô Bá Lục viết: "Đêm giao thừa các bạn cũng vẫn lượn phố, vẫn cày games, vẫn tụ tập bạn bè... như ngày thường. Trong khi đêm giao thừa là lúc cả nhà sum họp, bạn có thể nói với bố năm qua con chưa làm được cái này, hứa với mẹ sang năm con sẽ làm tốt cái kia, trò chuyện thủ thỉ với ông bà về hồi trẻ như cháu thì ông bà chơi Tết ra sao. Trong một không gian thơm ngát hương trầm với mâm cỗ, ngũ quả, đào quất, đấy là hương vị Tết! Chỉ khi bạn thực sự yêu quý những phong tục cổ truyền ngày Tết, thì Tết mới có giá trị trong bạn. Còn bạn nghĩ Tết cũng chỉ đơn thuần là vài ngày nghỉ, thì bạn sẽ không bao giờ có Tết dù bạn đang sống trong những ngày Tết."

Mình thừa nhận mình cũng làm "mất Tết" 1

Nhiều người trẻ vẫn mong muốn đón Tết cổ truyền - (Ảnh minh họa).

Ngay sau đó, độc giả Mẫn Nhi gửi bài viết "Xin đừng ca thán người trẻ bọn mình đang đánh mất Tết" để chia sẻ quan điểm, góc nhìn khác.

Theo bạn Nhi,chúng ta không nên chối bỏ những giá trị văn hóa đẹp đẽ từ ngày xưa, nhưng cũng không thể lấy mọi hoạt động, văn hóa xưa, truyền thống xưa rồi áp đặt cho hiện tại sau đó kết luận rằng: Người trẻ đang làm mất dần ý nghĩa ngày Tết.

Bạn Mẫn Nhi viết: "Chuyện “Mất Tết”, nói đầy đủ hơn, là “Mất Tết xưa”. Nhưng đó không phải do cảm nhận, không phải do ý thức, mà do rất nhiều yếu tố, vì xã hội thay đổi, phát triển, vì những cái thuộc về Tết xưa đã biến mất trong lòng thành phố và cả miền quê. Chúng ta có mãi hối tiếc thì được gì, sao không cùng nhau vui vẻ đón một cái Tết hiện đại? Đón nhận những lời chúc đầu tiên trên facebook, những tin nhắn ấm áp trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, hoặc cùng gia đình tận hưởng chuyến du xuân đầu tiên đến những vùng đất mới. Điều đó chưa đủ để vui sao?"

Đọc hai bài chia sẻ về hai quan điểm hoàn toàn khác biệt, rất nhiều độc giả đã gửi thư về ủng hộ quan điểm của nhà báo Ngô Bá Lục và không tán thành ý kiến chủ quan của bạn đọc Mẫn Nhi. Chúng tôi xin được trích đăng một số ý kiến của độc giả:

Người đi trước đã không hoàn thành việc truyền lại giá trị truyền thống cho đời sau

Độc giả Trần Ngọc Hải gửi từ mail haican... chia sẻ: "Cũng như nhiều người trẻ khác, tôi cũng không thoát khỏi sự ảnh hưởng của mạng xã hội, của những trò giải trí mới mẻ hiện nay. Từ lúc sinh ra đến nay, tôi chưa một lần được biết cảm giác phụ ông bà gói bánh chưng, thức đêm canh bánh tét chín. Cũng chẳng biết tiếng pháo nổ đêm xuân là thế nào. Tôi thèm khát một lần được hưởng cảm giác đó. Theo tôi nghĩ, Tết trong giới trẻ ngày càng nhạt, không phải chủ quan chỉ vì họ, mà còn vì những người đi trước đã không hoàn thành việc truyền lại giá trị truyền thống cho đời sau .

Mình thừa nhận mình cũng làm "mất Tết" 2

Tết cổ truyền vẫn mang dấu ấn đậm nét trong đời sống văn hóa của người Việt Nam - (Ảnh: Internet).

Giữa đời sống bận rộn này thì có mấy gia đình có thể tổ chức nấu bánh chưng, bánh tét để ăn, hay là chỉ cần chạy ra cửa hàng? Khoảnh khắc sum họp cả nhà, hỏi chắc rằng thời đại này còn mấy phụ huynh có thể được như vậy, hay là cứ giao thừa họ lại cùng con cháu đổ ra đường.

Nếu những người lớn có thể tổ chức, gìn giữ những nét truyền thống đó trong gia đình, thì những người trẻ khi bước ra đời có dễ dàng làm mất những giá trị truyền thống đó không? Cái gì mới mẻ, có thể đều sẽ tốt. Nhưng cái gì cũ kĩ, chưa chắc đã là xấu.

Tôi hi vọng, những người lớn trong mỗi gia đình có thể học được cách giữ gìn nét truyền thống, và truyền được cái bản sắc truyền thống đó cho con cháu của họ, để giúp cái Tết của người trẻ có giá trị, và quan trọng là không bị nhạt đi".

