Sự "hoàn hảo" không trọn vẹn của giáo dục Nhật Bản: Những vụ tự tử thương tâm do áp lực học đường

Mạnh Quân, Theo Helino 00:36 10/01/2019

Trường học ở Nhật Bản được người ta ví như một nồi áp suất. Bực dọc, ganh đua, khó chịu trong việc học nên học sinh Nhật phải tìm cách nào đó để giải toả chúng. Và họ chọn cách đánh bạn bè của họ, hành hạ những kẻ yếu thế hơn.

Cái gì hoàn hảo quá sẽ không tốt!

Người ta vẫn thường ca ngợi Nhật Bản với một nền giáo dục hoàn hảo đỉnh cao. Từ những điều nhỏ nhặt như học sinh không cần làm bài tập về nhà cho đến năm 10 tuổi, phần lớn trường học không thuê lao công mà để các em tự dọn dẹp để ý thức hơn về môi trường, biết tôn trọng công việc của người khác và thành quả lao động của bản thân... đến những chính sách lớn lao của chính phủ nhằm tạo ra một nền giáo dục văn minh, tiến bộ, là mơ ước, khát khao của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng, đằng sau sự hoàn hảo đó là những mặt tối, là những điều dị thường ít ai biết. Nhật Bản là một trong những nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới, và bắt nạt trong trường học, áp lực học hành, lo lắng về điểm số, tương lai là những nguyên nhân chính dẫn đến tự tử, bên cạnh áp lực công việc.

Sự hoàn hảo không trọn vẹn của giáo dục Nhật Bản: Những vụ tự tử thương tâm do áp lực học đường - Ảnh 1.

Bạo lực học đường ở Nhật còn được gọi là Ijime

1/9 hàng năm là ngày ám ảnh kinh hoàng của Nhật Bản vì số vụ tự tử tăng đột biến

Theo hàng loạt số liệu nghiên cứu, học sinh Nhật Bản thường tự tử vào ngày 1/9 hàng năm. Do đây là ngày đầu tiên bắt đầu năm học mới sau khi kì nghỉ hè kết thúc. Nhà trường thường "ưu tiên những hành vi mang tính khuôn mẫu", những ai không theo kịp với nhóm, với những điều nhà trường đặt ra sẽ bị bỏ lại, tạo ra tâm lý tự ti, cảm thấy mình thấp kém và suy nghĩ lệch lạc.

Trong số các nguyên nhân tự tử của học sinh, lo lắng cho tương lai là một trong những nguyên nhân phổ biến. Ở một đất nước kỷ luật luôn đặt lên hàng đầu, mọi thứ phải yêu cầu hoàn hảo, học sinh càng phải gồng mình lên chống chọi lại với những áp lực điểm số, thi cử từ chính cha mẹ, thầy cô, bạn bè và ngay cả chính mình.

Bên cạnh đó, nhiều học sinh còn chọn cách tự tử vì những ngày tháng đi học của họ là ám ảnh kinh hoang vì bị bắt nạt.

Tính đến cuối tháng 3/2018, có tất cả 414.378 trường hợp bắt nạt học đường tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng như các trường tư thục trên toàn nước Nhật, tăng đến tận 91.235 trường hợp so với cùng kì năm trước.

Hậu quả của bắt nạt học đường quá kinh khủng đối với nhiều gia đình. Con em họ phải sống trong những ngày tháng u uất mà chính họ chẳng hề hay biết. Buổi sáng trước khi chào bố mẹ đến lớn, những đứa con vẫn tỏ ra vui vẻ để bố mẹ yên lòng, nhưng khi đến trường, chúng lại mang bộ mặt sợ hãi, vì bất cứ lúc nào cũng có người sẵn sàng đánh đập chúng, dù chúng chẳng làm gì. Càng tỏ ra sợ, học sinh Nhật càng dễ bị bắt nạt và những kẻ có máu bắt nạt người khác trong người lại càng thích hành hạ.

Nhiều trường hợp bắt nạt học đường rất nghiêm trọng dẫn đến việc các nạn nhân bị tổn thương nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần. Số lượng học sinh Nhật bị ảnh hưởng thể xác và tâm lý năm 2018 lên đến 474, tăng 78 trường hợp so với năm 2017.

Dữ liệu từ Cục Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản cho thấy 320 học sinh ở 3 cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông tự sát trong năm 2016.

Trong đó, cái chết của 116 em liên quan trường học (gồm 34 trường hợp tự tử vì điểm kém và 6 do bị bạn học bắt nạt), 75 em xuất phát từ vấn đề gia đình và 25 em do quan hệ cá nhân.

Sự hoàn hảo không trọn vẹn của giáo dục Nhật Bản: Những vụ tự tử thương tâm do áp lực học đường - Ảnh 2.

Limit - bộ phim học đường nhưng không hề nhẹ nhàng, nó phản ánh sự phân biệt đối xử tàn nhẫn giữa các học sinh và nạn bạo lực học đường được che giấu sau những gương mặt thiên thần.

Những cái chết thương tâm của con trẻ do bắt nạt học đường, cha mẹ chẳng có cơ hội gặp con lần cuối

Trường học ở Nhật Bản được người ta ví như một nồi áp suất. Bực dọc, ganh đua, khó chịu trong việc học nên học sinh Nhật phải tìm cách nào đó để giải toả chúng. Và họ chọn cách đánh bạn bè của họ, hành hạ những kẻ yếu thế hơn.

