Chào bác sĩ,
Năm nay em 18 tuổi. Hồi nhỏ, hầu như em không bị đái dầm bao giờ, nhưng từ lúc học lớp 8 thì tình trạng đái dầm bắt đầu xảy ra với em. Em hay mơ mình đi vệ sinh rồi "xử lý" ngay trên giường. Tuy tần suất không nhiều lắm nhưng nó gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt và tạo cho em mặc cảm khi đi ngủ nhờ nhà người khác, lỡ mà không may... Em có đi bác sĩ khám nhưng họ bảo là do tâm lý. Em thấy tâm lý em bình thường ạ. Ngay cả khi tâm trạng thoải mái, không nghĩ tới nó thì nó vẫn xảy ra.
Xin bác sĩ cho em lời khuyên ạ. Em cũng xin hỏi là trường hợp của em có bình thường không? Có nhiều người bị như vậy không? Cảm ơn bác sĩ. (baby.by...@gmail.com)
Trả lời:
Chào em,
Đái dầm trong khi ngủ thường xảy ra ở trẻ em, nhưng người lớn cũng có thể lâm vào tình trạng này. Sau đây là một số nguyên nhân gây ra chứng đái dầm ở người lớn.
Nguyên nhân gây ra chứng đái dầm
- Di truyền: Các cuộc nghiên cứu chính thức đã ghi nhận tầm quan trọng của tính di truyền đối với bệnh đái dầm. Cụ thể, người có cả cha lẫn mẹ mắc chứng đái dầm có 77% rủi ro mắc bệnh này. Nếu chỉ cha hoặc mẹ đái dầm, mức rủi ro là 40%.
- Rối loạn hormone chống lợi tiểu: Hormone ADH có nhiệm vụ thông báo cho thận biết thời điểm cần giảm sản xuất nước tiểu. Một số người, đặc biệt là bệnh nhân tiểu đường dạng 2 tiết ADH không thỏa đáng vào ban đêm, vì thế việc sản xuất nước tiểu vẫn ở mức cao. Cũng có trường hợp ADH được tiết đầy đủ nhưng thận không phản hồi tích cực, tiếp tục sản xuất nước tiểu ở mức như ban ngày.
- Bàng quang nhỏ hơn: Ý muốn đề cập đến ở đây không phải là bạn có bàng quang nhỏ mà là sức chứa của nó nhỏ. Thông thường, khả năng lưu giữ nước tiểu ở bàng quang của người mắc chứng đái dầm nhỏ hơn so với người bình thường. Một khi lượng nước tiểu vượt quá khả năng lưu giữ, cơ bàng quang bị căng lên, dẫn đến tình trạng tiểu tiện quá mức.
- Do thuốc: Theo Hiệp hội Kiểm soát tiểu tiện quốc gia Mỹ, một số loại thuốc trị bệnh tâm thần như thioridazine, clozapine và risperidone có thể gây ra chứng đái dầm – vốn là tác dụng phụ của các loại thuốc này.
- Rượu: Nếu một người thường xuyên uống rượu, việc sản xuất hormone vasopressin (hormone giúp kiểm soát sự bài tiết nước tiểu) được tiết ra trong cơ thể bị giảm đi.
Hậu quả là, khi bàng quang bắt đầu đầy, không hormone nào có thể xử lý tình huống này, vì thế chỉ còn cách giải quyết là tiểu tiện. Thường thì những người ngủ say không ý thức được vấn đề cho đến khi họ làm ướt giường.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác được cho là gây chứng đái dầm bao gồm nhiễm trùng đường tiểu, sỏi niệu đạo, các chứng rối loạn thần kinh, dị dạng cơ thể học, ung thư tuyến tiền liệt, tuyến tiền liệt phì đại và chứng ngừng thở khi ngủ. Trong một số trường hợp hiếm hoi, sự lo âu quá mức cũng có thể khiến người trưởng thành đái dầm.
Chữa trị thế nào?
Để xác định chính xác nguyên nhân gây ra chứng đái dầm ở người trưởng thành, các bác sĩ sẽ tiến hành các cuộc kiểm tra về tiết niệu và thần kinh. Việc chữa trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Nếu không phải do những vấn đề về y khoa gây ra, bệnh nhân có thể được yêu cầu giảm lượng nước uống trước khi đi ngủ và thực hiện các bài tập luyện cơ xương chậu nhằm tăng cường khả năng kiểm soát tiểu tiện.
Để được chẩn đoán chính xác nhất, em nên đến thăm khám ở các cơ sở y tế chuyên khoa để xác định được rõ nguyên nhân, từ đó kịp thời điều trị.
Chúc em luôn khỏe mạnh!