Làm đẹp kiểu "hổng-giống-ai" của phụ nữ các dân tộc

Quốc Trung, Theo Mask Online 12:00 15/02/2012
Chia sẻ

Cổ càng dài, môi càng trề mới là quyến rũ...

Các nền văn hóa có những quan niệm khác nhau về cái đẹp. Trên thế giới, vẫn còn nhiều dân tộc bảo tồn những nét văn hóa làm đẹp độc đáo. Chúng ta hãy cùng khám phá những cách làm đẹp kỳ lạ sau nhé:

1. Những chiếc cổ cao của phụ nữ Kayan

Kayan là một dân tộc thiểu số tại Myanmar và Thái Lan. Phụ nữ của dân tộc này có tục lệ đeo những chiếc vòng đồng khiến cho cổ của họ dài ra.


Các bé gái Kayan bắt đầu đeo chiếc vòng đầu tiên khi lên 5 tuổi. Những chiếc vòng cổ sẽ được thêm vào trong suốt quá trình trưởng thành. Khối lượng của những chiếc vòng đè xuống xương đòn, làm phần cổ của người phụ nữ trông dài ra.


Nếu tháo những chiếc vòng cổ, người phụ nữ Kayan sẽ không chết ngạt như nhiều người vẫn tưởng. Tuy nhiên các cơ cổ của họ bị yếu đi nhiều và phần da cổ trở nên nhợt nhạt do hàng năm liền không tiếp xúc với ánh nắng. Ngày nay, chính phủ Myanmar đang nỗ lực xóa bỏ tục lệ này.

2. Đôi tai của người phụ nữ Maasai

Người Maasai là một dân tộc du mục sống tại miền Đông châu Phi (tập trung tại hai nước Kenya và Tanzania). Với họ, vẻ đẹp của người phụ nữ nằm ở những đôi tai.



Phụ nữ Maasai thường sâu lỗ tai bằng nhiều loại vật liệu như gai, cành cây, đá và cả ngà voi. Những đôi tai của họ thường được đeo nhiều chuỗi vòng màu sắc rực rỡ. Ngoài ra, họ còn cạo đầu và bỏ đi hai chiếc răng nanh của hàm dưới.

3. Hình vẽ cơ thể của phụ nữ Amazon

Với người da đỏ sống tại lưu vực con sông Amazon, toàn bộ cơ thể họ là một tác phẩm nghệ thuật.



Phụ nữ Amazon thích xỏ khuyên trên cơ thể. Họ trang điểm khuôn mặt và thân thể bằng những hoa văn vẽ bằng máu động vật và cây cỏ.

4. Khuôn mặt đánh phấn trắng của geisha

Những geisha với khuôn mặt thoa phấn trắng đã trở thành một biểu tượng của nền văn hóa lâu đời ở Nhật Bản. Thế nhưng không phải ai cũng biết loại phấn trắng này được làm từ... phân của chim sơn ca.



Phân chim sơn ca chứa enzyme giúp loại bỏ các tế bào chết trên da, đồng thời còn giúp tẩy các vết nám và xóa mờ nếp nhăn. Loại phân này không hề có mùi hôi nên thuận tiện cho việc làm mĩ phẩm. Sau khi được phơi khô, phân được trộn với cám gạo và nước. Ngày nay, bí quyết của các geisha thời xưa đang được nhiều hãng mĩ phẩm quốc tế ưa chuộng và nó được bán với giá rất cao.

5. Vẻ đẹp bí ẩn của phụ nữ Hồi giáo

Người dân các nước theo đạo Hồi quan niệm vẻ đẹp của người phụ nữ nằm ở sự bí ẩn. Ở các nước này, phụ nữ bắt buộc phải mặc những bộ trang phục che kín toàn bộ cơ thể, chỉ để hở duy nhất đôi mắt.



Tuy nhiên, phụ nữ ở những xứ sở này cũng có những cách làm đẹp riêng. Họ thường nghiền bột galen (chì oxit) và các khoáng vật khác để kẻ mắt tối. Những chiếc khăn choàng đầu và đồ trang sức càng làm tôn thêm vẻ đẹp bí ẩn của họ.

6. Hình xăm của phụ nữ Maori (New Zealand)

Maori là một dân tộc bản địa lâu đời tại New Zealand trước khi đất nước này được người châu Âu khai phá.



Người phụ nữ Maori có tục xăm môi. Người phụ nữ đẹp nhất là người xăm toàn bộ đôi môi và cằm. Việc xăm môi rất quan trọng đối với người con gái Maori vì hình xăm đó đại diện cho địa vị, dòng dõi và cả “công dung ngôn hạnh” của người phụ nữ.

7. Béo mới là đẹp!

Trái với quan niệm cái đẹp gắn với sự mảnh mai, người Mauritania tại miền Tây sa mạc Sahara lại cho rằng béo mới là vẻ đẹp chuẩn mực! Tại đây, sự đẫy đà của người phụ nữ gợi liên tưởng đến cuộc sống sung túc, ấm no. Các cô gái béo thì luôn hấp dẫn các chàng trai và được cho là sẽ trở thành những bà mẹ tốt.



Do đó, rất nhiều các bé gái và thiếu nữ tại Mauritania bị ép phải tăng cân. Mỗi ngày, họ uống gần 20 lít sữa và phải ngồi trong nhà suốt ngày.

8. Đĩa môi của người Mursi

Người Mursi, một dân tộc sống tại miền Nam nước Ethiopia lại có một cách làm đẹp kỳ lạ: đeo đĩa môi.


Có những người con gái Mursi đeo được những chiếc đĩa có đường kính lên tới 20cm. Để làm được điều này, họ phải tiến hành rạch môi. Tiếp đó, những chiếc đĩa môi ngày càng lớn được thay vào làm phần miệng của họ ngày càng rộng ra.

Người Mursi cho rằng, đeo đĩa môi càng to thì người phụ nữ càng đẹp và khi lấy chồng, cô ta càng được hưởng nhiều gia súc.


Tất cả những cách làm đẹp kể trên đã trở thành biểu tượng văn hóa của một dân tộc, đất nước. Song cũng không ít những cách làm đẹp còn mang tính chất hủ tục, thậm chí làm tổn hại đến chính sức khỏe của người phụ nữ. Trong thời hiện đại, có lẽ mỗi dân tộc sẽ đối mặt với lựa chọn có nên duy trì những quan niệm về cái đẹp truyền thống của đất nước mình.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày