Tay run “bần bật” là dấu hiệu của bệnh trầm cảm

Bác sĩ Mèo, Theo Mask Online 00:00 16/04/2012

Thực hư chuyện này là sao nhỉ?

Năm nay em 15 tuổi đang là học sinh lớp 9. Từ năm lớp 8, em hay bị run tay nhẹ khi xúc động. Nhưng không hiểu sao cho đến giờ thì triệu chứng này ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Cụ thể là vào lúc chuẩn bị làm bài kiểm tra, em đột nhiên thấy rất lo sợ rồi tay chân bắt đầu lạnh ngắt và run đến nỗi chữ viết xấu như gà bới. Tình trạng này ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập và khiến em vô cùng lo lắng vì kì thi chuyển cấp sắp tới. Mong bác sĩ giải đáp giúp liệu em đang mắc bệnh gì và phải làm thế nào để chữa khỏi ạ? Em xin cảm ơn! (khongco...@yahoo.com.vn)

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc phải chứng rối loạn lo âu. Đây là loại bệnh lý tương đối phổ biến với tỷ lệ thường gặp là khoảng từ 1,5 - 3,5% dân số. Biểu hiện của bệnh rất đa dạng, cụ thể như:

- Tim đập thình thịch, nhịp tim tăng rất nhanh.

- Vã mồ hôi, run rẩy chân tay hoặc rung tay.

- Khó thở, thở rất nông, cảm giác ngột ngạt như có người bóp cổ.

- Đau ở ngực hoặc không thoải mái ở vùng ngực.

- Buồn nôn, đau ở vùng bụng, cảm giác như muốn ngất, đi không vững, đầu nhẹ bẫng hoặc như là sắp sửa đột quỵ.

Những triệu chứng của rối loạn lo âu thường rất giống với biểu hiện của những bệnh lý nội khoa khác. Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa thần kinh để khám và nhận được chỉ định điều trị thích hợp cho trường hợp của mình.

Thường thì việc điều trị bao gồm hai nội dung: sử dụng thuốc chống lo âu và những liệu pháp về nhận thức hành vi.

- Thuốc được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu là các loại có tác dụng làm giảm đi những triệu chứng này, hiện nay đang được dùng phổ biến là nhóm thuốc ức chế hấp thu serotonin chọn lọc chứa một số hoạt chất phổ biến như fluoxetine, sertraline, paroxetine (SSRI)...

- Trị liệu bằng các liệu pháp hành vi nhận thức hiện còn chưa được phổ biến ở nước ta. Việc điều trị này bao gồm nhiều nội dung khác nhau như là giáo dục về tâm lý, hướng dẫn cho người bệnh cách xử lý khi có những biểu hiện của lo âu, hoảng sợ. Cụ thể là tập thư giãn, hít thở sâu hoặc có những liệu pháp phơi nhiễm với những yếu tố gây ra lo âu. Từ đó họ sẽ dần dần thích nghi được với những hoàn cảnh gây ra tình trạng lo âu và các triệu chứng sẽ hết dần. 

Cuối cùng nhưng cũng quan trọng nhất là em cần cố gắng tuân thủ phác đồ điều trị và lưu ý tái khám sau mỗi đợt dùng thuốc. Bác sĩ sẽ so sánh kết quả trước và sau khi điều trị để có chỉ dẫn tiếp theo cho em.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!