Thành quả đột phá này sẽ giúp loài tê giác trắng Bắc Phi thoát cảnh tuyệt chủng

T.O.P, Theo Helino 18:18 05/07/2018

Loài tê giác trắng Bắc Phi gần như đã rơi vào cảnh tuyệt chủng, khi hai cá thể duy nhất còn sót lại trên Trái đất là con cái. Thế nhưng, khoa học chưa bao giờ bỏ cuộc cả.

Sau cái chết của Sudan - cá thể tê giác trắng Bắc Phi đực cuối cùng - thì những gì còn sót lại của giống loài này là Najin và Fatu. Cả hai đều là tê giác cái, là con và cháu của Sudan. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cả giống loài tê giác trắng Bắc Phi chuẩn bị rơi vào vòng tuyệt chủng.

Thành quả đột phá này sẽ giúp loài tê giác trắng Bắc Phi thoát cảnh tuyệt chủng - Ảnh 1.

Sudan trong những ngày cuối đời

Nhưng khoa học chưa bỏ cuộc. Họ muốn bộ gene của loài tê giác này được trường tồn, và đang làm mọi cách để hiện thực hóa điều đó. Cuối cùng thì theo như một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí Nature Communications, chúng ta sắp sửa làm được rồi. 

Dựa vào công nghệ thụ tinh ống nghiệm, khoa học lần đầu tiên tạo ra được một phôi thai tê giác hoàn chỉnh. Các chuyên gia đã sử dụng gene đông lạnh của Sudan, kết hợp với trứng chưa được thụ tinh của loài tê giác trắng Nam Phi (một họ hàng của tê giác Bắc Phi, nhưng chưa rơi vào tình trạng nguy cấp).

Và họ đã thành công! Trong môi trường phòng thí nghiệm, tinh trùng của (tê giác) phương Bắc kết hợp với trứng phương Nam, tạo ra hợp tử - chính xác hơn là 2 hợp tử. Các phôi thai này sẽ được đông lạnh, chờ cấy ghép trong tương lai. 

Thành quả đột phá này sẽ giúp loài tê giác trắng Bắc Phi thoát cảnh tuyệt chủng - Ảnh 2.

Theo Stuart Pimm từ ĐH Duke - chuyên gia không tham gia dự án lần này, thì đây là một nghiên cứu đầy tham vọng. Với tốc độ phát triển của công nghệ hiện nay thì chỉ vài năm nữa, phôi thai ấy sẽ được cấy thành công vào tử cung của tê giác phương Nam. Và điều này sẽ đảm bảo bộ gene của tê giác phương Bắc tiếp tục tồn tại, ngay cả khi 2 cá thể cuối cùng qua đời. 

"Một dự án đầy tham vọng, nỗ lực rất dũng cảm để cứu lấy bộ gene của một loài động vật" - Pimm chia sẻ.

Tê giác trắng Bắc Phi - một thảm họa của con người

Nhà sinh học Thomas B. Hildebrandt, chuyên gia đứng đầu dự án lần này đã có một phát biểu rất hay: Loài tê giác này không tuyệt chủng vì kém thích nghi. Chúng tuyệt chủng là vì nơi trú ẩn không chống được đạn.

Chúng biến mất vì đôi sừng có giá trị đến từng gram một, đắt hơn cả vàng. Chúng giống như những túi vàng lượn lờ quanh đồng cỏ, và những kẻ săn trộm chỉ chờ có vậy để nổ súng thôi.

Tại sao đây lại là một đột phá khoa học?

Được biết, giới khoa học bắt đầu đông lạnh tinh trùng tê giác trắng Bắc Phi từ năm 2008. Số tinh trùng ấy chỉ vừa đủ để đựng đầy một lon nước ngọt. 

Trước đó nữa, từ thập niên 80, người ta đã thu thập cả da của tê giác để lưu trữ tế bào rồi.

Nhưng lấy tinh trùng hay lấy da thì cũng chỉ là chuyện nhỏ. Vấn đề ở đây là việc tách trứng ra khỏi một sinh vật hoang dã nặng 2 tấn thì không hề dễ dàng.

Để làm được điều này, các chuyên gia đã phải dùng một cây kim dài tới 1,5m, chọc xuyên qua... hậu môn của tê giác (dĩ nhiên đã được gây mê). Quá trình lấy trứng được hỗ trợ nhờ công nghệ siêu âm.

Thành quả đột phá này sẽ giúp loài tê giác trắng Bắc Phi thoát cảnh tuyệt chủng - Ảnh 4.

Lấy trứng trong cơ thể của một sinh vật hoang dã nặng 2 tấn không phải là điều đơn giản

"Một sự thách thức rất lớn về công nghệ" - David E. Wildt, một chuyên gia từ Viện bảo tồn sinh học Smithsonia chia sẻ.

Rốt cục thì họ cũng thành công. "Phôi thai tạo ra thực sự rất đẹp" - trích lời Wildt. "Đây là bước đầu tiên của một hành trình dài để cứu sống loài vật này."

Trước kia, công nghệ thụ tinh nhân tạo từng được áp dụng trên ngựa, cừu, và một số loài gia súc khác. Nhưng tê giác thì chưa bao giờ. 

Chưa đủ?

Cho đến thời điểm hiện tại, công nghệ này vẫn là cách duy nhất để cứu lấy bộ gene của tê giác trắng. Đồng thời, nó cũng giúp cho những người họ hàng phương Nam có các tính trạng tốt hơn để đối phó với biến đổi bất ngờ của môi trường.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tỏ ra lo ngại về khả năng thực sự hồi sinh được tê giác phương Bắc.

Thành quả đột phá này sẽ giúp loài tê giác trắng Bắc Phi thoát cảnh tuyệt chủng - Ảnh 5.

"Trứng của một loài tê giác khác là không đủ để mang loài vật này trở lại." - trích lời Oliver Ryder, chuyên gia bảo tồn gene tại vườn thú San Diego. 

Muốn hồi sinh hoàn toàn tê giác phương Bắc, chúng ta cần cả tinh trùng lẫn trứng. Nhưng để lấy trứng của Najin và Fatu thì gặp nhiều thách thức hơn. Lý do là vì rủi ro có thể mang lại cho bản thân chúng.

"Tê giác sẽ bị gây mê trong 2h đồng hồ, và đó là một rủi ro lớn, vì chúng đã lớn tuổi rồi."

Vậy nên, chúng ta cần một công nghệ khác ít rủi ro hơn, ví dụ như của Katsuhiko Hayashi - chuyên gia từ ĐH Kyushu. Ông đã từng tái tạo trứng từ tế bào gốc thành công trên chuột, và nếu áp dụng được trên tê giác thì thật tuyệt vời. 

Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của nhân loại. Không công nghệ nào có thể cứu được Trái đất, nếu như vẫn còn tình trạng "người làm, kẻ phá".

"Việc quan trọng nhất bây giờ là ngăn những kẻ săn trộm lại." - Pimm cho biết.

Tham khảo: Science Alert