Mổ xẻ hiện tượng sức khỏe "càng ăn càng nôn"

Bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 12:01 16/08/2013

Lại một rắc rối nhỏ trong hệ thống tiêu hóa gây ảnh hưởng đến sức khỏe đấy!

Mổ xẻ hiện tượng sức khỏe "càng ăn càng nôn" 1

Thời gian gần đây, em cảm thấy mình đang gặp phải một vài vấn đề về hệ tiêu hóa. Điển hình và khó chịu nhất là triệu chứng khó nuốt, dẫn đến sặc khi nuốt thức ăn hay uống nước. Đỉnh điểm khi có lần em cố nuốt vào nhưng thức ăn chỉ trôi được một đoạn thì lại bị nôn trớ ngược ra cả đằng miệng và lỗ mũi. Không những thế, em còn bị vướng và nóng râm ran phía sâu trong cuống họng kèm theo ợ chua mỗi lần ăn kẹo ngọt hoặc sôcôla. Mong bác sĩ giải đáp liệu em đang bị bệnh gì và cách giải quyết ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (lyn_hoa...@gmail.com).

Mổ xẻ hiện tượng sức khỏe "càng ăn càng nôn" 2

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc phải chứng trào ngược dạ dày - thực quản.

Đây là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản. Do tính chất kích thích của các chất dịch trong dạ dày (như HCl, pepsine, dịch mật...) đối với niêm mạc thực quản nên gây ra các triệu chứng và biến chứng tại thực quản.
Ở trạng thái sinh lý bình thường, thỉnh thoảng cũng có hiện tượng trào ngược dịch dạ dày lên thực quản nhưng rất thoáng qua và không gây hậu quả gì.

Hoạt động của cơ thắt dưới thực quản là yếu tố quyết định trong hiện tượng trào ngược dạ dày - thực quản. Nó có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ niêm mạc thực quản đối với HCl của dịch dạ dày. Bình thường, co thắt dưới thực quản chỉ giãn mở ra khi nuốt, sau đó sẽ co thắt và đóng kín ngăn không cho dịch dạ dày trào ngược lên thực quản.

Tuy nhiên, vẫn có lúc trương lực cơ bị giảm và dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Khi có sự trào ngược của dịch dạ dày lên thực quản, dịch nhầy thực quản với bi-carbonat và nước bọt (do có tính kiềm) sẽ trung hòa HCL của dịch vị làm giảm hoặc mất sự kích thích của dịch vị lên niêm mạc thực quản. Đồng thời, nhu động của thực quản sẽ đẩy dịch trào ngược trở xuống lại dạ dày.

Các yếu tố ảnh hưởng đến rối loạn hoạt động của co thắt dưới thực quản và cơ chế bảo vệ chống trào ngược có thể do:

- Sự giãn co thắt dưới thực quản xảy ra thường xuyên hơn và kéo dài hơn.

- Thoát vị hoành.

- Rối loạn nhu động thực quản.

- Giảm tiết nước bọt.

- Các tác nhân khác làm giảm áp lực co thắt dưới thực quản như thuốc secretin, cholecystokinine, glucagon; thuốc kích thích thụ cảm, ức chế anpha, kháng tiết choline, theophylline; các chất caffein, rượu, thuốc lá, chocolate, hay bữa ăn nhiều mỡ.

Những triệu chứng khó chịu mà người bệnh hay gặp phải bao gồm:

- Ợ nóng: Niêm mạc thực quản bị kích thích bởi HCL hoặc dịch mật trong dịch dạ dày làm người bệnh có cảm giác nóng rát lan từ thượng vị lên dọc sau xương ức, có khi lan đến vùng hạ họng hoặc lên tận mang tai. Trường hợp điển hình, chứng ợ nóng xuất hiện sau bữa ăn và theo tư thế cúi gập người về trước.

- Trớ: thường xảy ra do thay đổi tư thế hay một sự gắng sức. Dịch trớ thường không mùi vị, không chua và có thể lẫn thức ăn chưa tiêu hóa.

- Nuốt khó: rất đa dạng, có thể do nuốt khó với chất lỏng là chính, liên quan đến co thắt dưới thực quản, có thể nuốt khó thật sự với chất đặc có hay không kèm theo nuốt đau.

Diễn tiến bệnh lý thường không có sự song hành giữa triệu chứng lâm sàng và tổn thương thực thể của bệnh. Thường xảy ra nhất là viêm thực quản do trào ngược với các hệ quả như loét, teo hẹp. Hiếm gặp hơn có các biến chứng viêm thanh quản, viêm xoang, viêm mũi họng, viêm phổi hít do trào ngược xảy ra vào ban đêm.

Chế độ điều trị nội khoa bằng phương pháp sử dụng các thuốc chống tiết acid nhóm ức chế bơm proton như: omeprazole, lansoprazole, rabeprazole để làm giảm các triệu chứng và làm lành viêm thực quản trong đa số trường hợp.

Phẫu thuật sẽ được chỉ định trong những trường hợp không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với điều trị nội khoa. Đó là các phương pháp tạo nếp gấp đáy vị (phẫu thuật Nissen, phẫu thuật Toupet) hoặc các phương pháp can thiệp qua nội soi khâu tạo hình cơ vòng dưới thực quản, tiêm chất sinh học làm tăng khối cơ, nong thực quản.

Vì vậy bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị kịp thời và thích hợp với tình trạng của mình.

Ngoài ra, do đây là bệnh lý liên quan nhiều đến chế độ ăn uống và thói quen của mỗi cá nhân, bệnh không có tính di truyền nên để tránh biến chứng không đáng có, người bệnh cần có chế độ ăn uống điều độ. Cụ thể:

- Bữa ăn đủ dinh dưỡng với 6 thành phần cơ bản: đạm, tinh bột, chất béo, chất xơ, muối khoáng và vitamin; được chia đều 3 bữa trong ngày.

- Các thói quen xấu cần bỏ như: thuốc lá, bia rượu. Hạn chế cà phê, chocolate,  thức ăn có gia vị mạnh...

- Không ăn quá no, quá nhiều lúc tối trước khi đi ngủ.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Mổ xẻ hiện tượng sức khỏe "càng ăn càng nôn" 3