Hà Nội: Hàng chục hộ dân lo sợ hà bá bên bờ sông Đáy

Lệ Quân, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 04/08/2014

Từ đầu mùa mưa, tình trạng sạt lở ở xã Phương Trung và xã Kim Thư trở nên nghiêm trọng khiến nhiều hộ dân sống trong lo sợ. Một số hộ đã phải di dời đến nơi an toàn sinh sống.

Mấy ngày gần đây, người dân ở thôn Tây Sơn, xã Phương Trung (Thanh Oai, Hà Nội) phản ánh về tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng, thậm chí nhiều điểm bờ sông đã sạt lở sát vào nhà dân khiến nhiều hộ nơm nớp lo sợ.




Bờ sông Đáy chảy qua địa phận hai xã Kim Thư và Phương Trung xảy ra sạt lở nghiêm trọng và tiến sát tới các hộ dân khiến nhiều người lo lắng.


Anh Nguyễn Văn Sỹ, ở thôn Tây Sơn, xã Phương Trung là một trong những hộ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do sạt lở bờ sông gây ra vẫn luôn luôn cảnh giác về tình trạng sạt lở sau mỗi trận mưa bởi ngôi nhà cấp bốn của anh chỉ còn cách bờ sông hơn 2m. Để hà bá sông Đáy không xâm phạm vào ngôi nhà xây trên mảnh đất ông cha để lại, anh Sỹ đã tìm mọi cách ngăn cản nhưng cũng chỉ có thể làm chậm quá trình sạt lở.

Anh Sỹ cho biết, anh phải mua gạch xây thành từng lớp tường chắn phía sau gian bếp và công trình phụ. Đến nay đã phải 3 lớp tường đã được gia cố. Một lớp đã xuống mép nước dưới sông. Hai lớp tường còn lại đang bị sụt lún, rạn nứt và nguy cơ trong tương lai cũng bị hà bá nuốt. Nếu hai lớp tường còn lại bị sụt xuống thì gian bếp của gia đình anh sẽ không giữ được. Ngoài việc xây tường, anh Sỹ cũng phải mua đá hộc thường xuyên để đổ xuống các khe nứt ở bờ sông sau nhà.


Người dân sống trong những căn nhà cạnh bờ sông Đáy luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ bị hà bá tấn công.

"Gia đình tôi có 4 người, hai cháu còn nhỏ nên luôn phải cảnh giác mỗi khi mưa, lũ về. Nhiều đêm ngủ không ngon vì mưa lớn bởi chỉ cần không cảnh giác mà nước lũ lớn về sự cố xảy ra không kịp trở tay. Toàn bộ phần đất chỉ có hơn 1 sào, giờ hà bá đã nuốt mất vài chục mét, nếu không giữ được đất sẽ không còn nơi để ở", anh Sỹ lo lắng.






Các vết nứt xuất hiện trên tường nhà dân, nhiều người lo sợ tường sập vào trẻ em nên phải buộc, chống bằng cọc.




Người dân phải tự tìm cách ngăn cản hà bá nuốt nhà bằng cách dựng các tường bao chắn và trồng tre phía ngoài.

Nghiêm trọng hơn nhà anh Sỹ, hộ gia đình nhà anh Nguyễn Văn Thành (49 tuổi) ở thôn Đôn Thư, xã Kim Thư ngay kế bên phải di dời toàn bộ đến nơi ở khác bởi sông Đáy sạt lở và gian bếp, chuồng lợn. Thậm chí, nhiều vết rạn nứt lớn xuất hiện trong sân, nhà ở rất nguy hiểm.

Anh Thành cũng cho biết đã di dời toàn bộ 4 thành viên trong gia đình ra bãi Kim Thư để ở tạm chờ cơ quan chức năng xuống kiểm tra tình trạng sạt lở và đưa ra phương án khắc phục.


Gian bếp của gia đình anh Nguyễn Văn Thành bị đe dọa bởi các vết nứt lớn trên tường có nguy cơ sập khiến cả nhà phải di tán ra bãi cát.


Hàm ếch xuất hiện ở sân gạch.

Ông Phạm Văn Toàn, Phó chủ tịch UBND xã Phương Trung cho hay, tình trạng sụt lún đã xảy ra trong vài năm trở lại đây. Cụ thể, sạt lở bờ sông Đáy đã ảnh hưởng tới hơn 30 hộ dân thuộc thôn Tây Sơn. Nguyên nhân tình trạng này do khu vực trên là nơi tiếp giáp với xã Kim Thư (điểm cuối của kè Kim Thư) vì thế không được kè bảo vệ và chịu tác động trực tiếp dòng chảy, nhất là vào mùa mưa.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày