Phụ huynh phản đối cho con ăn ở trường Đoàn Thị Điểm Ecopark vì nghi thực phẩm không đảm bảo vệ sinh

Định Nguyễn, Theo Thời Đại 15:52 17/04/2017

Cho rằng bếp ăn bán trú tại Trường phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark (Hưng Yên) không đảm bảo vệ sinh ATTP, chất lượng thực phẩm, đầu vào không rõ nguồn gốc, nhiều phụ huynh đã lên tiếng đề nghị nhà trường bỏ quy định bắt buộc học sinh phải ăn tại trường.

Phụ huynh học sinh phản ánh thực phẩm nhà trường sử dụng không rõ ràng

Mới đây, trên facebook một phụ huynh đăng tải nội dung phản ánh về việc nhiều phụ huynh học sinh tại Trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark bức xúc, lo lắng cho sức khỏe của các con khi ăn bán trú tại trường. Nhiều phụ huynh cho rằng, khi các con ăn ở trường về có biểu hiện đau bụng, nhiều cháu bỏ suất không ăn là do liên quan đến khẩu phần ăn mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước sự việc này, nhiều phụ huynh đã đề nghị nhà trường bỏ quy định bắt buộc học sinh phải ăn sáng và ăn trưa tại bếp ăn của nhà trường, thay vào đó phụ huynh sẽ cho con ăn sáng ở nhà và mang đồ ăn trưa đến trường. Tuy nhiên, mới đây nhất, phía nhà trường lại đề ra một thông báo đến tay các bậc phụ huynh trong năm học 2017 - 2018, học sinh bậc tiểu học muốn học ở trường phải ăn bữa sáng và bữa trưa đồng thời phải đóng phí giữ chỗ là 5 triệu đồng.

Phụ huynh phản đối cho con ăn ở trường Đoàn Thị Điểm Ecopark vì nghi thực phẩm không đảm bảo vệ sinh - Ảnh 1.

Một phụ huynh chia sẻ những lần kiểm tra bếp ăn bán trú tại Trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark không đảm bảo vệ sinh.

Phí giữ chỗ nộp trước 12/5 và nếu sau 15/7, cha mẹ không nộp phí giữ chỗ thì nhà trường sẽ trả hồ sơ học bạ khi năm học kết thúc. Nhiều cha mẹ học sinh đã không đồng tình với khoản đóng phí giữ chỗ này. Cũng theo phụ huynh này chia sẻ, nhật ký kiểm tra lần 1 vào ngày 14/3/2017, các phụ huynh đã kiểm tra thực phẩm đầu vào tại bếp ăn. Khi kiểm tra, mọi người phát hiện món gà chiên được nhập 3 lần từ 2 nhà cung cấp khác nhau. Trong đó, nhà cung cấp Q.T. không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Chị H.N, một phụ huynh có con đang theo học tại đây cho biết: "Khi sự việc chảo dầu đen diễn ra trong khu bếp bán trú tại trường, tôi cho rằng chảo dầu đó là do rán nhiều. Sự việc này đã nổi lên một thời gian, rồi lại chìm xuống. Mất niềm tin vào phía nhà trường nên tôi và nhiều phụ huynh khác đề ra kế hoạch âm thầm đi kiểm tra bữa ăn bán trú của các con".

Cũng theo phụ huynh này chia sẻ, khi đi kiểm tra, khay bánh mì trong tủ đông ghi ngày 7/3 và ngày 10/3. Tuy nhiên, lúc sau phụ huynh quay lại thì những khay bánh mì này đã " biến hóa" thành ngày 13/3. Trong bếp ăn, đồ sống, đồ chín lẫn lộn, nhà vệ sinh ẩm mốc, là nơi cư trú của ruồi muỗi. Trước những sự việc trên, các bậc phụ huynh đã phản ánh, làm việc với nhà trường đến 7h tối nhưng vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng, nhiều vấn đề đặt ra nhà trường không thể lý giải.

Phụ huynh phản đối cho con ăn ở trường Đoàn Thị Điểm Ecopark vì nghi thực phẩm không đảm bảo vệ sinh - Ảnh 2.

Bảng thông báo đóng tiền ăn bán trú và tiền giữ chỗ 5 triệu đồng gửi phụ huynh của Trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark.

Tiếp đến lần kiểm tra thứ 2 vào ngày 15/3/2017, sau một hồi đấu tranh, các bậc phụ huynh đã tiếp cận được khu vực bếp ăn bán trú của nhà trường. Tại đây, các phụ huynh nhận thấy rau cải, đồ ăn sáng của các con bị nhũn, hỏng mép, không ghi ngày xử lý, lưu trữ đã để sẵn trong tủ lạnh.

Dưa chuột thái hạt lựu từ ngày hôm trước không dùng hết vẫn lưu trữ lại tái sử dụng cho những ngày tiếp theo. Món cá chiên với nhiệt độ cao thấm dầu mỡ và chất tanh nghi không đảm bảo chất lượng, tại khu vực nấu ăn chuột vẫn lộng hành. Đến lần kiểm tra kế tiếp vào ngày 12/4/2017, phụ huynh phát hiện ra cá test có foocmon bị hủy. Tủ đông có khay thịt gà tồn từ ngày 11/4, trường nhập thịt lợn về thay thế.

Phụ huynh phản đối cho con ăn ở trường Đoàn Thị Điểm Ecopark vì nghi thực phẩm không đảm bảo vệ sinh - Ảnh 3.

Trường phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark

Thậm chí, trước đó khi phụ huynh kiểm tra nhà cung cấp Q.T. không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, nhà trường đã cam kết không nhập thực phẩm của nhà cung cấp này. Tuy nhiên, ngày hôm đó phụ huynh vẫn thấy nhà cung cấp này xuất hiện ở trường học. Khi các bậc phụ huynh thắc mắc thì được lý giải: "Q.T. cung cấp thực phẩm cho giáo viên ăn".

Sau khi những nội dung này chia sẻ, rất nhiều phụ huynh khác tỏ ra lo lắng và cho rằng bếp ăn của trường không cải thiện sẽ không tương xứng với số tiền ăn bán trú họ bỏ ra.

Ban Đại diện Hội cha mẹ học sinh của trường đã có văn bản yêu cầu nhà trường chấn chỉnh hoạt động bán trú, trong đó phải xây dựng quy trình sử dụng dầu, mỡ, quy định về số lượng thực phẩm trên một lượng dầu mỡ và thời gian sử dụng dầu mỡ khi chiên thực phẩm, vệ sinh sạch sẽ khu vực bếp, nhà ăn và có biện pháp ngăn ngừa côn trùng xâm nhập.

Nhà trường lên tiếng

Chiều 17/4, trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Thanh Bình, Chánh văn phòng Trường Phổ thông Đoàn Thị Điểm Ecopark cho biết, phía nhà trường đã nắm được sự việc. Về thông tin nhiều phụ huynh thắc mắc liên quan đến phí giữ chỗ năm học 2017-2018 là 5 triệu đồng, bà Bình cho biết, việc nhà trường thu khoản phí này để nắm được số lượng học sinh tiếp tục theo học, có dữ liệu để thực hiện công tác tuyển sinh năm học mới. 

"Việc áp dụng phí giữ chỗ là do các năm học trước, nhiều trường hợp học sinh bất ngờ xin chuyển trường không báo trước khiến nhà trường rơi vào tình thế bị động trong công tác tuyển sinh và xếp lớp. Sau khi học sinh đóng tiền học phí tháng đầu tiên, chúng tôi sẽ hoàn trả tiền phí giữ chỗ. Đây là năm đầu tiên nhà trường thực hiện vấn đề này, chúng tôi sẽ có thông báo đến phụ huynh học sinh về lãi suất khoản phí giữ chỗ theo lãi suất ngân hàng kỳ hạn 3 tháng", bà Bình cho biết. 

Về vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm nhiều phụ huynh phản ánh, bà Bình khẳng định 100% thực phẩm của nhà cung cấp chính và nhà cung cấp dự phòng được đưa vào trường đều có giấy chứng nhận VSATTP và sẵn sàng cung cấp các giấy tờ, văn bản để chứng minh.

Phụ huynh phản đối cho con ăn ở trường Đoàn Thị Điểm Ecopark vì nghi thực phẩm không đảm bảo vệ sinh - Ảnh 4.

Bà Bình thông tin về vụ việc

Về quy trình đặt mua thực phẩm, nhà trường đặt mua từ siêu thị Metro trước tối thiểu 15 tiếng. Do khối lượng đơn hàng lớn, một số mặt hàng tại siêu thị Metro không cung cấp đủ đơn hàng nên nhà trường đã gọi mua từ các nhà cung cấp dự phòng. Những cơ sở này có đủ hồ sơ về mặt pháp lý. 

Bà Bình cũng nhận thiếu sót trong công tác quản lý tại bếp và từng có buổi làm việc với phụ huynh học sinh vào thời điểm tháng 11, 12/2016, sau đó nhà trường đã cho thôi việc một cán bộ quản lý trực tiếp khu bếp ăn. 

Phụ huynh phản đối cho con ăn ở trường Đoàn Thị Điểm Ecopark vì nghi thực phẩm không đảm bảo vệ sinh - Ảnh 5.

Khu bếp ăn của trường Đoàn Thị Điểm

Trước đó, Đại diện Ban phụ huynh kiểm tra công tác bếp và bán trú tại Trường ngày 12/4. Phụ huynh nhận thấy trong tủ đông có khay thịt gà còn lại từ ngày 11/4, đại diện nhà trường cho biết, thực chất đây là 6kg thịt gà còn lại do ngày 11/4 có 31 học sinh nghỉ học nên số thịt mua không dùng hết. Số lượng thịt gà này được lưu trữ đúng quy định trong tủ đông, có ghi tem mác (tem mác ghi rõ thông tin: số học sinh nghỉ, chuyển chế biến cho giáo viên ngày 12/4). 

Ngày 12/4, thực đơn của học sinh toàn trường không có thịt gà. Đối với mặt hàng cá ngày 12/4, y tế nhà trường chủ động test ngẫu nhiên 3 mẫu cá trê, phi lê khi nhập sản phẩm. 

Phụ huynh phản đối cho con ăn ở trường Đoàn Thị Điểm Ecopark vì nghi thực phẩm không đảm bảo vệ sinh - Ảnh 6.

Các cô lao công đang tiến hành dọn dẹp phòng ăn

"Thông qua Kit kiểm tra KT04, cán bộ y tế phát hiện 01 mẫu có dấu hiệu bất thường về dư lượng foocmon. Cán bộ y tế đã báo cáo với Hiệu trưởng và Hiệu trưởng yêu cầu dừng sử dụng, niêm phong toàn bộ số cá đã nhập, gửi mẫu đi xét nghiệm chuyên sâu tại Viện Dinh dưỡng. Nhà trường đã lập biên bản trường hợp này và chủ động thông tin cho đại diện Ban phụ huynh trong buổi kiểm tra", bà Bình khẳng định. 

Sau khi niêm phong toàn bộ số cá, nhà trường đặt mua 130kg thịt lợn từ Metro, nhưng Metro không thể đáp ứng (do trường hợp đột xuất, không kịp đặt trước 15 tiếng), vì vậy nhà trường gọi mua thịt lợn từ nhà cung cấp dự phòng. Nhà cung cấp dự phòng mổ thịt tới đâu thì chuyển ngay tới trường để kịp sơ chế và chế biến phục vụ bữa trưa cho học sinh. Khi thịt chuyển tới, y tế đã test kiểm tra và không phát hiện dấu hiệu bất thường. Tổng khối lượng thịt lợn nhập thay thế cho cá ngày 12/4 là 135kg. 

Đã có kết luận của Đoàn thanh tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hưng Yên 

Ngoài ra, Trường PT Đoàn Thị Điểm Ecopark cũng cho biết thêm, ngày 31/3 vừa qua, Đoàn thanh tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hưng Yên đã có buổi làm việc về kết quả thanh tra chi tiết toàn bộ các nội dung liên quan tới việc đảm bảo ATTP của Trường như: hồ sơ pháp lý, điều kiện cơ sở vật chất, kết quả xét nghiệm các mẫu thực phẩm đã gửi đi kiểm nghiệm trước đó. 

Kết quả kiểm tra hoạt động bếp ăn tập thể của nhà trường, Sở Y tế Hưng Yên ghi nhận nhà trường đã có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Phụ huynh phản đối cho con ăn ở trường Đoàn Thị Điểm Ecopark vì nghi thực phẩm không đảm bảo vệ sinh - Ảnh 7.

Khuôn viên trong nhà trường

Đồng thời yêu cầu nhà trường khắc phục bếp ăn, tổ chức bếp ăn theo nguyên tắc một chiều. Nhà trường đã cam kết hoàn thành sửa chữa, nâng cấp khu vực bếp ăn trong thời gian 60 ngày, kể từ 31/3. 

Về vấn đề xử lý vệ sinh, nhà trường cho rằng đã thường xuyên tiến hành các biện pháp giữ gìn vệ sinh học đường. Sử dụng những bình xịt muỗi khắc phục tạm thời tại những khu vực nhiều muỗi, mua vợt muỗi để các cô bán trú diệt muỗi trong phòng ngủ học sinh.