Những trận nóng kinh hoàng nhất lịch sử nhân loại

Hoàng Ân, Theo Trí Thức Trẻ 16:55 27/05/2015

<a href="http://kenh14.vn/the-gioi/chum-anh-mat-duong-an-do-tan-chay-duoi-nang-nong-gan-50-do-c-20150527114032656.chn" target="_blank">Trận nóng tàn khốc đang diễn ra ở Ấn Độ</a> khiến hơn 1.100 người tử vong đã được ghi tên vào danh sách những cơn bão nhiệt kinh hoàng nhất lịch sử nhân loại, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.

London 1858

Được mệnh danh là Cơn bão hôi thối, trận nóng dữ dội có nhiệt độ trung bình 35 độ C xảy ra năm 1858 ở thủ đô London, Anh Quốc, khiến cả thành phố bốc mùi do nhiệt độ làm phân hủy nhanh xác động vật  ở khắp các cống rãnh nước thải.


Tranh vẽ minh họa lại trận nắng nóng hôi thối và đại dịch tả năm 1858 tại London


Trận nóng này đã kết hợp với nguồn nước ô nhiễm gây ra đại dịch tả tại London, giết chết 31.411 người, 10 năm sau chính phủ Anh mới đại tu xong hệ thống thoát nước của thủ đô London.

New York 1896

Cuối thế kỷ 19, thành phố hoa lệ New York ngày nay chỉ có 3 triệu cư dân, đa số là người nhập cư và lao động nghèo sống trong những chung cư chật hẹp bẩn thỉu. Trận nóng 37 độ C kéo dài 10 ngày xảy ra tháng 8 năm 1896 đã giết chết ít nhất 1.500 người, chủ yếu do đột quỵ và... ngã từ trên cao xuống khi nằm ngủ trên nóc nhà hoặc cầu cảng. Trận nóng này cũng khiến 1.000 con ngựa chết do không chịu đựng nổi nhiệt độ cao.


Tranh vẽ minh họa cảnh người dân New York phải ra ngoài đường nằm ngủ để tránh nóng.

Khi trận nóng xảy ra, một sĩ quan cảnh sát đã tìm mọi cách huy động giới chức mở kho phát nước sạch, thuốc sát trùng, nước đá để hạ nhiệt cho người dân, ông cũng yêu cầu các quán rượu tạm đóng cửa vì tình trạng người say rượu ngã từ mái nhà xuống chết ngày càng nhiều. Viên sĩ quan đó là Theodore Roosevelt, sau này chính là Tổng thống thứ 26 của nước Mỹ.

Bắc Mỹ 1936


Bãi biển Miami kín người đến để tránh nóng.


Trận nóng tàn bạo nhất lịch sử châu lục này thuộc về cơn bão nhiệt xảy ra tại Canada và Mỹ năm 1936, với nhiệt độ cao nhất là 48 độ C, trung bình 41 độ C. Đất nước lạnh giá Canada chưa từng nghĩ đến việc bị nóng tấn công nên gần như họ không có sự đề phòng và chuẩn bị gì.


Trẻ em nhảy thẳng xuống hồ nước ở giữa phố.

Nạn nhân của trận nóng này lên tới 6.100 người, gồm 5.000 công dân Mỹ và 1.100 người Canada. Trong đó có rất nhiều trường hợp bị chết đuối khi nhảy xuống sông tắm cho mát.


Ban đêm không ai ngủ được trong nhà trong nhà vì nóng

Châu Âu 2003

Vào tháng 7 và 8 năm 2003, Châu Âu hứng chịu trận nóng 41 độ C, cao nhất trong vòng 500 năm trở lại đây tại khu vực này. Trận bão nhiệt kéo dài suốt 14 ngày liên tục, giết chết ít nhất 40 nghìn người, trong đó đa số là trẻ em và người cao tuổi ở các khu ổ chuột. Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý, riêng tại Pháp, 14 nghìn người đã thiệt mạng trong trận nóng dữ dội này, chủ yếu là người cao tuổi.


Rất nhiều người già nhập viện vì đột quỵ do thời tiết nóng.



Nước đá được cung cấp cho người dân để hạ nhiệt.



Các bệnh viện tại Paris luôn trong tình trạng chật kín.


Quạt công nghiệp được đưa ra giữa đường để phục vụ người dân




Một bác xà ích tắm cho ngựa giữa phố đề phòng chúng bị đột quỵ.

Nga 2010

Trận nóng năm 2010 tại Nga đã đẩy mức nhiệt độ lên tới 44 độ C ở một số thành phố như Yashkul,  Belogorsk. Nhiệt độ trung bình tại các nơi khác là từ 39 tới 41 độ C, nhiệt độ cao nhất được ghi nhận là 53,5 độ C, khiến hỏa hoạn xảy ra ở nhiều nơi, thiêu rụi nhà cửa và rừng cây.

Những đám cháy khiến cả thủ đô Moscow chìm trong khói.

Trận nóng tàn bạo này đã giết chết 14 nghìn người, trong đó có tới 2.000 người chết do nhảy xuống sông khi đang say xỉn.




Người dân phải tự chữa cháy vì không đủ lính cứu hỏa.


Người dân chỉ biết ra các hồ nước công cộng để hạ nhiệt.

Cơn bão nhiệt này còn ảnh hưởng mạnh tới các quốc gia láng giềng của Nga như Kazakhstan, Mông Cổ và một số nước khác tại khu vực Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản. 

Ấn Độ 2015

Đợt nắng nóng khô hạn có những lúc lên tới gần 50 độ C tại Ấn Độ đã giết chết 1.100 người và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, đa số nạn nhân đều là người nghèo, vô gia cư và các công nhân xây dựng.

Tại Delhi, nhiệt độ cao nhất được ghi nhận trong những ngày qua đã đạt 43,5 độ C, trong khi đó ở Palam, nhiệt độ đã lên tới 46 độ C và ở Uttar Pradesh, nhiệt độ lên mức 47,7 độ C khiến một số con đường bị tan chảy vì sức nóng khủng khiếp.


Những người lao động ở New Delhi, Ấn Độ tranh thủ chợp mắt dưới trời nắng nóng khắc nghiệt.


Một người đàn ông tắm dưới dòng nước mát bên cạnh đường tàu ở Allahabad.


 Người đàn ông lau vội những giọt mồ hôi trong lúc nghỉ trưa ở New Delhi.


Các cô gái thích thú khi được tắm dưới dòng nước mát ở công viên nước Delhi Rides, Kalindi Kunj, New Delhi. 

(Tổng hợp)