Cùng quan điểm này, bạn Phùng Ngân viết: "Bản thân người lớn không coi trọng Tết thì làm sao trẻ em có khái niệm về Tết là một ngày như thế nào? Quan trọng ra sao? Không biết từ bao giờ mọi người lại có cảm giác Tết giống như một dịp nghỉ bình thường như bao ngày khác.

Cuộc sống vật chất quá đầy đủ làm người ta quên đi những giây phút đầm ấm đông đủ mọi thành viên trong gia đình mà chỉ Tết mới có. Với sự hội nhập, Việt Nam cũng tiếp thu nhiều nét văn hóa và các ngày kỉ niệm của nước ngoài. Giới trẻ bây giờ chắc không nhớ Tết Hàn thực (mùng 3 tháng 3 âm lịch), Tết Vu Lan (rằm tháng 7 âm lịch) nhưng lại có thể bỏ ra cả tuần chuẩn bị cho ngày lễ Halloween, lễ tình nhân...".

Mình thừa nhận mình cũng làm "mất Tết"

"Mình là một thế hệ gần cuối của 9X, và mình cũng thấy rằng Tết của những năm trước đây vui hơn rất nhiều. Vào đêm giao thừa cả xóm cũng bừng hương khói cúng ông bà, có nhà còn nấu cả bánh tét. Mình còn nhớ ngoài bánh tét lớn để cúng ra, mình rất thích được bà nấu thêm cho những đòn bánh tét bé tí cỡ ngón tay rất đặc biệt, rất dễ thương. Buổi chiều của ngày cuối cùng của năm, mình cứ ra ra vào vào trông mặc đồ Tết. Mình cứ hỏi mẹ mãi nhưng mẹ mình bảo ráng đợi vì mặc ngay thì đồ sẽ không còn mới nữa.

Mình thừa nhận mình cũng làm "mất Tết" 3

Là một thế hệ mới, mình cũng thừa nhận rằng bản thân mình cũng đang dần đánh mất Tết. Khi đã lớn mình không còn hào hứng với cuộc sống thường nhật ở nơi xóm làng. Xã hội ngày càng phát triển, nên việc "hiện đại hóa" cuộc sống cũng đã tác động không ít đến những người trẻ như tụi mình.Thay vì ngày giao thừa mình sẽ ở nhà đón giao thừa cùng bố mẹ thì nay mình đó giao thừa ở ngoài đường cùng lũ bạn thân. Thay vì mồng Một Tết mình hào hứng thức sớm để diện đồ mới thì mình sẽ ngủ tới trưa, có khi tới chiều. Thay vì sẽ ăn các món mẹ nấu thì nay cả nhà mình ra quán ăn hoặc chỉ ăn vặt cho qua bữa mà thôi. Và ngày đầu tiên của năm, mình trải qua như thế... 

Mình biết nó thật nhàm chán và không tích cực tí nào!Thời gian nghỉ Tết không còn dài, không còn đủ thời gian để đi viếng thăm họ hàng, thầy cô nhiều nữa. Vì trước khi nghỉ Tết chúng mình đã được "lì xì" hàng trăm bài tập về nhà. Có thể bọn mình sai nhưng mình mong mọi người sẽ hiểu. Mình cũng thèm khát cái Tết ngày trước lắm. Nhưng thời nào thì Tết đó. Giờ mà mình ăn Tết theo kiểu truyền thống chắc sẽ có khối người nhìn vào và bảo là mình "màu mè", giả bộ ngoan hiền. Mà nếu mình có bất chấp thì chắc gì có cơ hội để thực hiện. Nhà mình ở kế nhà nội, mà Tết thì cô chú về quê vợ quê chồng hết cả rồi, chỉ còn có ba mình, mẹ mình và mình cùng một đống bánh mứt Tết thôi.Mình cũng xót xa, cũng tự thấy xấu hổ khi là một thế hệ mới nhưng chưa và không thể giữ gìn nổi truyền thống Tết xưa. Nhưng mình rất cần được người lớn tạo cơ hội, chỉ dạy để hướng chúng mình theo đúng nghĩa của ngày Tết. 

Và mình cũng hy vọng sự phát triển vượt bậc của xã hội sẽ giúp tiến bộ mọi thứ trừ những thứ cần giữ lại như ngày Tết cổ truyền" - Độc giả có tên Khương Holy chia sẻ.

Hãy dung hòa giữa truyền thống và hiện đại

Bạn Giadinh_huy khách quan chia sẻ: "Làm sao áp đặt suy nghĩ của mình cho người khác và bắt họ phải theo mình được? Cả Mẫn Nhi và nhà báo Ngô Bá Lục đều muốn người kia phải có một cái Tết đúng theo ý mình. Khi bạn thấy người nào đó thích 1 cái Tết khác, không giống của bạn, đừng bắt người ta theo bạn và đừng chê người ta là không biết hưởng thụ Tết.

