"Ngày đèn đỏ" - cơn ác mộng với các VĐV nữ

Trâm Phạm, Theo Trí Thức Trẻ 00:17 27/01/2015

Sau trận thua bất ngờ tại vòng 1 Úc mở rộng, tay vợt nữ số 1 nước Anh Heather Watson đã đổ lỗi cho... “chuyện con gái”.

Sau trận thua bất ngờ tại vòng 1 Úc mở rộng, tay vợt nữ số 1 nước Anh Heather Watson đã đổ lỗi cho việc cô đang ở trong những "ngày đèn đỏ" của con gái. Kể từ đó, giới mộ điệu bắt đầu bàn ra tán vào về chủ đề này của phái nữ cũng như những ảnh hưởng của nó đối với các VĐV chuyên nghiệp. 

"Ngày đèn đỏ" - cơn ác mộng với các VĐV nữ 1
Heather Watson bị loại ngay tại vòng 1 giải Úc mở rộng hồi đầu tuần vừa qua. 

“Ngày đèn đỏ” có phải là vấn đề đối với những VĐV nữ hay không? Nó có ảnh hưởng đến thành tích thi đấu của họ không? Tờ BBC đã có cuộc trò chuyện với cựu VĐV điền kinh Paula Radcliffe, nữ nam tước Tanni Grey-Thompson (VĐV khuyết tật vĩ đại nhất nước Anh) và giáo sư John Brewer để tìm hiểu thêm về vấn đề này. 

“Thật đáng sợ khi phải thi đấu trong ngày đèn đỏ"

VĐV chạy cự li trung bình Jessica Judd nói rằng thời gian chạy của cô có thể chênh lệch 15 giây dựa trên giai đoạn trong “ngày đèn đỏ”. “Ở giải vô địch quốc nội, tôi chạy 3000 mét hết 9 phút 15 giây và cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Một tuần sau đó, tại giải Birmingham Grand Prix, tôi chạy số mét tương tự nhưng chỉ mất 9 phút mà không cần tập thêm gì. Thật đáng sợ vì ngày đầu và ngày cuối có thể ảnh hưởng đến bạn nhiều như vậy”, dẫn lời VĐV 20 tuổi.  

"Ngày đèn đỏ" - cơn ác mộng với các VĐV nữ 2
VĐV điền kinh Jessica Judd. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng có cùng suy nghĩ với Jessica Judd. Vào buổi sáng chủ nhật ngày 13 tháng 10 năm 2002, “ngày đèn đỏ” của Paula Radcliffe bắt đầu. Đó là ngày mà Radcliffe phải thi đấu tại cuộc thi Chicago Marathon. Đó cũng chính là ngày mà nữ VĐV người Anh phá vỡ kỷ lục thế giới. 

Tôi cố vứt nó ra khỏi đầu và không để nó trở thành chướng ngại. Nó là một trong những thứ có thể trở thành vấn đề lớn nếu bạn suy nghĩ quá nhiều. Tôi đã phá kỷ lục thế giới nên nó không thể là vật cản được, nhưng chắc chắn nó là lý do khiến tôi bị đau bụng trong 1/3 chặng đường cuối của cuộc đua và không cảm thấy thoải mái như bình thường”, Paula Radcliffe chia sẻ.  

"Ngày đèn đỏ" - cơn ác mộng với các VĐV nữ 3
VĐV điền kinh nắm giữ kỷ lục thế giới Paula Radcliffe. 

“Không có câu trả lời dễ dàng”

Có lẽ ít ai biết rằng, nhà cựu vô địch cầu lông thế giới Gail Emms thường dùng thuốc ngừa thai để điều chỉnh “ngày đèn đỏ” của mình. Sau khi Heather Watson đổ lỗi cho kinh nguyệt vì thất bại ở vòng 1 Úc mở rộng, Emms đã lên tiếng nhắc nhở Watson: “Là một VĐV, cơ thể của tôi phải ở trong trạng thái tốt nhất để thi đấu, và nếu điều đó có nghĩa là điều chỉnh kỳ kinh thì bạn bắt buộc phải làm điều đó”.
 
Tuy nhiên, cựu tay vợt số 1 nước Anh, Anne Keothavong lại cho rằng rất khó để VĐV thay đổi sự sắp đặt của “mẹ thiên nhiên”. “Là một VĐV tennis, hầu như mỗi tuần trong năm đều có giải đấu mới. Một mùa giải của chúng tôi rất dài, điều này là rất khó tránh khỏi”, Anne chia sẻ. 

"Ngày đèn đỏ" - cơn ác mộng với các VĐV nữ 4
Nhà cựu vô địch cầu lông thế giới Gail Emms từng dùng thuốc tránh thai để trì hoãn những "ngày đèn đỏ". 