Năm 1997 ở Kobe đã từng có trường hợp 1 học sinh 14 tuổi tấn công bốn nữ sinh bằng hung khí, sau đó cắt thi thể và vứt ở cổng trường với mảnh giấy "Đây mới chỉ là bắt đầu của cuộc chơi". Sự kiện chấn động này đã buộc chính phủ Nhật phải thay đổi độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của trẻ từ 16 xuống 14 vào năm 2001.

Một nữ sinh khác là Kasumi tự tử vào năm 1998, chỉ sau 3,5 tháng trở thành học sinh trung học. Trước đó, cô tâm sự với cha mẹ mình có mâu thuẫn với một số bạn học. Bà Midori đã tới trường con gái 12 lần để phản ánh vấn đề này.

Tuy nhiên, sau khi Kasumi chết, nhà trường khẳng định không có hành động bắt nạt nào diễn ra trong khuôn viên của họ. 49 ngày sau cái chết của Kasumi, ông bà Komori chuẩn bị nhiều món ăn và mời bạn bè cùng lớp con gái tới nhà, nhưng không ai xuất hiện.

Sự hoàn hảo không trọn vẹn của giáo dục Nhật Bản: Những vụ tự tử thương tâm do áp lực học đường - Ảnh 3.

Cha mẹ của Kasumi

Cô gái 15 tuổi, Naoko Nakashima tự sát ngay trước ngày nhập học tại trường âm nhạc vào tháng 11/2015.

Cha mẹ cô - Junko và Takanobu - tìm thấy nhiều bằng chứng khiến họ tin rằng đứa con duy nhất của mình từng bị bắt nạt ở trường học. Trong túi áo đồng phục của con gái mẩu giấy có chữ "kusaya" (cá thối). Trong nhật ký, Naoko viết: "Tôi không muốn bị bắt nạt", "Tôi không muốn ở một mình".

Cuốn sổ lưu niệm tốt nghiệp trung học cơ sở của Naoko cũng lưu lại nhận xét của bạn học như "Tôi không thích cậu", "Cậu thật phiền phức" hay "Cậu là đồ dơ dáy".

Sự hoàn hảo không trọn vẹn của giáo dục Nhật Bản: Những vụ tự tử thương tâm do áp lực học đường - Ảnh 4.

Cha mẹ Naoko buồn bã ôm di ảnh của con gái mình

Thế nhưng đáng buồn thay, vào tháng 3/2016, Hội đồng Giáo dục thành phố Toride tuyên bố cái chết của Naoko Nakashima không liên quan đến việc bị bắt nạt ở trường. Hơn một năm sau, vào tháng 5/2017, cơ quan này mới công nhận bắt nạt học đường là nguyên nhân khiến Naoko chọn cách quyên sinh.

Năm 2011, một học sinh mới 8 tuổi, chuyển tới một trường học mới tại Yokohama. Em bị các bạn cùng lớp gọi là mầm bệnh phóng xạ, bị ăn cắp đồ đạc, bị đánh, đấm và xô ngã xuống cầu thang những lúc vắng người. 3 năm sau, những đứa bé bắt nạt em còn trấn lột tiền của em vì cho rằng gia đình em được bồi thường sau thảm họa, khiến cho cậu bé phải lấy trộm 13.000$ của gia đình cống nộp cho bạn học.

Tháng 10/2011, một nam sinh 13 tuổi tại tỉnh Shiga đã nhảy từ tầng 14 tòa nhà nơi em ở để tự tử vì không chịu nổi sự bắt nạt của 3 bạn học cùng lớp trước sự làm ngơ của giáo viên chủ nhiệm. Không ngày nào em không nghĩ tới chuyện tự sát do bị bạn ép buộc vào trò chơi "giả tự sát". Ngoài ra em còn bị các bạn đánh đập, bắt ăn xác ong chết, cưỡng ép ăn trộm đồ ở siêu thị…

Tháng 2/2016, một học sinh trung học đã tự tử do bị bắt nạt một thời gian dài tại trường học, với các hình thức bị bắt nạt tập thể như bị gọi tên và bị cô lập khỏi lớp.

Một nữ sinh 13 tuổi khác cũng đã tự tử bằng cách nhảy ra trước đoàn tàu hỏa. Em quyết định tìm đến cái chết sau hơn một năm bị bạn cùng lớp bắt nạt. Ở lớp, cô bé bị gọi bằng những cái tên như "thú nuôi" hay liên tục bị bạn bè kêu chết đi.

Các chuyên gia và giới chức trách cho biết vấn đề bạo lực học đường nghiêm trọng hơn tại Nhật Bản do nét văn hóa truyền thống mang tính thủ cựu, đề cao tính nhất quán. Những cái tôi khác biệt thường bị đem ra chế giễu và trở thành đối tượng bị bắt nạt. Vấn đề bắt nạt tại Nhật Bản khác so với các nước khác ở điểm học sinh Nhật Bản thường bắt nạt bạn bè theo từng nhóm, chứ không phải vài người.

(Tham khảo: Japan Times, Japan today, Telegraph, Economist)

Thăm dò ý kiến

Học sinh có nhất thiết phải chịu áp lực để học tốt?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.