"Thánh sale" của mọi thời đại: Người đàn ông này đã bán Mặt trăng và thu được... 12 tỉ USD

Oct, Theo Trí Thức Trẻ 15:04 08/05/2017

Nghiên cứu và du hành không gian là quyền tự do của tất cả các mọi người trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, hóa ra Mặt trăng và toàn thể vũ trụ đều đã có chủ. Thậm chí đã từng có người bán cả Mặt trăng để lấy về một khoản tiền kếch xù.

Vũ trụ là nơi hoàn toàn tự do dành cho tất cả mọi người. Nhưng hóa ra cái nơi tưởng như tự do ấy cũng đã từng bị con người nhòm ngó đến. Đó là những người được xem là... địa chủ của vũ trụ.

Địa chủ của Mặt trăng và các hành tinh trong vũ trụ

Ngày 20/7/1969 là một cột mốc quan trọng của nhân loại, khi NASA phóng thành công tàu vũ trụ có người lái lên Mặt trăng. Đó cũng là lần đầu tiên con người đặt chân lên quê hương của... chị Hằng, và những người vinh dự được làm điều đó là Neil Armstrong và Buzz Aldrin, cùng Michael Collins ngồi trong tàu gần đó.

Thánh sale của mọi thời đại: Người đàn ông này đã bán Mặt trăng và thu được... 12 tỉ USD - Ảnh 1.

3 phi hành gia của con tàu Apollo 11

Nhưng nếu như thời khắc lịch sử đó đến sớm hơn 2 năm, NASA hoàn toàn có thể bị kiện vì... xâm phạm đất tư nhân. Bởi vì Mặt trăng lúc này đang thuộc quyền sở hữu của một người - A. Dean Lindsay.

Năm 1937, Lindsay xuất hiện tại Văn phòng công chứng Pittsburg (Mỹ) với các tài liệu tuyên bố quyền sở hữu về "tất cả các bất động sản được gọi là hành tinh, đảo-không-gian hoặc các tài sản tương tự, đều sẽ được biết đến là Quần đảo của A.D. Lindsay."

*Nguyên văn: "the property known as planets, islands-of-space or other matter, henceforth to be known as ‘A.D. Lindsay’s archapellago [sic].’"

Trong bản tuyên bố chủ quyền, Lindsay không nhắc đến Trái đất vì luận điểm hành tinh này là mái nhà chung cho tất cả mọi người. Ngoài ra, lúc đầu ông "nhường" sao Thổ và Mặt trăng cho người khác, nhưng sau đó cũng nộp hồ sơ nhận cả hai luôn.

Thánh sale của mọi thời đại: Người đàn ông này đã bán Mặt trăng và thu được... 12 tỉ USD - Ảnh 2.

A.D. Lindsay là chủ sở hữu hợp pháp của Mặt trăng

Các văn bản được Lindsay gửi đến cho các nhân viên tại tòa Thượng Thẩm tại Ocilla, Georgia - cũng là quê hương của ông, cùng khoản chi phí để sở hữu hợp pháp 1 mảnh đất. 

Và chẳng hiểu các nhân viên tòa án đã nghĩ gì, nhưng các văn bản đều đã được chấp thuận và lưu hồ sơ vào ngày 28/6/1937. 

Nói cách khác thì vào thời điểm đó, Lindsay đã trở thành địa chủ hợp pháp lớn nhất toàn vũ trụ. Ông coi đó là một thành tựu để đời, thậm chí đã từng viết thư cho bạn và khoe:"Tin được không, cả Mặt trăng, Mặt trời, sao chổi, các vì sao, thiên thạch... - tất cả đều là của tôi?"

Đến vũ trụ cũng có chủ

Lindsay đã tuyên bố quyền sở hữu về toàn bộ các hành tinh và thiên thể, cùng quyền lợi liên quan như thuế, doanh thu... Tuy nhiên, trong văn bản, ông không đề cập đến các khoảng không gian ở giữa các hành tinh. Vậy là đến năm 1948, James T. Mangan - một tác giả khá nổi tại Mỹ cũng nhảy vào lấy phần. 

