Lật mặt những thủ đoạn táo tợn của dân cướp chuyên nghiệp

Giày Bata, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 10/12/2012

Có thể nói chưa bao giờ vấn nạn cướp lại bùng nổ và trở thành nỗi ám ảnh của người dân như hiện nay.

Bạn có thể bị cướp ở bất kì đâu: giữa một sân chơi âm nhạc chật cứng người, ở siêu thị đông người, nơi công viên vắng vẻ, đi bộ ngay trong vỉa hè, thậm chí là đang ngồi trong nhà cũng không yên… Đi xe cũng bị cướp, đi bộ cũng bị cướp, và đứng yên cũng không được tha…. Sài Gòn vì đâu đến nỗi thế?

Nạn nhân của các vụ cướp có thể là bất kì ai trong chúng ta. Một cô (cậu) học sinh đi luyện thi về muộn, một anh (chị) sinh viên đi làm thêm về khuya, hoặc đơn giản là chúng ta giữa một buổi chiều đông đúc đang tung tăng thì cái điện thoại cũng có thể không cánh mà bay – chỉ cần trong một "nốt nhạc"!

Lật mặt những thủ đoạn táo tợn của dân cướp chuyên nghiệp 1

Cướp không tha cho một ai

Khi người nước ngoài là nạn nhân của vụ cướp

Chẳng phải chỉ người Việt bị nạn mà người nước ngoài cũng không được yên. Thậm chí, theo quan sát thực tế, các vụ cướp táo bạo ở trung tâm Sài Gòn đa số là nhắm vào người nước ngoài vì họ thường im lặng cho qua khi gặp nạn (vì chẳng biết làm gì). Một số trường hợp xui xẻo bị cướp hết giấy tờ thì tội hơn. Thay vì “nhắm mắt cho qua” như các đồng hương khác, những vị khách nước ngoài mất giấy tờ thường tức giận (đàn ông) và đa số là ngơ ngác, thậm chị khóc lóc (phụ nữ) giữa phố, cầu cứu mọi người xung quanh dù nhưng thứ họ nhận được thường chỉ là những ánh mắt e ngại…

Theo chị Trang Trần (một quản lý thương hiệu thời trang lớn của khu Đồng Khởi): “Đa số khách bị cướp là những cô gái châu Á, nhất là người Nhật. Họ nhỏ con và thường “ngơ ngác” khi đi dạo hơn các vị khách Châu Âu. Đó là điều đầu tiên khiến bọn cướp hay chú ý đến họ”

Lật mặt những thủ đoạn táo tợn của dân cướp chuyên nghiệp 2

Một nạn nhân bị cướp khi đang đi bộ trên vỉa hè ở đường Trần Hưng Đạo

Tuyệt chiêu của bọn cướp thì có đủ cả. Như chị Th. (một người bán hàng lâu năm ở khu trung tâm cho biết): “Ở đây thường có 1 nhóm cướp, 3 trai và 1 gái. Đứa con gái đi xe Airblade – đúng kiểu ăn cướp vì nó chạy xe thấy ghê lắm. Bọn chúng thường đứng canh ở góc đường Lê Thánh Tôn, khi nhìn thấy khách nước ngoài đang lơ ngơ đi trên vỉa hè thì ngay lập tức phóng xe chạy ngược lại giựt giỏ của họ. Tội lắm, ở đây tui thấy người nước ngoài gặp nạn hoài mà mình đâu có giúp gì được. Thật xấu hổ với khách nước ngoài về vấn đề an ninh”

Bảo vệ của một khách sạn khu này cũng cho biết: “Khách vừa bước ra khỏi khách sạn vài bước chân là gặp ngay cướp. Máy ảnh, giỏ xách, điện thoại… là những món dễ bị dòm ngó nhất của họ. Ở đây cũng có nhiều hình sự chìm nhưng có vẻ cướp còn nhiều hơn nên bao nhiêu năm nay không thấy giảm tệ nạn này”

Khi được hỏi vì sao biết rõ bọn cướp như vậy mà không ai tố cáo chúng, một bác xe ôm tên S. bức xúc chia sẻ: “Đúng là tụi tui biết hết, quen mặt luôn. Nhưng chẳng ai dám nói vì có cái lý do riêng. Tụi nó dữ lắm, báo công an là mình bị xử ngay. Có lần tui nhắc vị khách người nước ngoài khi thấy có đứa chuẩn bị cướp của cô ấy thì thằng đó nó chạy thẳng lại chỉ mặt tui đe dọa. Cứ như vậy, ai còn dám bảo vệ người khác nữa?”

Lật mặt những thủ đoạn táo tợn của dân cướp chuyên nghiệp 3
Người nước ngoài là những "con mồi" quen thuộc của bọn cướp

Tiếp lời chú S., một người khác nói vào: “Uhm, ở đây là chỗ làm ăn. Chính quyền không quản lý chặt, bắt vào rồi thả ra như đi chợ. Cướp cha sinh cướp con. Tui còn biết có nhóm cướp là người trong gia đình. Như vậy thì ai dám tố cáo, tố cáo nó, nó ở tù vài tháng lại ra chém chết mình à?”

