U19 Việt Nam và Nhật Bản "câu giờ" ở 10 phút cuối trận: Toan tính hợp lý hay phi thể thao?

TRUNG HIẾU, Theo Trí Thức Trẻ 12:56 11/11/2019

Đã chính thức giành vé tham dự VCK U19 Châu Á 2020, nhưng các cầu thủ U19 Việt Nam đang vấp phải sự phản ứng của một bộ phận khán giả. Họ cho rằng các cầu thủ đã cố tình đá ma để câu giờ và cho đó là hành động thiếu tôn trọng khán giả ở trận gặp U19 Nhật Bản tối 10/11.

Phút 74, tiền đạo Sakuragawa bên phía U19 Nhật Bản phải nhận thẻ đỏ vì lỗi đánh nguội khiến đội khách chỉ còn thi đấu với 10 người trên sân. Tưởng chừng như đây là cơ hội ngon ăn để các học trò của HLV Philippe Troussier dâng lên tấn công và tìm kiếm chiến thắng qua đó giành lấy ngôi đầu bảng từ chính tay đối thủ.

Thế nhưng, khá bất ngờ khi trong khoảng hơn 10 phút cuối trận, các cầu thủ áo trắng lại chủ động cầm bóng, chuyền qua chuyền lại cho nhau ở khu vực sân nhà và khoảng 1/3 sân đầu tiên của Nhật Bản và hoàn toàn không có ý định tấn công. Trong khi đó, U19 Nhật Bản cũng chủ động lùi về phòng ngự trong bối cảnh phải thi đấu thiếu người.

U19 Việt Nam đá ma trong 10 phút cuối trận gặp U19 Nhật Bản.

Chính điều đó đã khiến U19 Việt Nam nhận những lời chỉ trích từ một bộ phận người hâm mộ khi cho rằng đó là lối đá xấu xí và không tôn trọng khán giả. Nhưng có thực sự là như vậy hay không?

Đứng ở phía người hâm mộ, mỗi khán giả khi tới sân đều trông chờ ở một trận đấu cống hiến, đẹp mắt, nơi các cầu thủ sẽ chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo. Và với những ai đã phải bỏ tiền ra để mua vé tới sân hay dành thời gian ngồi trước màn hình tivi theo dõi trận đấu, họ có quyền đòi hỏi những điều đó.

Và xét ở phương diện này, ở trận đấu tối 10/11, U19 Việt Nam đã đáp ứng được điều đó trong...75 phút. Họ đã không duy trì được điều đó trong khoảng thời gian còn lại của trận đấu và phải nhận sự chỉ trích từ khán giả là điều hoàn toàn dễ hiểu.

U19 Việt Nam và Nhật Bản câu giờ ở 10 phút cuối trận: Toan tính hợp lý hay phi thể thao? - Ảnh 2.

Nhiều ý kiến đã chỉ trích lối đá thiếu cống hiến của U19 Việt Nam. Ảnh: chụp màn hình

U19 Việt Nam và Nhật Bản câu giờ ở 10 phút cuối trận: Toan tính hợp lý hay phi thể thao? - Ảnh 3.

Có người gọi lối đá của U19 Việt Nam trong 10 phút cuối là "ru ngủ đối phương, ru luôn cả khán giả". Ảnh: chụp màn hình

U19 Việt Nam và Nhật Bản câu giờ ở 10 phút cuối trận: Toan tính hợp lý hay phi thể thao? - Ảnh 4.

Người hâm mộ có quyền đòi hỏi các cầu thủ phải thi đấu cống hiến. Nhưng trong bối cảnh trận đấu tối 10/11, U19 Việt Nam liệu có đáng phải hứng chịu những lời chê bai?. Ảnh: Đình Viên

Nhưng xét ở góc độ thi đấu trên sân, so sánh thực lực của hai đội bóng thì hành động của U19 Việt Nam thực sự không nên bị đánh giá quá nặng nề như vậy. Những ai theo dõi trận đấu đều nhìn rõ được khoảng cách về trình độ của hai nền bóng đá. U19 Nhật Bản hoàn toàn vượt trội về thể hình, thể lực so với các cầu thủ Việt Nam. Ngay cả khi phải thi đấu thiếu người, U19 Nhật Bản vẫn luôn giành chiến thắng ở những tình huống tranh chấp tay đôi cũng như tạo ra những tình huống phản công cực kỳ nguy hiểm.

Nếu U19 Việt Nam dâng cao đội hình, tấn công tìm kiếm một chiến thắng thì việc bị U19 Nhật Bản phản công để rồi bị thủng lưới là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Khi ấy, tấm vé tham dự VCK U19 Châu Á chưa chắc đã nằm trong tay thầy trò HLV Troussier. Lúc đó, liệu người hâm mộ có chỉ trích các cầu thủ vì thất bại đó hay không?

U19 Việt Nam và Nhật Bản câu giờ ở 10 phút cuối trận: Toan tính hợp lý hay phi thể thao? - Ảnh 5.

Nếu đá cống hiến để rồi không thể giành vé tham dự VCK U19 Châu Á, U19 Việt Nam liệu có bị chỉ trích?

Trên thực tế, ngay sau khi thi đấu hơn người, U19 Việt Nam cũng có một vài tình huống dâng lên tấn công. Nhưng khi nhận thấy khó có thể xuyên thủng mành lưới U19 Nhật Bản, các cầu thủ đã chủ động cầm bóng, kéo dài thời gian nhằm giữ vững tỷ số để chờ tiếng còi kết thúc trận đấu.

Chẳng nói đâu xa, chính đội tuyển Nhật Bản cũng từng trình diễn lối đá tương tự tại World Cup 2018. Ở lượt trận cuối vòng bảng năm đó, Nhật Bản dù đang để thua 0-1 trước Ba Lan nhưng trong 10 phút cuối họ liên tục chuyền bóng bên phần sân nhà bởi họ đang nắm lợi thế so với Senegal trong cuộc đua giành tấm vé vào vòng knock out.

Kết quả là Nhật Bản thua sít sao 0-1, vẫn lách qua khe cửa hẹp nhờ số điểm fair-play tốt hơn so với Senegal. Sau trận đấu, nhiều người hâm mộ cũng đã chỉ trích màn "câu giờ" của HLV Akira Nishino (HLV đương nhiệm của Thái Lan). Nhưng kết quả vẫn là quan trọng nhất, Nhật Bản sau đó đã lọt vào tới tận Tứ kết và chỉ chịu thua Bỉ trong những phút cuối cùng. Họ vẫn trở về nước như những người hùng với thành công tại kỳ World Cup năm đó.

U19 Việt Nam và Nhật Bản câu giờ ở 10 phút cuối trận: Toan tính hợp lý hay phi thể thao? - Ảnh 6.
U19 Việt Nam và Nhật Bản câu giờ ở 10 phút cuối trận: Toan tính hợp lý hay phi thể thao? - Ảnh 7.

Bên cạnh những ý kiến chỉ trích, vẫn có nhiều người hâm mộ hiểu và động viên các cầu thủ trẻ Việt Nam. Ảnh: Chụp màn hình

Lấy ví dụ về Nhật Bản như vậy để thấy, trong bóng đá, kết quả cuối cùng vẫn là điều được ưu tiên hàng đầu. U19 Việt Nam kể cả có thi đấu hơn người vẫn yếu hơn rất nhiều so với U19 Nhật Bản. Việc phải đá ma để câu giờ chẳng qua cũng là chuyện "cực chẳng đã" bởi không ai lại muốn tự "rước họa vào thân" để phải nhận chỉ trích từ chính khán giả nhà cả.

Điều cần làm với U19 Việt Nam lúc này là phải tiếp tục cải thiện thể hiện, nâng cao kỹ chiến thuật để chuẩn bị sẵn sàng cho VCK U19 Châu Á vào năm sau. Đó sẽ lại là những thử thách lớn đòi hỏi bản lĩnh của các học trò HLV Philippe Troussier.

U19 Việt Nam ăn mừng cuồng nhiệt sau khi giành vé vào VCK U19 Châu Á 2020. Video: VFF