Ra công viên để "bắt Pokemon", hai người bạn kinh ngạc khi chứng kiến hiện tượng tự nhiên kỳ thú bậc nhất

Nam Thanh, Theo Helino 08:06 08/04/2018

Đó là cuộc "đại di cư" của hàng triệu con nhện nhỏ, sử dụng những mạng nhện mong manh trong không khí để dọn nhà, chuyển quân. Chớ nhìn vậy mà coi thường, hàng triệu cá thể nhện có thể phủ kín cả một công viên, gói gọn nhiều cây cổ thụ, thậm chí di chuyển tới 1.600 km chỉ bằng tơ nhện đấy.

Đối với nhiều người, trong đó có Ron Weasley, nhện là nguồn cơn gây ra nỗi sợ hãi thứ thiệt. Nếu nội việc nhìn thấy một con nhện có thể làm cho một người sợ dựng tóc gáy, vậy hãy tưởng tượng hàng triệu con nhện cùng lúc sẽ làm người ta có thể sợ hãi tới mức nào?

Hơn một năm trước, hàng triệu con nhện nhỏ đã di cư tới một công viên ở Úc và phủ kín nơi đây bằng tơ nhện và tạo ra một hiện tượng tự nhiên có tên "ballooning".

Năm 2016, khi Leslie Anne Schmidt và một người bạn tới một công viên ở Úc để bắt Pokemon (thật luôn, không đùa! Nhưng dĩ nhiên là trong trò chơi điện tử mà thôi), họ bàng hoàng nhận ra cả công viên đã bị giăng kín bởi mạng nhện. Trong một khoảnh khắc, hai người đã nghĩ rằng mình sẽ bắt được một con Spinarak, thế nhưng thực sự thì, công viên này đã bị gói gọn trong động bàn tơ từ những khoảnh đất thấp cho tới khu vực đồi cao bởi tơ của hàng triệu con nhện.

Ra công viên để bắt Pokemon, hai người bạn kinh ngạc khi chứng kiến hiện tượng tự nhiên kỳ thú bậc nhất - Ảnh 1.

Thay vì một con Spinarak...

Ra công viên để bắt Pokemon, hai người bạn kinh ngạc khi chứng kiến hiện tượng tự nhiên kỳ thú bậc nhất - Ảnh 2.

Thì Leslie và bạn đồng hành lại lạc trôi về Động Bàn Tơ trong Tây Du Ký luôn.

Công viên này nằm ở Yinnar, một thị trấn nông thôn ở trung tâm Gippsland, Victoria, Úc. Theo Leslie Anne Schmidt, cô và người bạn của mình thực ra đang cố bắt Meowth, một Pokemon khác trong trò chơi điện tử cùng tên làm mưa làm gió vào năm 2016, và thay vào đó, họ lại được thấy cảnh tượng kỳ thú này. Trên thực tế, loài nhện thường làm như thế này để trốn khỏi lũ lụt, nước dâng hoặc phân tán dân số tới một địa điểm mới sau khi sinh nở. Quả nhiên, những gì kỳ thú nhất của giới tự nhiên đều xảy ra ở Châu lục lạ lùng này.

Hiện tượng Ballooning, còn được gọi là "kiting" - là tập tính của nhiều loại nhện có kích thước nhỏ. Chúng sẽ phóng tơ ra trong không khí, sau đó liên tục dệt những lớp tơ của mình một cách dày đặc. Lớp tơ này không được sinh ra với tác dụng bắt mồi mà chủ yếu để loài nhện này thực hiện công cuộc "đại di cư" với số lượng cá thể có thể lên tới cả triệu con.

Ra công viên để bắt Pokemon, hai người bạn kinh ngạc khi chứng kiến hiện tượng tự nhiên kỳ thú bậc nhất - Ảnh 3.

Hiện tượng "balooning" ở nhện.

Về cơ bản, loài nhện sử dụng cách này để di chuyển tới những địa điểm mà chúng không thể tiếp cận được bằng đường đất liền. Lớp tơ mỏng, nhẹ và siêu dài của chúng sẽ nương theo không khí và kết thành mạng lưới dày đặc, đôi khi có thể dài tới...1.600 km. Hàng triệu cá thể nhện cũng có thể duy trì sức sản xuất tơ nhện trong 25 ngày di cư ròng rã.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên hiện tượng di cư của loài nhện được bắt gặp với quy mô đáng sợ như thế này. Vào tháng Ba năm 2012, hàng triệu con nhện ở miền Nam Tablelands, Úc đã di cư đến vùng nông thôn Wagga Wagga, New South Wales, Australia cũng bằng phương pháp gieo lưới này. Nhiều cuộc di cư của nhện cũng đã được phát hiện trên toàn cầu, đặc biệt là ở Mỹ và Anh Quốc. Một ví dụ khác được ghi nhận là vào năm 2010, khi các cây cối trong làng Sindh, Pakistan bị gói gọn trong mạng nhện như những cây kẹo bông sau những đợt gió mùa và lũ lụt tràn ngập ở khu vực này.

Ra công viên để bắt Pokemon, hai người bạn kinh ngạc khi chứng kiến hiện tượng tự nhiên kỳ thú bậc nhất - Ảnh 4.

Những cây kẹo bông khổng lồ được làm từ... tơ nhện.

(theo Unbelieveable-facts)