"Thầy Mãi Là Thanh Xuân": "Chiều fan" bằng cảnh nóng, nhưng quá chơi vơi về cảm xúc

Cậu Bé Quả Đào, Theo Trí Thức Trẻ 07:44 17/09/2018

Narratage (Tựa Việt: Thầy Mãi Là Thanh Xuân) đẹp về mặt thị giác, nhưng câu chuyện và cảm xúc mà nó mang đến lại rất chơi vơi.

Narratage (Thầy Mãi Là Thanh Xuân) là một bộ phim tình cảm của Nhật Bản, được sản xuất năm 2017 với sự tham gia của đạo diễn Isao Yukisada, biên kịch Anne Horiizumi và nhiều tên tuổi khác. Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết ăn khách của Rio Shimamoto, bộ phim xoay quanh nhân vật Izumi Kudo (Kasumi Arimura) và hai người đàn ông - một là thầy giáo hồi cấp ba của cô, Takashi Hayama (Jun Matsumoto), một là cậu bạn đồng trang lứa Reiji Ono (Kentaro Sakaguchi).

Thầy Mãi Là Thanh Xuân: Chiều fan bằng cảnh nóng, nhưng quá chơi vơi về cảm xúc - Ảnh 1.

Đúng như ý nghĩa tựa gốc "Narratage" (Lời tự thuật), bộ phim là lời tự thuật trong mơ của Kudo - một nữ nhân viên văn phòng - trong một buổi tối phải ngủ lại công ty vì làm việc muộn. Qua lời dẫn truyện của Kudo, chúng ta được chứng kiến những mảnh ký ức cắt dán đan xen giữa hai tuyến thời gian khi Kudo còn là một cô học sinh cô đơn được thầy Hayama giúp đỡ; và khi cô đã là sinh viên, quay về trường để "trả ơn" thầy bằng việc hỗ trợ cho một tiết mục nhạc kịch. Bộ phim miêu tả sự vật lộn của Kudo để cố gắng thoát khỏi tình yêu giữa cô với thầy, đồng thời nỗ lực đền đáp tình yêu của Ono dành cho mình bằng một thứ tình cảm tương tự.

Thầy Mãi Là Thanh Xuân: Chiều fan bằng cảnh nóng, nhưng quá chơi vơi về cảm xúc - Ảnh 2.

Không giống như hình ảnh sáng sủa trên poster và những lời giới thiệu rằng đây là "em gái mưa của Nhật Bản", Narratage có không khí ảm đạm và nhiều sắc tối. Tuy nhiên, nhờ kỹ thuật quay phim tạo ra những đường nét mềm mại và mơ màng cho nhân vật mà phim không bị rơi vào trạng thái nặng nề hay u uất, vẫn đủ lãng mạn để xếp vào loại phim tình cảm nhẹ nhàng. Ánh sáng được đặc biệt trau chuốt tạo ra những khung hình đẹp và đậm tính nghệ thuật. Bộ phim cũng không giấu giếm tham vọng nghệ thuật của mình khi cho một số trích đoạn trong hai bộ phim kinh điển Floating Clouds (1955, đạo diễn: Mikio Naruse) và El Sur (1983, đạo diễn: Victor Erice) được xuất hiện trên màn chiếu và màn hình ti vi trong phim.

Thầy Mãi Là Thanh Xuân: Chiều fan bằng cảnh nóng, nhưng quá chơi vơi về cảm xúc - Ảnh 3.

Tuy nhiên, phần hình ảnh đẹp đẽ này của Narratage lại dễ khiến người ta đặt ra kỳ vọng để rồi thất vọng. Câu chuyện của Narratage không đủ tương xứng với chất lượng hình ảnh của nó. Nó khá "non" và "nông", có lẽ ở dưới bề mặt một mối tình thầy trò không phù hợp với chuẩn mực xã hội thì không có gì sâu sắc được mở rộng thêm.

Cũng phải thông cảm vì tiểu thuyết gốc được viết bởi một người khi đó mới chỉ khoảng 20 tuổi. Song đó không phải lý do để biện minh cho bộ phim. Thật đáng tiếc, vì nếu Narratage được chuyển thể bởi một biên kịch chắc tay hơn, đủ khả năng để bồi thêm vài lớp ý nghĩa dưới bề mặt câu chuyện, thì hẳn đây đã là một bộ phim được công nhận. Với kịch bản có phần non yếu này, phim có lẽ cũng chỉ xếp vào loại phim thần tượng mang tính giải trí là chính.

