Sôi động cuộc đua lên Mặt Trăng

VTV Digital, Theo VTV News 22:29 26/08/2023

VTV.vn - Cuộc chạy đua quyết liệt lên Mặt Trăng đang diễn ra giữa các quốc gia.

Sự kiện nóng nhất mới đây là việc Ấn Độ thành công đưa tàu thám hiểm đáp xuống cực Nam của Mặt Trăng và ghi tên mình vào lịch sử hàng không vũ trụ.

Bằng những tiến bộ khoa học vượt bậc, các nhà khoa học Ấn Độ đã nối tiếp hành trình chinh phục Mặt Trăng, trước đó đã ghi dấu ấn của Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc

Ngoài ra, Nga - quốc gia kế thừa Liên Xô, cũng đã cố gắng phóng tàu vũ trụ thám hiểm lên Mặt Trăng lần đầu tiên sau 47 năm, trong khi Nhật Bản, Israel cũng nỗ lực tham gia cuộc đua, dù chưa thành công. Có thể thấy đây là một cuộc đua sôi động. Nước nào chưa đặt chân tới rất quyết tâm, còn những nước nào đã thành công đặt chân lên Mặt Trăng, vẫn cam kết sẽ quay trở lại.

Không chỉ sôi động, nó còn tốn kém. Theo số liệu từ IMF, trong năm 2022, Mỹ đang dành ra 0,28% GDP vào ngành hàng không vũ trụ, theo sau là Nga, với 0,15% GDP, tới Pháp và Nhật Bản khoảng 0,1% GDP. Ấn Độ khoảng 0,04% GDP, khiêm tốn hơn nhưng cho thấy hiệu quả. Khi chiến dịch thám hiểm Chandrayaan-3 mới đây chỉ tốn 75 triệu USD đã làm nên lịch sử.

Sôi động cuộc đua lên Mặt Trăng - Ảnh 1.

Hình ảnh mặt trăng được tàu không gian Chandrayaan-3 của Ấn Độ chụp hôm 5/8. (Ảnh: Reuters)

Còn choáng ngợp nhất phải kể tới ngân sách 93 tỷ USD của NASA đổ vào chương trình thám hiểm Mặt Trăng Artemis từ nay tới năm 2025.

Kho tài nguyên khổng lồ trên Mặt Trăng

Cuộc đua lên Mặt Trăng là một trong những khát vọng lớn lao của nhân loại và là một cuộc đua ngốn nhiều tiền của. Tại sao phải lên Mặt Trăng, nhất là khi phải chi nhiều tiền tới vậy? Trên Mặt Trăng có gì khiến con người phải khao khát?

Trong thế kỷ 20, các cuộc chạy đua lên Mặt Trăng chủ yếu bị chi phối bởi các nhu cầu về chính trị, an ninh - quân sự.

Tuy nhiên sang thế kỷ 21, các nhu cầu về kinh tế đang ngày càng trở nên quan trọng hơn, thúc đẩy các quốc gia cạnh tranh quyết liệt khi chạy đua tới Mặt Trăng.

Theo đánh giá, kho tài nguyên trên Mặt Trăng có thể đạt giá trị hơn 1 triệu tỷ USD. Ngoài đất hiếm, Mặt Trăng còn có nhiều khoáng chất khác, bao gồm bạch kim, palladium, rhodium, titan...

"Tôi tin rằng một mục tiêu khác, Ấn Độ sẽ làm trong thời gian rất gần, đó là họ sẽ nỗ lực đưa những mẫu vật từ Mặt Trăng về Trái đất để phân tích, đánh giá, qua đó có thể đưa ra những kết luận về khả năng khai thác tài nguyên trên bề mặt Mặt Trăng. Chúng ta biết rằng là nhiều ngành công nghệ cao đang phụ thuộc vào những nguồn nguyên liệu bị hạn chế bởi các nước. Vậy nên các nước lớn bây giờ đang có tìm kiếm những nguồn nguyên liệu đó ở các khu vực ngoài Trái đất, ví dụ như Mặt Trăng. Ngoài ra, họ còn hướng tới tìm kiếm những đồng vị mới của các nguyên tố quan trọng liên quan đến lĩnh vực năng lượng hạt nhân", PGS. TS. Nguyễn Xuân Mừng, Bộ môn Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ, Đại học Sejong, Seoul, Hàn Quốc, cho biết.

Một tài nguyên khác được dự báo có thể gây ra cơn sốt với các quốc gia là nguồn tài nguyên nước quý giá ở cực Nam của Mặt Trăng. Một số ước tính cho rằng, nguồn nước vô cùng dồi dào này có giá trị ở mức hơn 200 tỷ USD. Ngoài ra, lượng khí heli của Mặt Trăng cũng có trị giá 1,5 triệu tỷ USD.

"Các nước lớn ngày nay khi đổ bộ vào Mặt Trăng đã chọn vị trí gần cực nam của Mặt Trăng là nơi được cho là có nước ở dạng băng. Chúng ta biết rằng nước là mầm mống của sự sống với mục tiêu họ có thể dùng nước ở đó để tổng hợp nhiên liệu phục vụ cho hoạt động của chính những tàu đổ bộ. Nhiều nước còn đang hướng tới những cái vị trí thuận lợi khác để họ sử dụng là vị trí phóng trung gian cho các tàu vũ trụ thăm dò không gian sâu. Ngoài ra, nếu họ có thể tổng hợp được nhiên liệu trên Mặt Trăng thì các con tàu vũ trụ thăm dò không gian sau khi hết nhiên liệu có thể quay về trên bề mặt của Mặt Trăng để tiếp nhiên liệu và sau đó tái phóng tại ngay trên bề mặt của Mặt Trăng", PGS. TS. Nguyễn Xuân Mừng, Bộ môn Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ, Đại học Sejong, Seoul, Hàn Quốc, cho biết thêm.

28 quốc gia trên thế giới đã ký Hiệp định Artemis do Mỹ đứng đầu nhằm mục đích sử dụng không gian hòa bình và hợp tác. Hiệp ước quy định rằng không quốc gia nào có quyền tuyên bố chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ trên Mặt Trăng, nhưng nó không chỉ rõ nguyên tắc không chiếm đoạt được áp dụng như thế nào đối với tài nguyên không gian, chẳng hạn như quyền khai thác, sở hữu và sử dụng nước đóng băng trên Mặt Trăng.

Bên cạnh sự cạnh tranh, chính phủ các nước cũng có những sự hợp tác để đạt được mục đích chung. Ví dụ như việc Nga đã tuyên bố sẽ hợp tác với Trung Quốc trong chương trình khám phá Mặt Trăng, trong khi Nhật Bản và Ấn Độ cũng đã có những sự phối hợp tương tự.

Các công ty tư nhân và cuộc đua chinh phục không gian

Không chỉ các chính phủ, cuộc chạy đua lên Mặt Trăng nói riêng và khám phá không gian nói chung cũng đang chứng kiến sự tham gia đầu tư ngày càng mạnh mẽ của doanh nghiệp tư nhân. Dấu ấn của họ đang được thể hiện khá rõ nét trong những thành công của ngành công nghiệp vũ trụ Mỹ, hay mới đây là Ấn Độ.

Ngay từ năm 2020, Ấn Độ đã tư nhân hóa các vụ phóng tàu vào không gian, và bắt đầu gặt hái những kết quả tích cực. Thành công vang dội vừa đạt được trên Mặt Trăng có sự góp sức của hàng chục công ty tư nhân. Ví dụ như Godrej & Boyce - công ty có trụ sở tại Mumbai đã cung cấp hàng loạt bộ phận quan trọng cho sứ mệnh Chandrayaan 3.

"Chúng tôi chế tạo động cơ tên lửa cho các bệ phóng, và cả bộ đẩy vệ tinh. Ngoài ra, chúng tôi chế tạo các ăng-ten cho trạm mặt đất. Đó là những gì Godrej đã và đang làm trong suốt một thời gian dài. Chúng tôi đã liên kết với hầu hết mọi dự án của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ", ông Anil Verma, Giám đốc điều hành, Công ty Godrej & Boyce, cho hay.

Sôi động cuộc đua lên Mặt Trăng - Ảnh 2.

Hình ảnh đồ họa mô tả các phi hành gia làm việc trên Mặt Trăng. (Ảnh: NASA)

Trước đó, Mỹ là quốc gia đi đầu trong việc tư nhân hóa ngành công nghiệp vũ trụ. Ngay từ đầu những năm 2000, những tên tuổi như SpaceX, Blue Origin hay Virgin Galactic đã nghiêm túc đầu tư cho các dự án không gian, với số tiền lên tới nhiều tỷ USD.

Các thành tựu đáng chú ý có thể kể đến dự án đưa người lên trạm vũ trụ ISS của SpaceX, dự án vệ tinh Starlink, hay các chuyến du lịch không gian. Ưu tiên về lợi nhuận kinh tế sẽ là điểm khác biệt lớn giữa dự án không gian của các công ty tư nhân, so với các chương trình của chính phủ, vốn chú trọng nhiều vào các mục tiêu khoa học, hay an ninh quốc phòng.

"Ngày nay, các công ty tư nhân hướng tới lợi nhuận, các mảng ứng dụng dân sự và trải nghiệm của con người. Sự tham gia của các công ty tư nhân đang rất mạnh mẽ làm cho cuộc đua không gian trở nên khốc liệt, đồng thời làm đa dạng và sinh động các chương trình không gian", PGS. TS. Nguyễn Xuân Mừng, Bộ môn Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ, Đại học Sejong, Seoul, Hàn Quốc, thông tin.

NASA ước tính, việc cho các công ty tư nhân tham gia lĩnh vực vũ trụ sẽ tiết giảm chi phí đưa con người vào không gian từ 4 - 10 lần so với trước đây. Các chuyên gia nhận định, việc tham gia của khối tư nhân với tiềm lực hùng hậu và những ý tưởng đột phá đã và đang thúc đẩy một cuộc cách mạng trong cuộc đua thám hiểm không gian.