Làm gì khi khớp gối liên tục phát tiếng “răng rắc”

PLXH, Theo 00:00 14/11/2011

Tuổi teen mà cũng bị yếu xương vậy sao?

Em năm nay 16 tuổi. Cơ thể em phát triển hết sức bình thường với chiều cao 1,75m, cân nặng 65kg. Nhưng không hiểu tại sao từ năm 12 tuổi đến nay, cứ mỗi khi em đứng lên, ngồi xuống là lại nghe thấy những tiếng răng rắc phát ra từ cả 2 bên đầu gối. Ngoài ra em còn rất hay bị mỏi và nhức nữa. Mong bác sĩ giải đáp liệu có phải em bị thiếu canxi không và làm thế nào để khắc phục tình trạng này với ạ? Em xin cảm ơn! (tuanv…@yahoo.com)

Chào em,

Khớp được cấu tạo như một khoang kín có chứa nhiều bọt khí nhỏ nằm trong dịch khớp. Chúng là sản phẩm bình thường được tạo nên khi khớp vận động.
 
Nếu ổ khớp hình thành một vùng có áp lực cao do sự vận động mạnh (ví dụ đá mạnh chân... ) thì các bọt khí nhỏ này sẽ thoát ra từ dịch khớp để cân bằng áp lực. Sự phối hợp của các bọt khí cùng lúc thoát ra khỏi dịch khớp sẽ tạo nên tiếng kêu “rắc”. Bình thường điều này không đem lại hậu quả gì, tuy nhiên nó sẽ trở nên không tốt nếu chúng ta làm như vậy nhiều lần và có hệ thống.

Với những người đang ở trong độ tuổi dậy thì như em, tiếng kêu “rắc” thường xuất hiện cùng cảm nhận sự trượt, nhức và mỏi của gối. Hiện tượng này có thể xuất hiện trở lại khi kéo dài gối ở tư thế duỗi chân hoàn toàn. Nó chính là biểu hiện của sự phát triển sớm. Sự bất thường xảy ra với sụn đầu gối làm cho bờ nó dầy lên, khi bị trượt sẽ tạo nên tiếng kêu. Vì vậy, đó chỉ là hiện tượng sinh lí hết sức bình thường do hệ thống dây chằng, bao khớp và các sụn đầu xương chưa ổn định mà thôi.

Tuy nhiên, em vẫn nên chú ý theo dõi các triệu chứng mới. Nếu xuất hiện thêm tình trạng đau, sưng hoặc bị chấn thương thì em cần phải nhanh chóng đến bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa, chụp X-quang nhằm phát hiện những thương tổn (nếu có) để điều trị sớm và kịp thời, tránh những biến chứng nặng gây ảnh hưởng đến sức khỏe sau này…

Ngoài ra, em cũng nên chú ý thực hiện những điều sau:

- Trước khi hoạt động thể thao như chạy nhảy, đá banh, bơi lội, em cần phải khởi động thật kỹ để các khớp xương quen dần với các vận động, tránh tập mạnh một cách đột ngột, gây hại đến khớp.

- Giữ tư thế phù hợp khi ngồi và đứng sẽ giúp bảo vệ khớp xương từ cổ đến đầu gối, khớp hông và cơ lưng. Cũng cần lưu ý về tư thế khi khiêng, nhấc đồ vật.

- Bổ sung những loại thực phẩm làm cân bằng dinh dưỡng giúp cho xương chắc khỏe và ngăn chặn nguy cơ té ngã, gây thương tổn khớp xương. Hãy đảm bảo rằng việc hấp thụ các loại thực phẩm giàu can-xi và vitamin D. Em cũng nên ăn nhiều vì nó chứa rất nhiều vitamin C, chất chống ôxy hóa giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm khớp xương mãn tính.

Chúc em luôn vui vẻ và khỏe mạnh!