Mỗi người có một cách yêu Tết khác nhau. Có người thích Tết hiện đại, có người thích Tết xưa. Mình ví dụ có những người quanh năm quây quần với gia đình, ở chung với bố mẹ, nếu Tết vẫn tiếp tục quây quần nữa thì cũng đâu khác gì ngày thường, và họ muốn đi chơi, đi du lịch xa cùng nhau. Ngược lại với những người quanh năm đi làm xa thì lại muốn quay về nhà với gia đình...

Có những người cả năm sống với cái truyền thống như nhà báo Ngô Bá Lục rồi, thì Tết lại muốn được trải nghiệm những cái mới như đi bar, giải trí lành mạnh, sôi động ngày Tết, hay những người cả năm làm việc quần quật và mệt mỏi, thì cái Tết mà họ hài lòng nhất đơn giản là lười biếng ở nhà... và ngủ. Tết vui hay không, hạnh phúc hay không tùy thuộc vào chính mình, nếu bạn thấy Tết không vui, bạn thử tự nghĩ xem tại sao nó không vui, và thay đổi nó đi".

Độc giả Hữu Toàn, một người sinh ra và lớn lên ở thành phố, thì đồng tình với quan điểm của Mẫn Nhi. Bạn viết: "Mình cũng giống như tác giả, quanh năm suốt tháng ở thành thị, gia đình họ hàng ở quê nào có biết ai, thử hỏi khi Tết đến, việc về quê "sum vầy" của những người thành phố chúng mình ngoài chuyện chào hỏi hết bà con một lượt rồi lầm lũi ngồi một góc nghe người lớn trong nhà nói chuyện thì còn làm được gì nữa.

Mình nghĩ từ "sum vầy", "đoàn viên" chỉ có ý nghĩa khi mình tận hưởng bên những người thân yêu xung quanh mình thôi. Các bạn đừng dùng khái niệm "Tết xưa" của nhà báo Ngô Bá Lục để làm thành một cái khái niệm chung cho mọi người, cái tết hiện đại như ngày nay chính là Tết xưa của tụi mình và những người sinh ra, lớn lên ở thành phố nhộn nhịp. Hãy biết dung hòa giữa truyền thống và hiện đại để có một cái Tết đẹp".

Nhớ về cội nguồn là nét văn hóa đẹp cần giữ gìnKhông đồng tính với chia sẻ của độc giả Mẫn Nhi, một bạn đọc bày tỏ: "Nhớ về cội nguồn là nét văn hóa rất đẹp của cả thế giới, không chỉ riêng Việt Nam. Ngoại mình đông con, 23 đứa cháu, mỗi năm Tết về tốn nhiều đồ ăn trái cây mà ngoại rất vui, con cháu dù đi làm xa Mùng 1 tết vẫn về đi viếng mộ người lớn trong gia đình. Mình cũng ít gặp họ hàng nhưng mẹ dạy chào ai thì thưa gửi rồi cũng xong.

Chuyện không gói được bánh đẹp là chuyện bình thường thôi nhưng quan trọng là niềm vui khi Tết có được cái bánh tét treo trông nhà, cả nhà đều làm có ai than thì than nhưng nhìn thành quả của mình và niềm vui Tết thì công sức bỏ ra không phí chút nào. Đường hoa Tết ở Sài Gòn quả thực rất đẹp, nhưng bạn thử một lần nhìn ngắm vườn ươm của nhà vườn đi, thử cảm nhận công sức những chủ vườn bỏ ra, bạn đừng chỉ hưởng thụ cái đẹp mà quên mất những điều đẹp đẽ đó từ đâu mà có".

Độc giả Loc Pham cũng cùng quan điểm và góp ý: "Bạn bảo bạn không vui vì chẳng biết bà con họ hàng nào cả. Liệu bạn có cảm thấy vui hơn nếu họ có facebook và like comment của bạn hằng ngày? Chúng ta đang sống ở một thế giới quá lệ thuộc vào công nghệ thông tin. Đôi khi mình cũng cảm thấy rất buồn vì mỗi lần gia đình gặp mặt, các em họ của mình (9X) mỗi đứa 1 cái phone/tablet, ngồi đối diện nhau trên sofa mà chẳng nói với nhau một lời, chỉ lên mạng like/comment rồi cười khúc khích với nhau.

Thật ra thì chúng cũng có trò chuyện với nhau đấy, nhưng chỉ trong thế giới ảo thôi. Có lẽ vì vậy nên bạn mới cảm thấy xa lạ. Mỗi dịp Tết đến, mình cũng có họ hàng xa đến chơi và mình cũng chẳng biết họ. Nhưng đó lại là cái hay đối với mình vì mình có dịp trò chuyện và biết thêm về mọi người. Bạn đang sống ở Việt Nam, bạn đang có dịp ăn tết cổ truyền, xin hãy trân trọng và gìn giữ nó để con cháu chúng ta sau này có cái mà học hỏi".