Mangan tuyên bố toàn bộ khoảng không gian (ngoại trừ hành tinh và thiên thể) là "Quốc gia thiên đường không gian" (Nation of Celestial Space, hoặc gọi tắt là Celestia), với chủ sở hữu là chính ông. Ông nộp "Hiến chương Celestia" đến nhà chức trách Hạt Cook, Illinois (Mỹ), và chẳng rõ vì sao cũng được chấp thuận. 

Thánh sale của mọi thời đại: Người đàn ông này đã bán Mặt trăng và thu được... 12 tỉ USD - Ảnh 3.

Đây chính là Celestia - quốc gia lớn nhất vũ trụ (vì nó chính là vũ trụ)

Thậm chí, ông còn đệ đơn xin cho Celestia gia nhập Liên hợp quốc, nhưng rất tiếc lần này không thành công.

Xuất hiện ông chủ bá đạo của... Hệ Mặt trời, người bán Mặt trăng lấy 12 tỉ USD 

Quyền sở hữu của Mangan và Lindsay đã vấp phải phản đối, sau khi bản Hiệp ước không gian (Outer Space Treaty) có hiệu lực vào năm 1967. Trong đó có nêu, mọi quốc gia có quyền tự do khám phá vụ trụ, không có bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào có thể được thực hiện.

Tuy nhiên, bản hiệp ước không đủ để ngăn Dennis Hope tuyên bố sở hữu Mặt trăng vào năm 1980. Ông gửi bản "Yêu cầu chủ quyền" đến chính phủ Mỹ, Liên Xô, và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong đó tuyên bố Mặt trăng và 8 hành tinh của Hệ Mặt trời, cùng các vệ tinh xung quanh đã có chủ.

Thánh sale của mọi thời đại: Người đàn ông này đã bán Mặt trăng và thu được... 12 tỉ USD - Ảnh 4.

Người đàn ông sở hữu Mặt trăng cùng toàn bộ Hệ Mặt trời

Hope gọi đó là Quốc gia thiên hà (Galatic Nation), thậm chí còn soạn ra luật pháp và chính phủ. Nhưng khác với Lindsay, Hope còn biến vũ trụ thành một nơi kinh doanh, bằng cách bán đi các mảnh đất trong thiên hà. Tính đến năm 2013, Hope tuyên bố đã bán tổng cộng 2,47 triệu km2 đất Mặt trăng, 1,31 triệu km2 đất sao Hỏa, cùng 500.000 km2 đất của sao Kim, sao Thủy và Io (mặt trăng của sao Thổ). Riêng tiền bán Mặt trăng, ông thu về 12 tỉ USD.

Quan điểm của Hope là hiệp định năm 1967 chỉ ngăn các quốc gia tuyên bổ chủ quyền trên vũ trụ, chứ không có giá trị đối với tư nhân, nên hành động của ông là hợp pháp. Nhưng theo Tanja Masson-Zwaan - Chủ tịch Viện luật không gian Quốc tế, thì lệnh cấm áp dụng cho cả quốc gia lẫn cá nhân.

Thánh sale của mọi thời đại: Người đàn ông này đã bán Mặt trăng và thu được... 12 tỉ USD - Ảnh 5.

Mớ... giấy lộn của Hope

"Việc mua bán của Hope chẳng giúp cho khách hàng thực sự có quyền sở hữu Mặt trăng" - cô cho biết. Hay nói cách khác, mớ giấy chứng nhận mua bán của Hope chẳng có giá trị gì hết.

Nhìn chung, những "đại gia" thâu tóm vũ trụ đều khá khôn khéo, vì không hề động đến... Trái đất. Có lẽ cũng vì vậy mà giới quan chức hồi đó đồng ý cho họ nhận chủ quyền chăng?

Nguồn: Mental Floss