Thường xuyên uống nước cũng là dấu hiệu bệnh

Bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 12:01 03/04/2013

Việc uống nước quá nhiều cũng có thể là dấu hiệu bệnh nguy hiểm đấy nhé!

Thường xuyên uống nước cũng là dấu hiệu bệnh 1

Khoảng 1 tháng nay, không hiểu do thời tiết chuyển mùa hay sao mà em rất hay khát nước mặc dù em chẳng tham gia bất cứ hoạt động thể thao nào gây đổ mồ hôi cả. Nhiều khi háo nước đến mức em uống liền mấy cốc nước to mà không đỡ, chỉ thấy đi tiểu nhiều hơn thôi, có cảm giác uống vào bao nhiều thì lại thải ra ngoài hết chứ chẳng giữ lại được chút nước nào trong người. Ngoài ra, dạo này mắt em cũng bị mờ đi và hơi hơi khô. Mong bác sĩ giải đáp liệu em có mắc phải bệnh gì không và cách xử lý ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (rauns...@yahoo.com).

Thường xuyên uống nước cũng là dấu hiệu bệnh 2

Chào em,

Trung bình một người trưởng thành mỗi ngày cần khoảng 2 lít nước. Nhu cầu về nước sẽ tăng lên khi ăn thức ăn mặn hoặc cay; tham gia các hoạt động luyện tập thể thao; bị nôn mửa, tiêu chảy, bỏng, mất máu đáng kể; đang dùng một số loại thuốc theo toa...

Nhưng nếu khát quá mức thường xuyên và cơn khát không được dập tắt dù đã bổ sung nước thì có thể là dấu hiệu của một trong những bệnh lý nghiêm trọng sau:

- Mất nước: xảy ra khi thiếu lượng dịch thích hợp của cơ thể. Tình trạng này có thể được gây ra bởi bệnh ra mồ hôi nhiều, tiểu quá nhiều, ói mửa, bỏng hoặc tiêu chảy.

- Bệnh đái tháo đường: khát nước quá mức gây ra bởi lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết), và thường là triệu chứng đáng chú ý đầu tiên của bệnh đái tháo đường. Nếu khát và đa niệu xảy ra thì cần lưu ý đến chứng suy thận mãn.

- Nhiễm trùng huyết: đây là một căn bệnh nguy hiểm gây ra bởi các vi khuẩn di chuyển theo đường máu gây tổn thương các cơ quan như tim, não, gan, thận...

- Sự mất cân bằng hoóc-môn: gặp trong tình huống nồng độ của hoóc-môn tuyến giáp cao, tình trạng này được gọi là cường giáp (kèm run tay, bướu cổ, lồi mắt, tim đập nhanh...) hoặc gặp trong Hội chứng Cushing là tình trạng cường chức năng vỏ thượng thận tiên phát (do u hoặc cường sản) gây tăng tiết quá nhiều glucocorticoid.

- Một số loại thuốc hoặc đồ uống như cà phê, chất kích thích, thuốc kháng histamine hoặc thuốc lợi tiểu... có thể gây ra tình trạng khát nước nhiều.

Khát thực tế là tín hiệu để báo cơ thể đang có sự mất nước. Một số tình huống có thể ngăn ngừa được như:

- Uống nhiều chất lỏng trước khi tập thể dục, trong môi trường nóng...

- Tránh các chất và thuốc men gây lợi niệu quá mức.

- Dùng thuốc theo liều quy định và kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên nhằm ngăn ngừa nguyên nhân do bệnh đái tháo đường.

Ngoài bệnh đái tháo đường nếu không kiểm soát được có thể gây thiệt hại cho nhiều cơ quan trong cơ thể, thậm chí dẫn đến tử vong thì các trường hợp mất nước do nguyên nhân khác thường sẽ được điều trị thành công mà không gây ảnh hưởng lâu dài.

Việc điều trị tình trạng này chủ yếu phải hướng vào nguyên nhân. Cụ thể:

- Thông thường lượng nước mất chủ yếu bù lại với dung dịch oresol qua đường uống như khi tiêu chảy mất nước nhẹ, đổ mồ hôi nhiều... Nếu không thể uống, tùy thuộc mức độ rối loạn nước điện giải (dựa vào ion đồ) mà bệnh nhân sẽ được cung cấp thông qua đường truyền tĩnh mạch (IV).

- Với bệnh đái tháo đường có thể sử dụng tiêm insulin hoặc các thuốc khác để kiểm soát lượng đường trong máu.

- Bệnh cường giáp cần điều trị bằng thuốc, phẫu thuật hoặc liệu pháp phóng xạ.

Vì vậy bác sĩ Mèo khuyên em nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để làm những xét nghiệm cần thiết như:

- Kiểm tra lượng đường trong máu.

- Xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan, thận, nột tiết...

- Tổng phân tích nước tiểu và kiểm tra độ thẩm thấu nước tiểu.

- Xét nghiệm các chất điện giải (ion đồ): canxi huyết thanh, natri...

- Siêu âm: tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể đề nghị làm một số xét nghiệm sâu hơn như chụp CT scan, MRI não, sinh thiết... hoặc chuyển chuyên khoa.

Từ đó có chẩn đoán chính xác và chỉ định điều trị thích hợp, kịp thời cho tình trạng của em.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Thường xuyên uống nước cũng là dấu hiệu bệnh 3