Nếu cho Công Phượng 1 điều ước?

Thiên Vũ , Theo Trí Thức Trẻ 09:02 25/03/2015

Ngày mới vào học viện HAGL Arsenal JMG, với dòng chữ nguệch ngoạc trên tờ giấy nhỏ xíu, Công Phượng đã ước sau này sẽ trở thành cầu thủ như Văn Quyến, Công Vinh. Nhưng giờ đây, nếu hỏi Phượng thì chắc hẳn anh chỉ muốn mình đừng nổi tiếng sớm thế.

Ước mơ ngày ấy

Những ngày đầu mới tuyển sinh vào học viện HAGL JMG năm 2007, Công Phượng ngay lập tức trở thành cái tên gây chú ý.  HLV Graechen nhớ lại lúc đó Phượng là cầu thủ gây ấn tượng nhất với ông. Trong bài tập 1 chọi 1, cầu thủ này làm động tác qua người cực nhanh mà vẫn còn dư thời gian dẫn bóng đến cầu môn sau đó làm động tác nằm sấp, ngoáy cổ, dùng đầu ghi bàn một cách điệu nghệ. 

Công Phượng thể hiện bài thi tuyển sinh vào học viện HAGL JMG. Ảnh: M.T

Thời điểm đó, một phóng viên ở TPHCM đưa cho 14 em trúng tuyển 14 tờ giấy trắng để ghi vào đó ước mơ của mình. Phóng viên đã đặc biệt để ý đến Công Phượng, cầu thủ xứ Nghệ duy nhất trúng tuyển. Trên tờ giấy trắng ấy, với vài dòng chữ nguệch ngoạc, Phượng đã ghi rằng: "Mong muốn sau này trở thành cầu thủ khoác áo ĐTQG như Văn Quyến, Công Vinh". 

2 năm sau (2009), Công Phượng tiếp tục trở thành cầu thủ nổi bật nhất và là 1 trong 2 người của Học viện HAGL JMG bên cạnh Tuấn Anh được sang châu Phi cùng với những học viên xuất sắc nhất của Học viện JMG toàn cầu. Thời điểm đó, trả lời báo chí, HLV Graechen tin tưởng Công Phượng chắc chắn sẽ trở thành ngôi sao sáng nhất Việt Nam trong tương lai. 

Dẫu vậy, dù được coi là "anh cả" trong Học viện (được xỏ giày đầu tiên), và nhiều đồng đội ngưỡng mộ, nhưng đến đầu năm 2013, thời điểm mà Học viện HAGL "sắp" trình làng, người ta vẫn thấy Công Phượng đến sân Pleiku tìm mua áo của Công Vinh để vào cổ vũ SLNA trong trận đấu giữa HAGL và SLNA. 

Lúc ấy, ước mơ của Công Phượng vẫn chỉ là mong một ngày được sánh vai với thần tượng của mình. 

Cuối năm 2014, người viết gặp Công Phượng tại lễ nhập học vào trường Đại học Sư phạm TPHCM. Khi hỏi em về chuyện học hành cũng như những đam mê khác. Phượng bảo: "Em chẳng thích gì cả, ngoài bóng đá". Thậm chí, Phượng thừa nhận, mình thường xuyên trốn học và có điểm thi tốt nghiệp rất thấp. 

Tất cả những chi tiết trên đều đến trước khi Công Phượng nổi tiếng. Và tất cả đều cho thấy một Công Phượng rất bình thường, giản dị. Thậm chí, ngay cả bản thân Phượng cũng chưa bao giờ đề cao mình và mơ ước đến một điều gì đó quá lớn lao. 

Bây giờ Phượng ước gì? 

Quay ngược thời gian từ ngày mới vào Học viện cũng như quá trình phát triển của Công Phượng, có thể thấy ngay từ đầu cầu thủ này đã thể hiện được những phẩm chất kỹ thuật bẩm sinh. 

Tức là thuộc tài năng hiếm có của bóng đá Việt Nam, đấy là điều không thể phủ nhận. Nhưng kể từ ngày tài năng ấy bắt đầu phát "lộ" cũng là lúc, Phượng thay vì tiếp tục phát triển nữa thì lại phải gồng mình để tìm lại chính mình. 

Kể từ thời điểm cuối năm 2014 đến nay, sau bàn thắng vào lưới đội tuyển Úc, hành trình của Công Phượng chỉ là đi tìm lại những gì của những năm trước. Trong khi, lẽ ra anh cần phải học tập, tích lũy kinh nghiệm và tiến bộ hơn nữa. 

Thay vì tiếp tục phát triển và tiến bộ hơn, Công Phượng lại đang phải đi tìm lại chính mình.

Rất nhiều thời điểm Công Phượng vào sân thi đấu không phải là thể hiện niềm đam mê với trái bóng nữa mà hình như là để trình diễn thứ bóng đá đẹp làm màn nhãn một số người yêu cầu phải như thế. 

Ngay cả khi lên đội tuyển Olympic Việt Nam dưới thời HLV Miura, thì mỗi khi bước ra sân, mỗi khi chuẩn bị đón bóng, chạm bóng, trong đầu Công Phượng luôn ám ảnh bởi những suy nghĩ nên đi bóng hoặc chuyền bóng. Sự lúng túng ấy đã đánh mất sự tự tin của một tài năng trẻ, và khi tự tin đã mất, dễ hiểu khi bóng cứ đến chân Công Phượng thì anh lại xử lý hỏng, trong đó có những pha xử lý thiếu căn bản mà người ta không thể tưởng tượng nổi.

Bây giờ, nếu cho Phượng một điều ước, có lẽ anh mong muốn được ra sân để đá với đúng ước mơ ngày đầu của mình: thoải mái chơi bóng bằng đam mê. Chỉ có như thế, tự khắc Phượng sẽ hiểu mình nên làm gì với trái bóng mỗi khi sở hữu bóng trong chân, thay vì lưỡng lự  không biết làm gì như bây giờ. Để thực hiện điều ấy có vẻ rất dễ, nhưng cả một hành trình đầy gian nan mà trong đó yếu tố thời điểm, thậm chí cả may mắn tác động đến. 

Và biết đâu đấy, ở một giải đấu chính thức trong màu áo Olympic Việt Nam đầu tiên, Công Phượng sẽ tự tìm được lời giải cho mình.