Bắt bệnh các hiện tượng kỳ quặc trong giấc ngủ

Thy Vịt - Theo PLXH, Theo 00:00 12/07/2011

Ngủ mở mắt hay cất tiếng ngáy ầm ầm, tất cả đều có nguyên nhân đấy!

Ngưng thở và ngáy

Một số teens bị tình trạng ngừng thở khi đang ngủ ghé thăm thường xuyên. Tuy chúng chỉ xảy ra trong khoảng 10 - 30 giây tại một thời điểm nào đó của giấc ngủ nhưng như thế cũng đã là quá nguy hiểm đối với hệ tim mạch rồi.

Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh là do đường hô hấp của các các ấy bị thu hẹp trong khi ngủ. Điều này xảy ra khi xuất hiện biến dạng ở cấu trúc thực quản, rối loạn chức năng hoạt động của cơ cổ hay có quá nhiều chất béo lảng vảng trong mạch máu chúng mình đó!

Ngoài ra, chắc hẳn không phải teens nào cũng biết ngáy to chính là dấu hiệu để nhận ra đâu là lúc cơn ngưng thở xuất hiện nhỉ? Sự thật là khi ngừng thở thì ngực của chúng mình sẽ phồng mạnh hoặc phải đầu ngửa về đằng sau để cố gắng hít được nhiều ôxy hơn nên đã gây ra những tiếng ngáy to í!

Vì vậy để hạn chế hiện tượng ngủ ngáy, trước hết các ấy phải tìm hiểu nguyên nhân và điều trị được chứng ngưng thở khi ngủ đi đã nhé!

Mộng du

Nhiều bạn có thể lang thang hoặc đang hoạt động một việc nào đó trong đêm. Nhưng điều này thường xảy ra khi các ấy đang ngủ sâu giấc và sẽ không nhớ gì khi thức dậy.

Đó chính là chứng mộng du đấy teens ạ! Nó xảy ra khi não đã ngủ nhưng cơ thể vẫn có thể di chuyển vì giai đoạn chuyển tiếp của giấc ngủ không được thực hiện đầy đủ. Thông thường, mộng du xảy ra trong vài giờ đầu tiên sau khi đi ngủ và có thể lặp lại ở một vài thế hệ trong gia đình.

Để đề phòng những nguy hiểm có thể xảy ra với chúng mình trong cơn mộng du thì teens hãy giữ sàn nhà luôn thoáng, không đặt bất cứ đồ vật sắc nhọn hay có thể gây thương tích trong tầm với đồng thời khóa cửa sổ và cửa ra vào thật kỹ càng trước khi đi ngủ nhé!
 
Tỉnh dậy lúc nửa đêm

Nhiều khi teens bị đánh thức bởi rất nhiều trục trặc của cơ thể từ cơ bắp căng thẳng đến những thủ phạm phổ biến hơn là dị ứng, hen suyễn, trào ngược dạ dày… đấy!

Nguy hiểm hơn, các bạn vốn có tiểu sử bị bệnh hen hay dị ứng ban đêm còn có thể phát bệnh do bị tăng viêm và hẹp đường hô hấp ngay trong khi ngủ dẫn đến tỉnh giấc trong mệt mỏi và hoang mang nữa cơ!

Ngoài ra, việc mơ thấy ác mộng khủng khiếp cũng là một trong những lí do phổ biến gây nên hiện tượng giật mình tỉnh giấc cho chúng mình. Những cơn ác mộng thường tấn công thần kinh của teens chỉ ngay trong vài giờ đầu tiên sau khi các ấy đi vào giấc ngủ thôi.

Ngủ mở mắt

Tật ngủ mở mắt chỉ xuất hiện ở một số ít teens. Nó không đơn thuần là một hiện tượng lạ trong giấc ngủ mà còn là bệnh lý nên trạng thái này về lâu dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến mắt. Đặc điểm cấu tạo đặc biệt của mắt là cần phải được cung cấp nước liên tục nhờ hoạt động chớp mắt. Tuy nhiên khi ngủ mà mắt không nhắm được, nghĩa là không có hiện tượng chớp thì điều này đồng nghĩa với việc các ấy sẽ phải đối mặt với tình trạng mắt bị khô, mờ đục hoặc loét giác mạc và làm ảnh hưởng đến thị lực.

Nguyên nhân gây bệnh có thể là do rối loạn về giấc ngủ (nguyên nhân tâm thần) hoặc do teo hay liệt vận động cơ mặt - vai - cánh tay ở thể bán phần (nguyên nhân thần kinh cơ) đấy teens ạ!

Chân tay không yên

Có một số teens tuy đã ngủ nhưng chân tay vẫn chuyển động một cách vô thức và làm các động tác như co giật hoặc đá chân, múa tay loạn xạ khắp 4 phương 8 hướng thì có thể các ấy đã mắc phải hội chứng chân tay không yên hay một căn bệnh có liên quan đến rối loạn chuyển động chân tay.

Nguyên nhân cụ thể là do di truyền hoặc thiếu sắt, acid folic và một loại hóa chất quan trọng trong não có tên dopamine. Cách giải quyết là teens nên đi xét nghiệm máu để xác định hàm lượng sắt, hay folic acid để kịp thời bổ sung nếu cần thiết. 

Trong trường hợp bệnh nhẹ thì teens có thể tự massage chân hoặc chườm nóng trước khi đi ngủ thì chỉ sau vài tháng bệnh sẽ thuyên giảm thôi. Nhưng nếu bệnh đã bước vào giai đoạn nghiêm trọng thì các ấy phải nhớ điều trị bằng thuốc đấy nhé!