Trong khi đó, Tanny Grey-Thompson, VĐV thành công nhất trong lịch sử Paralympic (Thế vận hội dành cho người khuyết tật), cũng sử dụng thuốc ngừa thai để tạm dừng “ngày đèn đỏ”. Về phần Paula Radcliffe, cựu VĐV điền kinh 41 tuổi thường uống thuốc trong 3 tuần đầu mùa giải để thay đổi thời hạn kỳ kinh của mình, nhằm đảm bảo rằng nó sẽ không xảy ra trong một cuộc đua lớn hay một giải vô địch quan trọng. 

Không có nghiên cứu và không có sự thấu hiểu

Khi biết “ngày đèn đỏ” của Jessica Judd sẽ trùng với ngày cô phải chạy 800 mét ở giải vô địch thế giới tại Moscow năm 2013, các bác sĩ đã cho nữ VĐV tuổi teen uống norethisterone, một loại thuốc viên hoóc môn có khả năng làm chậm nguyệt san. Kết quả, Judd dừng bước ở vị trí thứ 5 và không thể giành vé vào vòng Bán kết. Có lẽ những ai theo dõi Judd vẫn còn nhớ cô gái 18 tuổi đã suy sụp và khóc ngay trên sân như thế nào. Theo lời Paula Radcliffe, các bác sĩ đã “làm hại” Judd. 

"Ngày đèn đỏ" - cơn ác mộng với các VĐV nữ 5
“Tình huống tệ hại này đã dạy tôi nhiều thứ”, Jessica Judd nói về thất bại ở Moscow 2013.  

Họ đã đưa cho cô ấy nhầm thuốc. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi biết norethisterone chỉ làm mọi việc tệ hơn gấp trăm lần. Jo Pavey biết thế (Jo Pavey là nữ VĐV điền kinh người Anh nổi tiếng với việc giành HCV cự ly 10.000m tại giải vô địch châu Âu ở độ tuổi 40), người khác cũng biết thế, nhưng dường như không ai trong đoàn điền kinh nước Anh ghi lại thông tin này cả. Họ thử thứ thuốc ấy vì đó là điều mà y học chỉ bảo. Sau đó tôi đã can thiệp vào bảo họ đừng cho Jess hay bất cứ VĐV nào uống, tôi cũng đã chỉ cho Jess những gì tôi từng làm”, Paula Radcliffe kể lại.  
 
Các bác sĩ trong thể thao thường là đàn ông và họ không hiểu gì cả. Bạn cần thêm nhiều người phụ nữ hiểu rõ việc này để đưa ra thêm nhiều bằng chứng, thực hiện thêm nhiều cuộc nghiên cứu, bởi vì chỉ mới có một số ít VĐV nữ từng thử cách điều chỉnh kỳ kinh của mình mà thôi”. 

Uể oải, mệt mỏi và dễ dính chấn thương?

Năm 2009, Anne Keothavong trở thành VĐV nữ người Anh đầu tiên lọt vào top 50 thế giới sau 16 năm ròng rã, thế nhưng sự nghiệp của Anne lại bị “ám quẻ” bởi những chấn thương đầu gối xảy ra vào những ngày nguyệt san.  

Nó có ảnh hưởng đến bạn, chắc chắn là như thế. Tôi từng dính chấn thương dây chằng chữ thập chéo trước 2 lần và cả 2 đều xảy ra vào khoảng thời gian đó trong tháng”, nữ VĐV 31 tuổi cho biết, “Đây là vấn đề riêng tư đối với mọi VĐV và không thể dùng làm cớ biện minh, nhưng mà sự thật là nó có gây ra ảnh hưởng”.  

"Ngày đèn đỏ" - cơn ác mộng với các VĐV nữ 6
Tay vợt Anne Keothavong.

John Brewer, giáo sư của ngành Khoa học thể thao tại Đại học St Mary’s, nói rằng có bằng chứng cho thấy phụ nữ dễ dính chấn thương vào những thời điểm khác nhau của kỳ kinh hằng tháng. “Có một vấn đề là bạn dễ dính chấn thương bởi vì lượng oestrogen đạt mức cao nhất trong lúc rụng trứng, chính điều này đã khiến các gân và dây chằng trở nên lỏng lẻo”, giáo sư Brewer giải thích.  
 
Trong kỳ nguyệt san, các VĐV nữ có thể bị mất sức nếu khí hậu quá nóng và ẩm ướt, lý do là vì mất cân bằng hoóc môn có thể khiến nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ. Dù vậy, việc này vẫn có biện pháp giải quyết. Một số cách giúp làm giảm tác động của cái nóng bao gồm cung cấp nước trước và sau khi luyện tập, uống nước chứa chất điện phân để đảm bảo chất lỏng được hấp thu.

Nguồn: BBC.