Cuộc đời buồn của cụ bà cưu mang 50 chú mèo hoang

, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 13/06/2014

Cụ cho biết, đời mình buồn lắm, “nhưng chuyện qua rồi hãy để cho nó qua, giờ tôi coi lũ mèo như con, không còn buồn vì cô độc nữa”.

Những ngày gần đây, cư dân mạng liên tục chia sẻ bài viết về một cụ bà ở tuổi 80 sống một mình nhưng cưu mang hơn 50 chú mèo bị bỏ rơi ở Sài Gòn. Nhiều người bày tỏ sự cảm phục đối với tấm lòng của cụ dành cho loài vật gần gũi với con người này. Ngôi nhà toàn mèo hoang ấy, với một cụ già giàu lòng nhân hậu đã thôi thúc khiến chúng tôi không thể bỏ qua.

Chúng tôi đến gặp cụ Lê Thị Quý (80 tuổi - nhà ở Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, TP.HCM) vào một buổi sáng muộn, hàng xóm cho biết cụ vừa mới đẩy xe ra chợ bán hàng. Tại chợ Dakao – nơi cụ đã buôn bán từ nhiều năm nay, hình ảnh đầu tiên về người đang chăm sóc cho hơn 50 con mèo hoang giữa lòng Sài Gòn là một bà cụ đã lớn tuổi nhưng da dẻ hồng hào và tinh thần có vẻ khá phấn chấn. Cụ thở hổn hển vì mệt do vừa phải đẩy xe đi một đoạn đường dài từ nhà ra chỗ bán nhưng cũng hồ hởi cho biết: “Hôm qua giờ có mấy đứa nhỏ đến thăm mèo nên tôi hơi bận nhưng cũng rất vui”.



Cụ Quý ngồi thở dốc ở sạp hàng sau khi chăm sóc cho lũ mèo ở nhà và phải đẩy bộ chiếc xe hàng này ra chợ
.


Cụ Quý đổ cơm khô ra túi để bán cho bạn hàng về làm thức ăn nuôi gà
.


Mèo hoang ở chợ cũng là "con" của cụ
.


Cụ bảo phải tiết kiệm từng đồng kể cả chùm chìa khóa rỉ sét này cũng không dám thay vì muốn dành tiền lo cho mấy con mèo
.

Nói rồi, cụ bỗng kéo tay phóng viên hối thúc: “Đi, đi với tôi lấy đầu tôm kẻo người ta xin trước là mấy con mèo không có cái để ăn” và bước vội ra phía con đường đông đúc, băng sang những tiệm mì đối diện để lấy túi đầu tôm người ta đã vứt sẵn sau hiên nhà. Trên đường quay lại sạp hàng của mình, cụ còn được một bác bán hàng gọi lại cho phần cơm chay từ thiện. Cụ bảo: “Vậy là xong một ngày của tôi và tụi nó rồi.”


Nhanh chân ra các quán ăn xin đầu tôm về cho lũ mèo là công việc đầu tiên của bà khi ra đến chợ
.


Cẩn thận làm sạch đầu tôm cho mèo ăn đỡ bị vướng cổ
.


Cụ được một bác gái tốt bụng biếu hộp cơm chay từ thiện làm bữa ăn
.


Cụ lại len lỏi vào con hẻm nhỏ về sạp để chuẩn bị dọn hàng buôn bán
.


Phần ăn của cụ và hơn 50 đứa con chỉ cần thế này thôi
.


Tuổi già sức yếu nên mỗi lần đi đâu về là cụ Quý lại phải ngồi nghỉ ngơi lấy sức
.

Theo một chị bán hàng gần cụ cho biết: “Bà già khỏe lắm. 80 tuổi rồi mà khiêng vác, buôn bán rồi còn chăm cho mấy chục con mèo cả ngày trời. Trẻ như tui còn phải bái phục. Nhà nuôi 1 con mà nó quậy đã muốn chết. Bả nuôi tất cả mèo chó người ta bỏ hoang, ai cho – ai vứt là bả đem về nuôi. Mèo hoang ở khu chợ này cũng biết nịnh, tụi nó suốt ngày đi theo bả để được cho ăn và chăm sóc...”.


Bên trong căn nhà ẩm thấp của cụ là một thế giới chó mèo đầy màu sắc, chủng loại
.


Cụ đặt tên cho từng con và kể về chúng như chính đứa con ruột của mình
.


"Nó nhớ mẹ đó. Nó kêu ngao ngao suốt à. Tội nghiệp tụi nó, Mới sinh vừa mở mắt đã bị bắt xa mẹ, bị người ta vứt đi rồi...".


Mèo ở khắp nơi trong nhà
cụ...

... cả trên gác lửng...


.... và bàn thờ

Nhưng khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình cụ thì đa số bạn bè ở khu chợ và khu nhà cụ đều không rõ, họ chỉ biết cụ sống một mình với mấy chục con mèo hoang, có chồng nhưng đã li dị và cô con gái ở Mỹ, chỉ thế mà thôi.

