Những bức ảnh lặng câm trong thành phố Ngày Tận thế

Oksein, Theo Mask Online 00:01 06/05/2012
Chia sẻ

Tất cả bị bao trùm bởi không khí lặng câm đáng sợ, cảnh vật hoàn toàn bất động và không gian vắng tanh không một bóng người...

Dường như càng gần đến Ngày Tận thế, các nghệ sĩ trên thế giới lại càng tốn nhiều công sức để “thêu dệt” cho Trái đất những kết cục bi thảm khác nhau. Cũng với chủ đề này, song hai nghệ sĩ người Pháp - Lucy và Simon lại tưởng tượng theo một góc nhìn khá lạ: Trái đất của Ngày Tận thế không có gì đổi khác, không thiên tai, không thảm họa mà chỉ thiếu đi bóng dáng của con người.

Quảng trường Thiên An Môn (Bắc Kinh - Trung Quốc) vắng vẻ lạ thường.

Sân của bảo tàng Louvre (Paris - Pháp) hoàn toàn trống trải.

Đài phun nước Bethesda trong công viên Central Park (New York - Mỹ).

Quảng trường Concorde, xa xa là hình ảnh tháp Eiffel (Paris - Pháp).

Bộ ảnh mang tên “Silent World” do hai nhiếp ảnh gia thực hiện ở những thành phố được coi là sầm uất, nhộn nhịp nhất thế giới: từ New York, đến Paris, tới Bắc Kinh. Không chỉ là đô thị hiện đại với các cao ốc, đại lộ, quảng trường... đây còn là những thành phố có dân cư đông đúc, mỗi giờ mỗi phút đều tấp nập dòng người và xe cộ qua lại.

Tuy nhiên, bộ ảnh lại cho thấy một “bản sao không hoàn hảo” của những thành phố ấy. Tuy mọi thứ vẫn vẹn nguyên, nhà cửa ngăn nắp, đường phố sạch sẽ, cây cối xanh tươi, song cuộc sống sôi động, tươi đẹp ngày thường đã biến mất không dấu vết. Tất cả bị bao trùm bởi không khí lặng câm đáng sợ, cảnh vật hoàn toàn bất động và không gian vắng tanh không một bóng người. Cái tĩnh lặng, yên ắng không hề mang đến sự bình yên mà ngược lại nó gợi cảm giác cô đơn, lạnh lẽo đầy chết chóc.

Tháp canh của giáo phái Nhân chứng Jehovah (New York - Mỹ).

Nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp).

Cầu Queensboro (New York - Mỹ) trong nắng chiều nhợt nhạt.

Nhà ga trung tâm thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc).

Thỉnh thoảng trong khung hình cũng xuất hiện bóng dáng của con người, song đó chỉ là những chiếc bóng nhỏ nhoi, thưa thớt, đối lập hoàn toàn với không gian rộng lớn. Họ ẩn mình ở phía xa, bất động trong cô đơn và lặng lẽ như thể họ là những người cuối cùng còn sót lại trên thế giới này.

Một góc của Phố Wall (New York - Mỹ).

Cô gái ở Nhà thờ La Madeleine - một trong những công trình nghệ thuật nổi tiếng nhất ở Paris (Pháp).

Vòng xoay Colombus (New York - Mỹ) thường ngày vốn là giao lộ đông đúc với các trung tâm mua sắm, các cửa hàng thời trang sang trọng xen lẫn khu chợ trời.

Bóng người lẻ loi chỉ làm không gian thêm tĩnh mịch.

Vậy con người đã đi đâu bỏ lại những thành phố chết trong vắng vẻ, hoang tàn? Tác giả cho biết, kịch bản về Ngày Tận thế mà họ đưa ra không phải dành cho Trái đất, mà đó chỉ là Ngày Tận thế của con người. Vài trăm năm trở lại đây, song song với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, loài người đã gây nên không ít những thiệt hại không thể phục hồi đối với hành tinh xanh, điển hình trong đó là sự hủy hoại tự nhiên và suy thoái môi trường đáng báo động. Ra đi, bỏ lại tất cả những thành tựu đã dày công gây dựng cũng chính là cái giá mà loài người phải trả cho sự tàn phá ngôi nhà chung ấy.

Quảng trường Place de l’Opéra (Paris - Pháp).

Một hành lang ở trạm xe điện ngầm Chaoyangmen (Bắc Kinh - Trung Quốc).

Đường vành đai Xizhimen (Bắc Kinh - Trung Quốc).

Bãi biển của vịnh Saint Brieuc ở phía Tây nước Pháp.

Thoạt nhìn, nhiều người sẽ nghĩ những bức hình này là sản phẩm của Photoshop, tuy nhiên, thực tế tác giả lại không hề sử dụng bất kỳ công cụ chỉnh sửa hình ảnh nào. Để “hô biến” những dòng xe cộ và người qua lại khỏi bức ảnh, tác giả đã sử dụng hai thủ thuật nhiếp ảnh cực thú vị.

Đầu tiên là kỹ thuật chụp ảnh phơi sáng dài. Phơi sáng là quá trình để lượng ánh sáng đi qua bộ cảm biến của máy ảnh (hoặc phim) nhờ thay điều chỉnh tốc độ màn trập (*) và đường kính khẩu độ (**) của máy ảnh. Độ sáng tối của bức ảnh phụ thuộc nhiều vào thời gian phơi sáng dài hay ngắn - ảnh sẽ nhiều ánh sáng nếu phơi sáng dài và ngược lại.

Những bức ảnh này được chụp với thời gian phơi sáng dài, có nghĩa là nhiếp ảnh gia phải điều chỉnh tốc độ màn trập chậm, mở rộng khẩu độ để ánh sáng vào nhiều. Ảnh quá sáng sẽ khiến các vật thể chuyển động trong ảnh bị mờ, nhòe đi, trong khi hình ảnh các vật thể đứng yên không thay đổi. Tuy nhiên phơi sáng dài đồng nghĩa với ảnh sẽ quá chói, không phù hợp với ý tưởng về một “thành phố chết”. Điều này được khắc phục bởi kính lọc ND (Neutral Density). Đặt kính lọc này trước ống kính khi chụp sẽ làm giảm cường độ ánh sáng đi vào ảnh, bão hòa các sắc độ màu, tạo hiệu ứng mờ khiến khung cảnh bao trùm màu xám ảm đạm.

Công viên Xizhimen (Bắc Kinh - Trung Quốc).

Công viên Fugximen (Bắc Kinh - Trung Quốc).

Quảng trường Thời đại (New York - Mỹ).

Đại lộ số 6 (New York - Mỹ).

Một góc khuất của Manhattan (New York - Mỹ).

Clip "Lặng câm trong thành phố Ngày Tận thế".

(*) Mỗi khi chụp một tấm hình thì màn trập ở trước ống kính máy ảnh sẽ đóng mở trong chớp mắt, nó có nhiệm vụ kiểm soát lượng ánh sáng đến bộ phận cảm biến của máy ảnh. Tốc độ màn trập là thước đo thời gian màn trập của máy ảnh mở ra. Màn trập mở càng lâu thì ánh sáng đi qua bộ cảm biến càng nhiều và ngược lại.

(**) Bên trong mỗi ống kính máy ảnh là một cánh cửa gọi là khẩu độ. Khẩu độ có tác dụng làm thay đổi đường kính ống kính từ một khẩu độ rộng cho phép nhiều ánh sáng, đến khẩu độ hẹp cho phép ánh sáng ít hơn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày