SBS là một kênh truyền thông, thông tin nổi tiếng với hơn 80% tài trợ đến từ chính phủ Úc với 4 kênh truyền hình và 8 mạng vô tuyến. Trong một bài báo trên trang web chính thức của SBS, các món ăn Việt Nam đã được gọi tên với danh xưng "những món quà ẩm thực tuyệt vời nhất của Việt Nam dành cho Úc" (Vietnam’s greatest culinary gifts to Australia). Nhà báo Lucy Rennick, tác giả bài báo cũng mở đầu bằng một câu: "chúng tôi biết ơn vì bánh mì, phở và bánh xèo".
Tiêu đề phụ của bài báo trên trang SBS: "Và chúng tôi biết ơn vì bánh mì, phở và bánh xèo".
Tuy ở dòng đầu, Rennick chỉ nêu tên ba món ăn, nhưng trong bài báo thực tế có đến 5 "món quà tuyệt vời" được gọi tên, đó lần lượt là phở, bún chả, bánh mì, bánh xèo và… thậm chí là cả chén nước chấm.
Theo như bài báo, thật khó để hình dung những thành phố lớn nhất nhì Úc mà không có sự xuất hiện của văn hoá và ẩm thực Việt Nam. Ẩm thực Việt Nam đã hoà mình vào bức tranh ẩm thực của Úc, đến mức nhiều người Úc "không thể sống thiếu gỏi cuốn, một bát phở nghi ngút khói và bánh mì giòn tan". Ngoài ra, Rennick còn nhắc đến đầu bếp người Úc gốc Việt Luke Nguyen và sự đóng góp của anh với ẩm thực Úc. Nhà báo cho rằng họ có được tất thảy những điều này là nhờ Việt Nam. Bài viết được xem như một bài thơ ca ngợi (ode) đến những món quà ẩm thực của Việt Nam đã đến với đời sống người Úc:
Cụ thể, khi nói về phở, Rennick quả quyết rằng "đối với phần lớn người Úc, phở không cần phải giới thiệu". Đây có lẽ là một trong những khía cạnh ẩm thực Việt Nam nổi tiếng và quan trọng nhất ở Úc. Đầu bếp Luke Nguyen đã bán được hơn 1 triệu tô phở ở nhà hàng của anh tại Sydney vào thời điểm bài báo được viết (tháng 1 năm 2019), cho thấy nhu cầu phở vô cùng cao. Người Úc thích một tô phở với nước dùng làm từ xương nhưng không mất đi sự thanh đạm, sợi phở từ gạo mềm dai, cùng với thịt gà hoặc thịt bò và một ít thảo mộc, thảo dược để đánh đuổi những cơn cảm cúm thường ghé thăm trong mùa Đông.
Nếu người Úc thích một bát phở nóng vào mùa đông, thì bún chả là món ăn dành cho những tháng có khí hậu ấm hơn một chút. Đây là một món phổ biến và được phục vụ thường trực trong các nhà hàng Việt khắp cả nước Úc. Người Úc rất thích tính chất "linh hoạt" của món ăn này, do có thể thay thế và điều chỉnh nguyên liệu theo ý thích. Nếu bạn không thích thịt, có thể thay đó bằng các miếng nem rán chay hoặc đậu hũ. Ngoài ra, nếu thích thêm nước chấm thì cũng có thể tuỳ ý bởi vì chẳng ai ngăn cản bạn ăn thế nào cho hợp khẩu vị.
Ở Sydney, bánh mì thường được xem như một bữa trưa ngon lành mà không đắt đỏ. Nó cũng là một trong những món ăn "mở đường" để bạn đến với ẩm thực Việt. Tuy nhiên đừng đánh giá thấp món bánh mì kẹp này qua vẻ ngoài, bởi giữa những miếng thịt, những phần pate thơm nức mùi ngò xanh và cái giòn giòn của hành lá là cả một lịch sử, một quá trình dài của Việt Nam.
Ngoài ra, nếu bạn còn nhớ, cái "duyên" của người Úc với món bánh mì còn được thể hiện qua lần thủ tướng Malcom Turnbull của Úc ghé một hàng bánh mì vỉa hè ở Việt Nam trong chuyến tham gia hội nghị thượng đỉnh năm 2017 đấy.
Thủ tướng Úc Malcom Turnbull mua bánh mì vỉa hè ở Việt Nam.
Được so sánh như "có phần giống crepe Pháp, có phần giòn của Taco", những miếng bánh xèo vàng ruộm như ánh nắng này đang "tích cực" leo thang trong các bảng xếp hạng món ăn Việt ở các thành phố lớn như Sydney. Đó là một món ăn mang tính cộng đồng, rất phù hợp để cùng nhau chế biến và chia sẻ trong một nhóm người. Một món quà ẩm thực cho Úc, hay một món quà cho bữa tiệc tối* tiếp theo của bạn? "Xin thưa là cả hai!" – Lucy Rennick khẳng định.
*Quà cho bữa tiệc tối: Người Úc có văn hoá là mỗi khi được mời ăn tối, họ thường sẽ chuẩn bị mang theo một món ăn đến tặng lại chủ nhà để mọi người cùng ăn.
Có lẽ do không biết rõ tên gọi riêng của các món nước chấm ở Việt Nam (dễ hiểu thôi, gia phả nước chấm Việt thì quả thật là phức tạp), nên nhà báo Rennick đã gọi món mà cô tả là "hơi mặn, chơi ngọt" một cách rất chung chung là "nước chấm". Người Úc dùng loại nước chấm này cho hầu hết các món ăn từ gỏi cuốn, đồ chiên, bánh xèo và đôi khi còn xin nhà hàng thêm.
"Ước gì chúng tôi có thể gọi những chiếc cuốn yêu quý này là món của nước mình", Rennick cảm thán. "Người Việt Nam hoàn toàn có thể "nổ" về món ăn này", cô cũng nói thêm.
Sự nổi tiếng của gỏi cuốn ở Úc không hề có giới hạn: chúng có mặt tỏng mội nhà hàng Việt, trong các hộp cơm trưa, trong mọi khu ăn uống ở trung tâm thương mại. Sự yêu thích của người Úc với những chiếc cuốn với bánh tráng dai mềm, cùng rau củ tươi, thịt luộc và tôm đỏ hương vị hài hoà sẽ không bao giờ kết thúc.