[Talkshow] Chuyện nghề giáo 20/11: Đuổi học sinh là minh chứng cho sự thất bại của giáo viên

Mộc Miên - Trọng Tùng, Theo Người Đưa Tin 10:11 17/11/2019

'Mình đuổi học sinh thì rất dễ nhưng để giữ lại, giáo dục các em mới khó. Đuổi các em, là minh chứng chứng minh mình đang thất bại', cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội) tâm sự về nghề giáo trong thời đại 4.0.

Môi trường giáo dục thời đại 4.0 là nỗi trăn trở của nhiều giáo viên, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo mỗi nhà trường. Làm gì khi rất nhiều vấn đề tồn tại đòi hỏi giáo viên phải giải quyết tốt mới tạo ra được môi trường học tập thân thiện, hạnh phúc?

Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa, một người tâm huyết với hoạt động bồi dưỡng cán bộ giáo viên đã nêu những quan điểm rất thẳng thắn về vấn đề này.

Video: Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa nói về giáo viên trong thời đại 4.0.

Cô Nhiếp cho rằng, hiện tại, cách ứng xử của giáo viên có nhiều thứ không còn phù hợp với môi trường học tập. Trong đó phải kể đến là sự áp đặt, cho rằng thầy cô luôn đúng; bêu 1 lỗi học sinh trước rất nhiều bạn khác; bắt các bạn đứng trước tập thể lớp cam kết, thực hiện lời hứa...

[Talkshow] Chuyện nghề giáo 20/11: Đuổi học sinh là minh chứng cho sự thất bại của giáo viên - Ảnh 2.

Cô Nhiếp vui vẻ trao đổi cùng các em học sinh.

Đã từng nhiều lần được giao chủ nhiệm những lớp học cá biệt, cô Nhiếp cho rằng, nếu nghĩ các em cá biệt, ngỗ ngược thì trong hành động của mình cũng ứng xử như thế, làm hiệu quả giáo dục thấp đi. Hãy nghĩ rằng các em đang cần giúp đỡ, quan tâm, tình yêu thương, mình sẽ đạt được kết quả tốt hơn.

Về những câu chuyện không vui xảy ra trong ngành giáo dục thời gian qua, cô Nhiếp trăn trở, trong môi trường nào, giáo viên cũng mong muốn, khao khát mình là giáo viên tốt, được học sinh tin yêu và ghi nhận. Nhưng để làm được điều đó, giáo viên phải tự học, tích lũy kinh nghiệm. Ngoài việc giỏi chuyên môn, mỗi giaso viên cần có kĩ năng riêng, đó là sự nhạy cảm nghề nghiệp.

Thêm nữa, thầy cô cần tìm hiểu tâm lý học sinh cũng như nhu cầu tâm lý của phụ huynh để có được sự hợp tác, cộng hưởng của cả hai. Điều thứ 2 không kém phần quan trọng, nhà trường phải có môi trường cho các thầy cô được trau dồi, học tập, hoàn thiện bản thân mình.

"Mình đuổi học sinh thì đuổi rất dễ nhưng để giữ lại, giáo dục các em mới khó. Đuổi các em, là minh chứng chứng minh mình đang thất bại", cô Nhiếp nói.

Link báo gốc: nguoiduatin.vn/talkshow-chuyen-nghe-giao-2011-duoi-hoc-sinh-la-minh-chung-cho-su-that-bai-cua-giao-vien-a456343.html