Cảnh báo dấu hiệu "mụn đầy mặt" ở tuổi dậy thì

Bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 12:01 10/06/2013

Nổi mụn sẽ rất nguy hiểm nếu bạn không cẩn thận đấy!

Cảnh báo dấu hiệu "mụn đầy mặt" ở tuổi dậy thì 1

Năm nay em 16 tuổi và là nam. Em bị mụn trứng cá đã được 2 năm kể từ khi dậy thì. Tuy đã chữa trị bằng nhiều cách nhưng không hiểu sao bệnh ngày càng nặng lên. Gần đây toàn bộ 2 bên gò má của em xuất hiện nhiều mảng đỏ da lan rộng bao trùm khắp hết những nốt mụn. Khi sờ vào vùng da này thì thấy hơi nóng và nếu cậy mạnh tay sẽ thấy rỉ ra dịch hơi vàng. Mong bác sĩ giải đáp em có mắc phải bệnh gì nghiêm trọng không và cách xử lý ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (mike...@yahoo.com).

Cảnh báo dấu hiệu "mụn đầy mặt" ở tuổi dậy thì 2
Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc phải chứng viêm mô tế bào.

Đây là một loại bệnh nhiễm trùng da và mô mềm ngay bên dưới da phổ biến. Nó xảy ra khi vi trùng xâm nhập vào vùng da bị tổn thương hoặc da bình thường và bắt đầu lan tràn bên dưới da, vào tới mô mềm gây ra nhiễm trùng và viêm.






Trong một số ít trường hợp, viêm mô tế bào có thể tiến triển thành những bệnh nặng hơn do lan tràn theo đường máu (nhiễm trùng huyết). Tuy vậy rất hiếm khi bệnh gây đe dọa tính mạng.

Viêm mô tế bào có thể xảy ra ở hầu hết tất cả các bộ phận của cơ thể. Những người có nguy cơ bị viêm mô tế bào là những người bị thương ở da hoặc bị những bệnh khác như:

- Những vấn đề về hệ tuần hoàn, chẳng hạn như máu đến cung cấp cho các chi không đủ, dẫn lưu tĩnh mạch hoặc bạch huyết không tốt, giãn tĩnh mạch.

- Bệnh về gan, chẳng hạn như viêm gan hoặc xơ gan.

- Bệnh về da chẳng hạn như eczema, vẩy nến, thủy đậu hoặc bị nổi mụn quá nặng.

Bệnh thường được chẩn đoán dựa vào bệnh sử và khám lâm sàng. Các bác sĩ cũng có thể rút máu để xét nghiệm nếu cảm thấy tình trạng nhiễm trùng đủ nặng hoặc cho chụp phim X-quang vùng bị ảnh hưởng nếu nghi ngờ có vật lạ nằm bên trong da hoặc xương nằm bên dưới bị nhiễm trùng.

Trong trường hợp nhiễm trùng không quá nặng, em có thể điều trị tại nhà. Bác sĩ sẽ kê toa các loại kháng sinh đường uống trong vòng từ 1 tuần đến 10 ngày.

Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm trở nên nặng hơn sau khi sử dụng kháng sinh từ 2 đến 3 ngày hoặc lan rộng ra những vị trí quan trọng như ổ mắt, cổ... thì việc cần làm duy nhất lúc này là  em hãy nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp ngay để nhận được phác đồ điều trị thích hợp, kịp thời.

Ngoài ra, trong quá trình điều trị em cũng cần chú ý thực hiện đúng những điều sau:

- Uống hết các liều kháng sinh đã được kê toa. Tuyệt đối không được ngừng kháng sinh sớm giữa chừng ngay cả khi tình trạng nhiễm trùng có vẻ như đã khỏi.

- Tái khám trong vòng từ 2 đến 3 ngày để xem tình trạng viêm mô tế bào có được cải thiện hay không.

- Cố gắng giữ cho da luôn được sạch sẽ và tập thói quen vệ sinh cá nhân tốt.

- Nếu da bị tổn thương, rửa sạch bằng xà bông với nước và kiểm tra thường xuyên xem tình trạng vết thương có tốt hơn lên trong vài ngày kế tiếp hay không.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Cảnh báo dấu hiệu "mụn đầy mặt" ở tuổi dậy thì 3