Đem chuyện này đi hỏi trực tiếp cụ, im lặng một lúc, cụ buồn bã nói: “Đời tôi buồn lắm. Năm 17 tuổi lấy chồng rồi một thân một mình theo nhà chồng vào Nam. Năm 18 tuổi sinh được đứa con gái nhưng chồng làm cho công ty của Mỹ được nhiều tiền, thay đổi tình cảm. Vợ chồng về nhà nhìn nhau như kẻ thù nên hai bên quyết định li dị. Chồng không nhận con gái nhưng má chồng thì giành cháu. Nó sống bên đó và được đưa đi du học rồi sinh sống ở nước ngoài từ trước giải phóng. Chồng tôi sau đó cũng đi.

Từ đó, tôi về sống nhờ ông cậu để buôn bán kiếm sống qua ngày. Sau này gặp cơ duyên nên đem những con mèo hoang, chó hoang về nuôi làm bầu bạn... Nhưng thôi, chuyện qua rồi hãy để cho nó qua, giờ tôi coi lũ mèo như con, không còn buồn vì cô độc nữa”.


Đâu đâu cũng thấy mèo trong ngôi nhà của bà cụ
.


Chúng là niềm vui và động lực giúp bà sống khỏe
.






Những con mèo hay đi hoang thường được bà nhốt riêng bên trong vì sợ kẻ xấu bắt làm thịt
.

Về con gái ruột - người thân duy nhất của mình, cụ cho biết: “Con gái xa mẹ từ nhỏ, tôi không được nuôi nó. Đến khi lớn thì nó qua Mỹ, đời sống tình cảm khô khan nên nó cũng ít quan tâm và thương mẹ. Nó rất ít khi về thăm tôi. Chỉ khi đi du lịch thì nó về và ghé qua nhà thăm một chút như người quen thôi chứ không phải mẹ con ruột rà gì hết. Nhiều khi nghĩ cũng buồn nhưng không trách nó được. Số tôi như vậy rồi. Thôi thì giờ coi bọn chó mèo này là con. Mình đem về chăm sóc nó tích đức để kiếp sau gặp nhiều may mắn hơn kiếp này. Con người bỏ mình được chứ con vật nó thương người chăm sóc nó lắm. Tụi nó đi chơi rồi lại về ăn, ngủ với tôi. Con nào đi 2, 3 ngày không về là tôi biết nó bị người xấu bắt rồi chứ chẳng bao giờ tụi nó bỏ tôi đâu...”.


Với bà, bà không sợ chết, chỉ sợ chết đi không ai chăm lũ mèo mà thôi
.


Phòng riêng của những con mèo hay đi chơi quên đường về
.






Rất lo cho tương lai của “những đứa con” trong nhà, cụ Quý cũng tâm sự: “Tôi tính hết rồi. Tôi đã lớn tuổi lại bị hở van tim, thấy vậy chứ không biết ra đi ngày nào. Khi tôi chết, ai đến đây làm ma chay cho tôi thì làm. Còn mấy con mèo thì tôi gửi cho một cô cũng thích và đang nuôi mèo như tôi. Còn bao nhiêu tiền, tôi cũng gửi cho họ để họ chăm sóc chúng. Nói thật, tôi không có nhiều tiền. Buôn bán mỗi ngày lãi vài ba chục ngàn, lâu lâu có người cho vài ba đồng rồi gom góp nuôi chúng thôi. Mỗi tháng chi tiêu khoảng 3 triệu đồng. Còn gái thì mỗi năm đi du lịch về thăm cho được 100 – 200 USD (khoảng 2 - 4 triệu đồng)".


Bà kể về chú chó bị bệnh, chủ nó vứt đi nên bà đem về nuôi, mua thuốc mọc lông và đang chữa trị cho nó sớm khỏe
.


Một chú mèo con bị bỏ hoang đang âu yếm vuốt mặt một con mèo lớn hơn mà nó lầm tưởng là mẹ
.

Gửi lời cảm ơn đến cộng đồng mạng và những bạn trẻ quan tâm, bà cụ vui vẻ cho biết: “Lên báo tui có hơi mệt vì nhiều đứa đến đây sớm quá. Tôi bận lu bu dọn dẹp chuồng mèo và chuẩn bị nấu cơm mèo, đi ra chợ bán hàng. Nhưng nói thật là cũng vui. Sống cô độc một mình với bọn mèo lâu rồi, chẳng có ai đến thăm nhiều như vậy. Bọn trẻ lại hay mua quà nhưng cho tôi nhắn nếu có mua quà thì mua cho mấy con mèo thôi chứ đừng mua cho tôi làm gì. Tôi già rồi đâu có ăn nhiều và cũng không có thời gian nấu ăn vì bận chăm sóc chúng. Mà đến chơi là vui rồi, nhắn bọn nhỏ cứ đến đây sau 2 – 3h chiều chơi với tôi và đám mèo là được. Chẳng cần quà đâu".