Tiểu khó, người đàn ông đi khám phát hiện ống dẫn nước tiểu chỗ hẹp nhất chỉ 1mm

Mỹ Diệu, Theo Phụ nữ mới 09:49 10/05/2024

Đây là trường hợp hẹp niệu đạo dương vật mức độ nặng, đường kính niệu đạo chỗ hẹp nhất khoảng 1mm, chiều dài đoạn hẹp khoảng 3cm.

Gần đây, Bệnh viện TWQĐ 108 (Hà Nội) đã tiếp nhận và điều trị một trường hợp người đàn ông ngoại quốc, 42 tuổi, vào viện vì tình trạng tiểu khó, tia tiểu nhỏ. Qua quá trình thăm khám, thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng chuyên sâu, người bệnh được chẩn đoán hẹp niệu đạo dương vật mức độ nặng.

Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây 4 năm, bệnh nhân bị tai nạn giao thông, gây chấn thương nhiều cơ quan, trong đó có tổn thương niệu đạo và đã phẫu thuật nhiều lần ở nước ngoài. Khoảng một năm nay, tình trạng rối loạn tiểu tiện ngày tăng gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và công việc.

Tiểu khó, người đàn ông đi khám phát hiện ống dẫn nước tiểu chỗ hẹp nhất chỉ 1mm - Ảnh 1.

Hình ảnh kíp phẫu thuật đang tiến dành đặt stent niệu đạo cho bệnh nhân

Các bác sĩ tiến hành thăm khám, làm một số xét nghiệm cận lâm sàng chuyên sâu như đo niệu dòng đồ, soi niệu đạo bàng quang để đánh giá tình trạng tổn thương. Nhận định đây là trường hợp hẹp niệu đạo dương vật mức độ nặng: đường kính niệu đạo chỗ hẹp nhất khoảng 1mm, chiều dài đoạn hẹp khoảng 3cm.

Các bác sĩ Khoa Tiết niệu dưới đã trao đổi, tư vấn cho bệnh nhân về tình trạng bệnh và các phương án lựa chọn điều trị. Phẫu thuật nội soi đặt stent niệu đạo tự nở rộng là phương pháp được lựa chọn.

Bệnh nhân được phẫu thuật đặt stent niệu đạo, lưu thông tiểu 24 giờ. Sau khi rút thông tiểu người bệnh tự tiểu tốt, tia tiểu to, rất thoải mái và được ra viện ngay ngày hôm sau.

Tiểu khó, người đàn ông đi khám phát hiện ống dẫn nước tiểu chỗ hẹp nhất chỉ 1mm - Ảnh 2.

Hình ảnh hẹp niệu đạo của bệnh nhân, hẹp niệu đạo mức độ nặng (trái) và hình ảnh niệu đạo sau khi đặt stent (phải)

TS. Đỗ Ngọc Thể, Phó Chủ nhiệm Khoa Tiết niệu dưới, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: Hẹp niệu đạo do nhiều nguyên nhân khác nhau như chấn thương (tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt,..), nhiễm trùng niệu, các bệnh lây qua tình dục, thủ thuật đường niêu… Bệnh có thể dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề như: đái khó, bí đái, nhiễm trùng niệu, nhiễm trùng toàn thận, ứ nước thận, suy thận…

Hiện nay mặc dù có nhiều phương pháp điều trị khác nhau nhưng hẹp niệu đạo vẫn là một thách thức do nguy cơ tái phát, biến chứng xì rò nước tiểu và phải can thiệp nhiều lần, gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, tâm lý, công việc, chi phí tốn kém. Do đó, người bệnh nên đi khám và điều trị sớm tại các cơ sở y tế chuyên khoa Tiết niệu để đạt hiệu quả trị tốt, tránh để tình trạng bệnh nặng gây nhiều hậu quả.

Nguồn và ảnh: Bệnh viện TWQĐ 108

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày