Đừng để người chuyển đổi giới tính sống như người vô hình

báo Lao Động, Theo 14:23 24/10/2015

Đó là ý kiến của Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) tại buổi thảo luận ở hội trường kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) sáng 24.10.

1-c7a17
Đại biểu Nguyễn Trung Thu phát biểu tại hội trường (Ảnh: VPQH).

Chuyển đổi giới tính được quy định riêng

Liên quan đến vấn đề chuyển đổi giới, báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày nêu rõ: Nhiều ý kiến không tán thành với quy định của dự thảo về việc không công nhận quyền chuyển đổi giới tính nhưng người đã chuyển đổi giới tính được thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân kèm theo giới tính mới được chuyển đổi. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về mục đích, nguyên nhân của việc chuyển giới, trường hợp nào được chuyển đổi giới tính để tránh lạm dụng. Ý kiến khác đề nghị chưa nên quy định “công nhận việc chuyển đổi giới tính”.

Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Việc chuyển đổi giới tính kèm theo nhiều vấn đề xã hội phát sinh liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình, các chính sách an sinh xã hội... Để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý, đề nghị Quốc hội cho tách việc chuyển đổi giới tính thành một điều riêng (Điều 37 mới) và chỉnh lý nội dung này theo hướng xác định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Đừng để người chuyển đổi giới tính “sống ngoài vùng phủ sóng”

Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) cho rằng, dự thảo trình Quốc hội trước không công nhận quyền chuyển đổi giới tính, nhưng người đã chuyển đổi giới tính được thay đổi hộ tịch và các quyền dân sự khác theo giới tính mới.

Nhiều ĐBQH không tán thành vì không thể nào vừa không công nhận việc chuyển giới, vừa thừa nhận việc đã chuyển giới, pháp luật phải minh bạch, rõ ràng.

Clip Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự luật Dân sự sửa đổi:

“Tôi tán thành với dự thảo luật lần này tách việc chuyển đổi giới tính thành một điều riêng (điều 37) và chỉnh lý nội dụng này theo hướng xác định việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền và nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan. Tôi cho rằng quy định như vậy đảm bảo thận trọng, hợp lý vì việc chuyển đổi giới tính kéo theo những vấn đề xã hội phát sinh liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân gia đình, chính sách an sinh xã hội... Đồng thời cũng giải quyết được những vấn đề phát sinh với những người đã chuyển giới” – ông Thu nói.

Ông Thu cũng đề nghị, Quốc hội nên xem xét vấn đề chuyển giới tính ở góc độ vừa là quyền con người vừa là thực tiễn xã hội đặt ra. Thực tế người chuyển giới ở nước ta ngày càng thể hiện rõ rệt hơn nhưng chưa được công nhận, chưa có quyền xác định lại giới tính, mặc dù việc chuyển đổi giới tính đang tồn tại khách quan nhưng thực chất họ sống ngoài vòng phủ sóng như người vô hình. Bản thân người chuyển giới đã chịu khó khăn trong đời sống, việc làm, y tế, an sinh xã hội; bị chính gia đình và xã hội kỳ thị, trong khi các cơ chế hỗ trợ, nhất là hỗ trợ pháp lý chưa thực sự hợp lý.

Theo ông Thu, thực tế một số trường hợp người chuyển giới bị xâm hại nhưng không hoặc chưa được bảo vệ một cách thích đáng. Điều này xuất phát từ không công nhận chuyển giới.

Việc thực thi pháp luật hình sự với người chuyển giới cũng gặp rất nhiều khó khăn khi tiến hành một số hoạt động trong điều tra, biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự, cũng như trong quá trình thi hành án hình sự.

Có một số biện pháp cưỡng chế và khi thực hiện cần căn cứ vào giới tính như khám người, tạm giữ, tạm giam; án tù có thời hạn, tù chung thân trong tố tụng hình sự.

Thực tiễn cho thấy, áp dụng các biện pháp này đối với người chuyển giới có một số khó khăn nhất định và có thể xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm và quyền tự do của họ.

“Tôi cũng đề nghị ban soạn thảo cần thông tin hiện nay có bao nhiêu quốc gia trên thế giới công nhận chuyển giới và hệ quả ra sao để Quốc hội có thêm cơ sở” – ông Thu nói.

Còn Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho hay, quy định của dự thảo chưa thể hiện rõ có thừa nhận việc chuyển đổi giới tính hay không, mà chỉ mới đặt ra. “Tôi cho rằng chúng ra nên thừa nhận việc này, để quyền và nghĩa vụ của người chuyển giới sẽ được giải quyết như những người bình thường” – ông Tám nói.