Thương Nhớ Ở Ai là bộ phim được chú ý nhiều bởi lối kể chuyện hấp dẫn và những mối quan hệ tình ái tréo ngoe, ai oán. Vẻ cũ kỹ, hoài cổ của bối cảnh cây đa, mái đình, bến nước trong phim cũng góp phần tạo cảm giác tò mò cho đối tượng các khán giả trẻ và khơi gợi nhiều kỷ niệm trong lớp khán giả nhiều tuổi hơn. Tuy nhiên, điểm đặc biệt nhất và cũng là thế mạnh của đề tài nông thôn xưa nằm ở những thực trạng, hủ tục vô lý đến kỳ lạ mà người dân thời kỳ trước phải gánh chịu. Bài viết này sẽ liệt kê lại những hủ tục, lề thói mà bộ phim Thương Nhớ Ở Ai đã phản ánh.
1. Phân biệt giới tính
Trọng nam khinh nữ là tư tưởng cổ hủ rất phổ biến thời kỳ bấy giờ. Nó không chỉ ảnh hướng đến cuộc sống của những người phụ nữ mà còn ảnh hưởng đến cả cuộc sống của những người đàn ông. Ông Bánh tuy là người đàn ông có vị thế cao trong làng do vai vế trong dòng họ nhưng lại phải chịu sự bỉ bai, chê trách vì không đẻ được con trai.
Ông Bánh (đang chống nạnh) là một người cực kỳ trọng nam khinh nữ
Việc này khiến ông Bánh cảm thấy mất tự trọng và trút giận lên vợ và các con gái mình. Cứ mỗi bữa cơm, ông lại bắt các con phải đọc đồng thanh câu vè: "Chúng con là lũ vịt giời. Bé thì ăn hại, lớn thì bay đi". Thử hỏi những người con gái của ông Bánh làm sao có thể nhận thức rõ về giá trị của bản thân mình được nếu đã bị cha mình khắc vào tiềm thức những lời định kiến đó? Đây cũng là một vấn đề cực lớn của xã hội thời đó mà vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
2. Cạo đầu bôi vôi rồi thả trôi sông
Ngay từ đầu phim, khán giả đã được chứng kiến một vụ thả bè trôi sông với nạn nhân là cô Liễu. Theo lệ làng thời xưa, những người phụ nữ nào chửa không chồng thì sẽ bị coi là nỗi ô nhục, bị cả làng lôi ra cạo đầu bôi vôi rồi trói lại thả bè trôi sông. Đây là hành động hết sức không văn minh và đi ngược lại sự tiến bộ của xã hội. Bởi lẽ, việc chửa không chồng dù có đi ngược lại gia phong nhưng cũng là vấn đề của riêng cá nhân và xã hội nên để cho người phụ nữ ấy được tự quyết định cuộc sống của mình.
Trong thời đại ngày nay, hủ tục này dường như không còn tồn tại và vị thế của những người phụ nữ mang thai không chồng cũng được cải thiện hơn rất nhiều. Khá nhiều người nổi tiếng trước công chúng là single mom và họ được nhiều người khâm phục bởi bản lĩnh và sự độc lập của mình.
3. Đa thê đa thiếp
Ông Cương trong phim là một ví dụ điển hình của thực trạng đa thê đa thiếp thời bấy giờ. Vì từng làm ở cục đường sắt, "ăn lương của Tây" nên ông Cương rất được phụ nữ để ý. Đến khi cách mạng về, bằng sự cáo già và khôn khéo, ông đã che giấu được số tài sản của mình và tránh được diện thành phần. Tuy nhiên, tính cách háo sắc vô độ thì vẫn không thể giấu đi đâu được. Hầu hết khán giả đều rất ghét ông Cương vì thái độ và lối sống trơ trẽn, không chung thuỷ, coi thường vợ của ông. Rất tiếc là thời đó pháp luật chưa cấm triệt để loại hôn nhân này để các thực trạng như vậy không xảy ra.
Ông Cương tuy đã có 3 vợ nhưng vẫn dở trò đồi bại với phụ nữ
4. Thủ tiết thờ chồng
Cô Nhân trong phim nổi tiếng là người phụ nữ chịu thương chịu khó, hiền lành nhất làng. Tuy nhiên, cô phải chịu một bất hạnh rất lớn là có chồng hy sinh trong chiến tranh để lại một mình cô với 3 đứa con. Khi người yêu cũ của cô trở về làng như một người anh hùng, đáng nhẽ ra đây phải là một cơ hội để Nhân có được hạnh phục chính đáng cho mình. Tuy nhiên, định kiến của xã hội thời đó không cho phép cô nối lại tình cảm với Vạn dù hai người vẫn còn rất yêu nhau. Đây là một trong những mối tình ngang trái và gây trăn trở nhất trong Thương Nhớ Ở Ai.
Tuy rất mừng khi thấy Vạn trở về nhưng Nhân không dám đi bước nữa với anh.
5. Hôn nhân sắp đặt
Với những xã hội mang nặng tư tưởng Á Đông như miền Bắc nước ta thời kỳ đó, rất khó để một người có thể tự định đoạt cuộc sống hôn nhân của bản thân mà điều này phải do các bậc phụ huynh quyết định theo tư tưởng "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Bởi vậy mà khi Nương hát ca khúc lên án vấn đề này trong đêm ở giữa đình, cả làng Đông đã phải mất ngủ vì câu hỏi "mình đã yêu bao giờ chưa?". Rất nhiều người dù chồng đã mất nhưng vẫn chưa được đối phương nói với mình lời yêu nào.
Mối tình bị ngăn cấm của Vạn và Nhân đã lấy đi bao nước mắt của khán giả
Giữa họ và người cùng chung chăn gối với mình có phải là tình yêu không cũng không thể xác định rõ ràng vì khi còn chưa biết yêu đã được cha mẹ chỉ định phải lấy ai rồi. Đỉnh điểm của bi kịch này là trường hợp của Vạn và Nhân. Hai người yêu thương nhau từ khi còn trẻ nhưng vì mối thù giữa dòng họ Vũ và dòng họ Nguyễn mà cả 2 không đến được với nhau, đến mức Vạn phải nhảy xuống sông tự sát vì thất vọng. Đến khi anh trở về thì Nhân đã trở thành một goá phụ mất rồi.
Có thể thấy, để tiến đến một xã hội văn minh như hiện nay, những người đi trước của thế hệ chúng ta đã phải chiến đấu rất nhiều trong việc dẹp bỏ những lề thói cũ kỹ và phản văn minh, đứng lên giành lấy hạnh phúc và tự do cá nhân về tay mình. Tuy nhiên, vẫn còn đấy những thành kiến, suy nghĩ tụt hậu tồn tại đến ngày nay như tư tưởng trọng nam khinh nữ, coi thường người tái giá và ép buộc hôn nhân... Hy vọng qua phim, khán giả sẽ hiểu hơn được phần nào những gì mà các bà, các mẹ đã phải trải qua trong những năm 54 thế kỷ trước và đồng cảm cho những khát khao bị chèn ép của họ.
Thương Nhớ Ở Ai được trình chiếu vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV3.