Tuy nhiên, không phải người nước ngoài nào cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của bọn cướp. Ngay tại trước cổng Vincom khi đang xây, một vị khách da màu đang đi bộ trên vỉa hè thì gặp cướp, hắn nhanh tay giựt lấy cái máy ảnh đang treo lủng lẳng trên cổ anh. Nhưng “bất hạnh” cho tên cướp cạn, vị khách cao to này còn nhanh tay hơn khi anh kịp nắm chặt tay tên cướp và vật luôn một vòng, tên cướp bé tí người (so với chàng nước ngoài cao to kia) nằm dài dưới đất, mặt nhăn nhó đau đớn, miệng lắp bắp không nói nên lời.

Hay như vụ cướp xảy ra trước nhà hát Thành phố mà nạn nhân là một cặp vợ chồng lớn tuổi người Châu Âu. Khi người vợ kém may mắn bị đưa vào tầm ngắm của bọn cướp. Có vẻ như đã theo dõi đôi vợ chồng từ phía xa, khi người phụ nữ vừa giơ tay xin băng đường (qua phía công viên) thì nhanh như phóng, hai tên cướp lao nhanh tới chụp ngay cái giỏ trên tay bà. Người chồng theo phản xả tự nhiên và bằng hết sức lực của người đàn ông đã kịp nắm lại cái giỏ và kéo luôn tên cướp lao xuống đường. Ông đẩy vợ mình ra sau và lao vào nắm áo tên cướp giữ lại trong tiếng la hét hoảng sợ của người vợ như đang cầu cứu. Trong tích tắc, một đồng bọn khác của nhóm cướp lao đến đưa thẳng dao vào người ông như đe dọa. Đôi vợ chồng già đơn thân nơi xứ lạ quê người đành ngậm ngùi lùi bước để giữ tín mạng, mặc cho mấy tên cướp tháo chạy mà vẫn không quên mang theo cả ví tiền của mình.

Một sự thật không phải ai cũng biết. Đất nước chúng ta vào thời bình nhưng tiếng súng thì vẫn thường xuyên nổ giữa phố đông người, nhất là trên những con đường lớn có nhiều du khách nước ngoài. Những người dân khu này không còn xa lạ với những âm thanh chát chúa vang lên giữa trưa hè hay đêm vắng. Không ai bảo ai, họ tự nhận thức được đó chỉ đơn giản là tiếng súng bắn chỉ thiên của các chiến sĩ hình sự chìm đang săn bắt cướp.

Lật mặt những thủ đoạn táo tợn của dân cướp chuyên nghiệp 4
Cặp đôi người Hồng Kông khốn khổ phải đi bán ảnh dạo vì gặp cướp

Và khi người nước ngoài là… cướp!

Chẳng hiểu có phải vì Việt Nam là một môi trường tốt để "làm ăn" hay không mà đôi khi người nước ngoài cũng chọn Việt Nam làm nơi "hành nghề" cướp bóc. Đó là trường hợp xảy ra cách đây vài tháng khi Vincom vừa khai trương. Hai người phụ nữ Việt đang đi dạo phía ngoài vỉa hè Vincom thì gặp phải 2 tên đạo chích người Hàn Quốc. Chúng giật lấy điện thoại của 1 trong 2 người rồi nhanh tay truyền cho 1 kẻ khác. Khi đuổi bắt được thì chúng ú ớ ra vẻ không hiểu gì rồi lấy bằng chứng ngoại phạm là chiếc Iphone không có trong túi mình (vì đã kịp truyền tay cho đồng bọn) để chối tội trong sự uất ức của 2 người phụ nữ gặp xui.

Và theo lời của một anh thanh niên bán hàng trong khu thương mại lớn giữa trung tâm chia sẻ: "Bây giờ không biết ai là cướp, ai là thiện đâu. Bọn ăn cướp đi xe xịn, mặc đồ đẹp và có cả người nước ngoài. Bắt được thì chúng toàn xí xô xí xào không ai hiểu rồi kiếm cớ chuồn nhanh. Mọi người nên tự bảo vệ mình và đừng tin bề ngoài mà bất cẩn"

Đến hẹn lại lên, cứ sao mỗi đợt ân xá là y như rằng tình hình trật tự công cộng trở nên phức tạp và hoảng loạn vô cùng. Dù báo đài luôn đưa tin “nhắc nhở”: “Sắp có … phạm nhân sắp được ân xá”. Công an khu phố không quên nói đi nói lại trong các cuộc họp “Mọi nhà phải cẩn thận”… trước những ngày trọng đại: 2/9, 30/4, lễ tết… nhưng hầu như trộm cướp đã thành một vấn nạn lớn của toàn xã hội khi thống kê cho thấy trộm cướp ở nước ta chưa bao giờ giảm mà chỉ có tăng. Thậm chí, tăng mạnh là đằng khác!