Đây là những sinh vật đầu tiên trong lịch sử và chúng đã gây thảm họa cho Trái đất y như con người

T.O.P, Theo Helino 13:12 05/07/2018

Chỉ có điều chúng không biết mình đang làm gì, còn chúng ta thì có.

Không thể phủ nhận rằng môi trường thiên nhiên của Trái đất ngày nay đã bị con người tàn phá hết sức nặng nề. Biến đổi khí hậu, Trái đất nóng lên, cây rừng mất dần... gần như tất cả mọi điều tiêu cực đều đến từ các hoạt động của con người.

Nhưng nếu chỉ đổ hết mọi tội lỗi cho con người thì cũng có phần không đúng, bởi vì việc "gây sự" với đất mẹ dường như đã thành truyền thống của các loài vật trong suốt bề dày lịch sử của Trái đất rồi.

Theo như một nghiên cứu mới đây, những loài động vật đầu tiên trên Trái đất đã đẩy lượng CO2 khổng lồ vào khí quyển, lớn đến mức tạo ra hiệu ứng nhà kính hết sức kinh khủng và khiến cho Trái đất tốn đến 100 triệu năm để phục hồi.

Đây là những sinh vật đầu tiên trong lịch sử và chúng đã gây thảm họa cho Trái đất y như con người - Ảnh 1.

Hóa thạch các loài sinh vật đầu tiên

"Giống như giun trong vườn nhà bây giờ vậy, các loài vật tí hon khi ấy đào xới đáy biển, nhào trộn xác sinh vật và các vật liệu hữu cơ. Quá trình này được gọi là tua-bin sinh học (bioturbation)." - trích lời giáo sư Tim Lenton từ ĐH Exeter, chủ nhiệm nghiên cứu. 

Được biết, các loài vật đầu tiên trên Trái đất đã xuất hiện từ 520 - 540 triệu năm trước, và chúng đã có thể làm được điều đó. 

Nhóm nghiên cứu của Lenton đã truy tìm dấu hiệu của quá trình bioturbation trong các mẫu hóa thạch. Họ đã rất ngạc nhiên khi biết rằng các lớp trầm tích thời kỳ ấy là cực kỳ ít, và chỉ có lớp đất dày 1-3cm là được đào xới thôi.

Các bằng chứng cũng cho thấy vào 520 triệu năm trước, lượng oxy có trong các đại dương bỗng giảm mạnh. Theo giáo sư Simon Pulton từ ĐH Leeds (Anh), nguyên nhân là vì các loài sinh vật khi đó đã thực hiện tua-bin sinh học quá nhiều. 

Đây là những sinh vật đầu tiên trong lịch sử và chúng đã gây thảm họa cho Trái đất y như con người - Ảnh 2.

Hệ quả là chúng hấp thụ gần như tất cả oxy trong nước biển, đổi lại là một lượng khổng lồ CO2 thải vào khí quyển. Nó nhiều đến mức phải mất đến 100 triệu năm, oxy mới được bổ sung vào nước biển nhờ các loài thực vật trên cạn.

CO2 tăng đột ngột cũng khiến cho hiệu ứng nhà kính xảy ra, nước biển dâng lên. Theo các nhà cổ khí hậu học, lượng nước biển trong giai đoạn này đã tăng rất mạnh. 

Dù vậy, cũng phải nói lời cảm ơn với các loài vật đầu tiên trên Trái đất. Nhờ chúng mà các thế hệ sau đó đã phải thích nghi với một nhiệt độ ấm hơn, nước biển dâng lên cũng chẳng còn vấn đề. Tuy nhiên, việc thiếu hụt oxy trên đại dương lại có thể gây ra tuyệt chủng hàng loạt, và điều này cần đợi xác minh thêm. 

"Điều thú vị là các loài vật đầu tiên trên Trái đất cũng đối xử với đất mẹ y như con người chúng ta bây giờ" - Lenton cho biết. Nhưng vấn đề là chúng không biết mình đang làm gì, còn chúng ta thì có.

Tham khảo: IFL Science