Để ý khi xuất hiện nốt nhọt ở tai "đầy nguy hiểm"

Bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 12:01 24/07/2013

Nhọt không vỡ mà còn ẩn luôn bên trong da.

Để ý khi xuất hiện nốt nhọt ở tai "đầy nguy hiểm" 1

Mấy hôm nay, tai em bỗng mọc vài cái nhọt ở phần ngoài gần vành tai. Mới đầu nó chỉ hơi sưng đỏ và đau giống như mụn nhọt ở chỗ khác. Nhưng đến lúc hết đau thì nhọt không vỡ mà cũng không thể nặn ra được mà nó ở lại luôn bên trong da. Sờ vào thì có thể cảm giác được rõ phần cồi đã cứng như đá ở bên trong nhưng phần da bên ngoài thì hoàn toàn bình thường. Mong bác sĩ tư vấn cho em cách giải quyết triệt để lũ mụn nhọt này với ạ! Em xin cảm ơn! (rayqu...@gmail.com).

Để ý khi xuất hiện nốt nhọt ở tai "đầy nguy hiểm" 2

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã bị nhọt ống tai.

Đây là loại bệnh do viêm nang lông ở da trên phần sụn của ống tai ngoài, tác nhân gây bệnh thường là vi khuẩn tụ cầu vàng.
Một số vị trí của nhọt tai thường gặp kèm theo triệu chứng cụ thể như sau:

- Kéo vành tai lên gây đau nhiều: nhọt ở vành trên hoặc thành sau ống tai.

- Ấn vào nắp tai gây đau nhiều: nhọt ở thành trước ống tai.

- Ấn vào vùng trước ống tai hoặc nâng dáy tai lên rất đau: nhọt ở thành dưới ống tai.

- Kiểm tra rãnh sau tai, nếu thấy nếp nhăn rõ là nhọt ống tai; nếu không có nếp nhăn mà tai cũng to phía sau thì phải nghĩ đến xương chũm viêm cấp.

Ngoài ra, các triệu chứng cơ bản chung hay gặp khi mắc bệnh có thể là: tai đau dữ dội (dấu hiệu chính, vì da ống tai dính rất chắc vào sụn, càng vào sâu trong ống tai, da càng dính hơn). Sau đó, vùng đau lan tỏa ra lân cận như: thái dương, hàm gây nên kém ăn, mất ngủ, thậm chí khiến tai ù hoặc điếc tạm thời (do nhọt làm hẹp hoặc bít kín ống tai lại).

Bệnh được điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm giảm đau và sát trùng tại chỗ. Xử lý cụ thể theo các giai đoạn như sau:
 
- Giai đoạn viêm tấy:

Viêm mới ở thời kì sung huyết, chưa hình thành ổ mủ. Có thể dùng khăn nóng chườm tại vùng tai 2 - 3 lần/ngày để giúp tăng tuần hoàn máu làm giảm viêm sưng. Tại chỗ viêm nên đặt mỗi ngày 1 lần các loại thuốc như Betadin 10%, Glycerin phenol 2%-5% hoặc thuốc Đông y như Cao tiêu viêm, dầu hồng hoa hoàng liên đông dược.

Điều trị hỗ trợ bằng liệu pháp sóng ngắn cũng mang lại hiệu quả tốt.
 
- Giai đoạn tạo mủ:

Thông thường sau khoảng 4 ngày, chỗ viêm sẽ khu trú lại thành nhọt mủ rõ ràng. Bệnh nhân có những cơn đau nhói nhức buốt trong tai. Nếu ổ mủ có kích thước lớn thì dùng mũi dao nhỏ nhọn để rạch tháo. Cũng có thể thay cho phương pháp chích rạch bằng cách chấm Nitrat bạc 50% vào đầu mủ. Cần lưu ý là chỉ chích rạch khi ổ viêm đã khu trú và tạo mủ rõ ràng, tránh can thiệp “non” mà làm cho viêm tấy lan tỏa.
Sau khi lấy hết mủ cần đặt bông tẩm Betadin 10% hoặc tẩm thuốc kháng sinh tại chỗ và thay thuốc mỗi ngày.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất là phải giữ ống tai luôn sạch sẽ để tránh sự lan rộng của ổ viêm. Không nên xoa nắn, ấn ép vào ống tai hoặc kéo vành tai.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Để ý khi xuất hiện nốt nhọt ở tai "đầy nguy hiểm" 3