Thầy Mãi Là Thanh Xuân: Chiều fan bằng cảnh nóng, nhưng quá chơi vơi về cảm xúc - Ảnh 4.

Qua vai chính được thể hiện bởi "cục nam châm hút fangirl" Jun Matsumoto của nhóm nhạc quốc dân Arashi, cộng với những cảnh nóng rất "mượt" giữa Kudo và hai anh chàng đẹp trai, người viết ngờ rằng bộ phim chỉ muốn làm thỏa mãn "fantasy" (giấc mộng hoang dại) của các cô gái. Phim cũng phung phí cảnh hôn giữa hai thầy trò như một dạng "fan service" (chiều lòng người hâm mộ) và đôi chỗ - trong phần hình ảnh không chê vào đâu được của đạo diễn Isao Yukisada - lại lọt vào một chi tiết "sến sẩm" kiểu phim thần tượng như hình ảnh cánh hoa anh đào hình... trái tim rơi xuống từ mái tóc bềnh bồng của thầy Hayama.

Thầy Mãi Là Thanh Xuân: Chiều fan bằng cảnh nóng, nhưng quá chơi vơi về cảm xúc - Ảnh 5.

Gác chuyện ý nghĩa sang một bên, kỹ thuật kể chuyện lạm dụng hồi tưởng của phim (hồi tưởng lồng vào trong hồi tưởng rồi lại lồng tiếp vào trong hồi tưởng) cũng khiến người xem đôi lúc bị chơi vơi trong câu chuyện. Tuy nhiên, vì câu chuyện đơn giản và có sự dẫn dắt của giọng dẫn truyện nên vấn đề này cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Sự lựa chọn này cũng phù hợp với tiêu đề "Lời tự thuật". Người xem được liên tục nhắc nhở rằng ta đang ở trong đầu Kudo gần như suốt cả bộ phim, nên các ký ức mới bị đảo lộn và nhảy tới nhảy lui về thời gian.

Thầy Mãi Là Thanh Xuân: Chiều fan bằng cảnh nóng, nhưng quá chơi vơi về cảm xúc - Ảnh 6.

Về diễn xuất, người viết không đánh giá cao cặp đôi diễn viên chính, tuy nhiên hai người này cũng đã khá tròn vai. Người diễn tốt nhất phim có lẽ là Kentaro Sakaguchi trong vai nam phụ Ono. Diễn xuất của Sakaguchi bộc lộ một tình yêu sâu đậm đến đáng sợ, tuy mang hơi hướng nhân vật phản diện nhưng lại đem đến cảm giác cảm thông tới khán giả. Trong khi đó, tình yêu đẹp theo lý tưởng của bộ phim là tình yêu giữa Kudo và thầy Hayama lại bối rối đến khó chịu. Không biết có phải vì chênh lệch tuổi tác, hay chênh lệch danh tiếng, hay vì một nguyên do nào khác mà trái với mong muốn của kịch bản, sự kết nối giữa nữ chính và nam phụ lại mạnh mẽ và tự nhiên hơn hẳn giữa nữ chính và nam chính?

Thầy Mãi Là Thanh Xuân: Chiều fan bằng cảnh nóng, nhưng quá chơi vơi về cảm xúc - Ảnh 7.

Cuối cùng thì bài học rút ra là sự cố chấp trong tình yêu sẽ biến tất cả mọi người thành xấu xa và ích kỷ, sẵn sàng lợi dụng tình cảm người khác để thỏa mãn tình cảm bản thân. Và tình yêu không phải cứ cố gắng là sẽ đạt được, hay thậm chí đạt được rồi cũng chưa chắc mang lại hạnh phúc. Hợp nhau đến như vậy, và đúng là yêu rồi, thế nhưng tình yêu không đơn giản là cảm xúc. Nó còn là trách nhiệm và sự lựa chọn.

Nói tóm lại, Narratage là một bộ phim khó có thể đánh giá rõ ràng hay - dở. Đối với người viết, có lẽ đây là một bộ phim... chơi vơi.

Trailer "Thầy Mãi Là Thanh Xuân"

Thầy Mãi Là Thanh Xuân hiện đang được công chiếu trên toàn quốc.