Vụ nam sinh cấp 2 bị bạn học ép uống nước sôi: Phía cơ quan chức năng đưa ra tuyên bố gây bất bình

Nhật An, Theo Phụ nữ mới 22:02 08/04/2024

Nhiều người cho rằng những vụ bắt nạt học đường nghiêm trọng vẫn sẽ tiếp diễn vì thái độ không kiên quyết của người có thẩm quyền.

Một vụ bắt nạt học đường nghiêm trọng mới đây đã gây sự chú ý trong dư luận Trung Quốc. Nam sinh họ Triệu đang học tại một trường trung học cơ sở ở thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc bị hai bạn cùng lớp dội nước sôi vào miệng khiến em bị bỏng nhiều nơi trên cơ thể.

Theo truyền thông, vụ bắt nạt xảy ra vào tối ngày 27/3. Em Triệu nảy sinh mâu thuẫn với một bạn cùng lớp khác họ Lưu. Lưu đã rủ người bạn họ Hách để bắt nạt Triệu.

Sau khi bắt được Triệu, 2 người lấy nước sôi đã chuẩn bị trước đổ vào miệng nạn nhân khiến môi Triệu bị phồng rộp nghiêm trọng, bỏng ở mặt và ngực. Nam sinh được một thầy giáo phát hiện và đưa vào bệnh viện điều trị. Sau hơn 1 tuần nằm viện em mới bình phục và xuất viện.

Vụ nam sinh cấp 2 bị bạn học ép uống nước sôi: Phía cơ quan chức năng đưa ra tuyên bố gây bất bình - Ảnh 1.

Nam sinh bị bạn bị ép uống nước sôi

Về vấn đề này, cảnh sát địa phương đã can thiệp để mở cuộc điều tra. Đồng thời nhà trường cũng tăng cường giáo dục, tư vấn cho các học sinh liên quan để ngăn chặn những sự việc tương tự tái diễn.

Tuy nhiên, vụ việc không chỉ gây bức xúc ở hành vi "máu lạnh" của Lưu và Hách. Khi mới được đưa tin, phía cơ quan chức năng đã mô tả sự việc là học sinh "ẩu đả", không xác nhận đây là bắt nạt học đường. Hình phạt với 2 học sinh Lưu và Hách cũng không được nêu rõ. Cách nhìn nhận sự việc từ phía người có thẩm quyền và những thông báo được đưa ra khiến mọi người bức xúc vì vẫn đi theo những "công thức" đơn giản hóa sự việc như từ trước đến nay. Thế nhưng bạo lực học đường vẫn không bao giờ dừng lại.

Cư dân mạng tỏ ra bất mãn với các bình luận: "Mâu thuẫn bạn bè à? Đang đánh nhau mà đổ nước sôi vào miệng à?", "Việc nghiêm trọng như vậy chỉ cần vài lời là có thể xong chuyện?"...

Nhiều cư dân mạng đặt câu hỏi rằng cách trả lời như vậy là nhằm trốn tránh những sự việc nghiêm trọng để giữ gìn hình ảnh của nhà trường. Việc "tránh nặng tìm nhẹ" luôn xảy ra một cách phổ biến và đây cũng là một tác nhân khiến bạo lực học đường không thể bị đẩy lùi.

Vụ nam sinh cấp 2 bị bạn học ép uống nước sôi: Phía cơ quan chức năng đưa ra tuyên bố gây bất bình - Ảnh 2.

Học sinh Triệu phải nằm viện điều trị hơn 1 tuần mới bình phục

Trong thực tế, việc xác định hành vi bắt nạt trong khuôn viên trường thường được nhà trường và sở giáo dục thực hiện. Vẫn tồn tại các trường hợp các bên liên quan không tích cực xác định các vụ bắt nạt và thậm chí có thể hạ thấp mức độ nghiêm trọng chúng. Nhưng nếu mãi coi bắt nạt học đường là hành vi ẩu đả của học sinh thì người lớn có thể đang dung túng cho những vụ bắt nạt học đường ngày càng nghiêm trọng hơn. Nói một cách dễ hiểu, việc xác định và xử lý nạn bắt nạt trong khuôn viên trường học ngày nay tại Trung Quốc dường như chưa được nhà trường và cơ quan có thẩm quyền đánh giá đúng mức độ. Nhiều người, đặc biệt là các bậc phụ huynh vẫn có con còn đang trong độ tuổi đi học hy vọng các cơ quan, đoàn thể, nhà trường sẽ xem trọng vấn đề này hơn bởi hậu quả do bạo lực mang đến dù là bạo lực bằng hành động hay lời nói đều ảnh hưởng rất lớn đến nạn nhân.

Bạo lực học đường có thể để lại những hậu quả gì cho nạn nhân?

Theo Thạc sĩ tâm lý học lâm sàng Lê Thế Hanh - Viện Tâm lý - Giáo dục BrainCare (Hà Nội) bạo lực học đường gây ra những hậu quả lớn cho nạn nhân. Đầu tiên là việc tổn thương cơ thể. Có nhiều bạn trẻ là nạn nhân của bạo lực học đường bị khuyết tật cơ thể cả đời dẫn đến khó khăn nặng nề trong học tập và cuộc sống, chưa kể đến nguy hiểm đến tính mạng.

Thứ hai là vấn đề khủng hoảng tâm lý kéo dài. Nếu nạn nhân trong tuổi dậy thì bị bạo lực học đường có thể dẫn đến sự tổn thương tâm lý nặng nề tác động lên cảm xúc và suy nghĩ, thường xuyên có những cơn hoảng sợ, ám ảnh trường học hay suy nghĩ tiêu cực về bản thân hoặc tiêu cực về thế giới. Nặng nề hơn sẽ dẫn đến các vấn đề của sức khỏe tâm thần như rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu xã hội, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), tâm thần phân liệt…

Họ cũng sẽ mất đi cảm giác an toàn với môi trường sống, một cá nhân bị bạo lực sẽ xuất hiện trạng thái hoài nghi với các mối quan hệ xã hội trong quá trình trưởng thành các bạn sẽ khó thích nghi với những biến động bất thường, sợ hãi, tự ti không dám thể hiện hay bộc lộ bản thân với người khác gây cản trở đến sự thành công trong học tập và công việc.

Nguồn: Line, Tổng hợp