"Lật mặt showbiz": Phim về scandal có "rần rần" như showbiz thực tế?

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 18:00 30/11/2017

Web-series "Lật mặt showbiz" lấy cảm hứng từ 10 vụ scandal lớn của ngành giải trí đã ra mắt khán giả hơn một tháng, thế nhưng series có tạo được hiệu ứng bàn tán như mong đợi?

Biệt đội 102: Lật mặt showbiz là web-series 15 tập được lấy cảm hứng từ những scandal của làng giải trí trong và ngoài nước. Từ đầu, nghe qua có vẻ đây là một tác phẩm đầy "tiềm năng" về sức hút dư luận, vì nhắm tới đề tài showbiz và scandal chốn thị phi này. Thế nhưng, đã 5 tập trôi qua, chúng ta vẫn chưa tìm được “điểm sôi” của tác phẩm có thể khiến công chúng tò mò lùng sục cũng như những “đương sự” được nhắc trong phim cảm thấy chột dạ.

1. Nhân vật chính cần thêm chiều sâu tính cách

Lật mặt showbiz: Phim về scandal có rần rần như showbiz thực tế? - Ảnh 1.

Như tên phim, những nhân vật chính của phim thuộc Biệt đội 102, nhóm phóng viên của tòa soạn Truth với tiêu chí "không chỉ đi đến cùng mà còn phải là đằng sau sự thật". Những nhân vật này gồm có các trưởng ban, biên tập viên, phóng viên, nhiếp ảnh, tổ chức sản xuất nội dung do các diễn viên trẻ và xinh đẹp thủ vai như Lilly Nguyễn, Hồ Bích Trâm, Kent Nguyễn, Trần Quốc Anh và Đàm Phương Linh.

Không thể phủ nhận phần nhìn của dàn diễn viên chính là điểm cộng nhưng nó cũng chính là bất lợi lớn nhất nếu nhân vật chỉ xuất hiện chỉ để câu chuyện tiếp diễn. Bộ phim khai thác các vụ lùm xùm của showbiz, nhưng nên nhớ nhóm phóng viên kia mới là những vai chính thực sự của tác phẩm, vì họ xuất hiện xuyên suốt các tập. Trong khi biên kịch có lẽ chỉ tập trung giải quyết các vụ scandal trong mỗi tập sẽ được "lật mặt" ra sao, dẫn đến “quên” mất việc xây dựng nhân vật chính ra ngô ra khoai. Tính cách của tất cả đều được khắc họa mờ nhạt, chỉ tiết lộ rất ít qua những câu thoại tỏ vẻ nguy hiểm. Ngoài ra, mối quan hệ, mâu thuẫn giữa nhóm phóng viên cũng chưa có tính tương hỗ mạnh dù đây mới thực sự là thứ sẽ kết nối tất cả.

Lật mặt showbiz: Phim về scandal có rần rần như showbiz thực tế? - Ảnh 2.

Vì nhân vật nhạt nên không tránh khỏi diễn viên không có đất thể hiện khả năng, trở thành những "bình bông di động" là điều tất yếu. Chuyện ăn mặc khi đi tác nghiệp của nhóm 102 cũng là chủ đề được bàn tán từ những ngày đầu. Nếu muốn phóng viên ăn mặc hào nhoáng để có "đẳng cấp", tăng phần sang trọng thì phải có lý do thuyết phục hơn. Về nhân vật, bối cảnh, tòa soạn Truth, rất nhiều chi tiết có thể khai thác thêm nhưng bị bỏ qua. Thế là nhân vật cứ đẹp một cách đáng tiếc.

2. Truyền thông

Đáng lý ra, một sản phẩm về chuyện thị phi của giới showbiz thì kế hoạch truyền thông cho phim phải rất “máu me”. Ở thời buổi phim ảnh rộ lên như nấm sau mưa nhưng chất lượng thiếu đột phá thì chuyện hơn kém nhau còn ở kế hoạch quảng bá.

Lật mặt showbiz: Phim về scandal có rần rần như showbiz thực tế? - Ảnh 3.

Phim có nhiều "chất liệu" nhưng không "chịu" khai thác!?

Hãy nhìn Glee Việt, bộ phim này gây chú ý từ khi công bố dự án bởi dàn diễn viên bị cho là không hợp vai, phá nát nguyên tác, thế là ai cũng muốn lên tiếng. Đến khi phim ra mắt, chắc chắn người ta trông chờ. Phim bị chê vì nhiều thứ nhưng vẫn được đón xem hàng tuần, và càng về sau nội dung càng được cải thiện. Dù hiệu ứng về sau không mạnh mẽ như ban đầu nhưng ít ra Glee Việt đã khiến tất cả mọi người chú ý và nhảy vào cuộc, chiếm một chỗ trong mạng lưới dư luận. Trong khi đó, Lật mặt showbiz dường như lại im ắng từ những ngày đầu và ngày càng “hiền hoà” với một sản phẩm cần gây tranh cãi.

Đây rõ ràng là một cách triển khai kế hoạch truyền thông khá đáng tiếc, khi mà Lật mặt showbiz có nhiều thứ để "làm cho rần rần" hơn Glee rất nhiều.

3. Nội dung ngày một thiếu sức hút

Phải nói ngoài nhân vật và kế hoạch quảng bá thì cả câu chuyện - thứ căn bản nhất của phim - khai thác từ những vụ ồn ào lại không tạo được phản ứng như mong đợi. Sở hữu cái tên rất ngầu là "lật mặt showbiz", thế nên chưa xem cũng đã biết biên kịch sẽ thoải mái lật tới lui những vụ đụng độ ồn ào. Thế nhưng, cách "lật" trong phim đã sai mất rồi.

Nghe chữ "lật mặt", chắc chắn người ta sẽ nghĩ đến ý tiêu cực hơn là tích cực. Lại còn có thêm cả "showbiz", nơi chốn mà kiếm người thật lòng với nhau còn khó hơn hái sao trên trời. Ấy vậy mà khi hai cụm từ nghe-là-thấy-ồn-ào này kết hợp lại, nó khác hoàn toàn những gì người ta nghĩ. Dẫu ý đồ của nhà sản xuất và biên kịch muốn đưa ra mặt nhân văn, tích cực, những lý do ẩn giấu mà có thể người ngoài cuộc không nhìn thấy của một cơn bão truyền thông, hòng để người ta ngạc nhiên và cảm thông cho đương sự, nhưng lại không đủ hiệu quả để ghi đậm dấu ấn. Vì sao?

Không phải vì khán giả không nhân văn, thích thị phi mà vì kịch bản được xây dựng còn gượng ép, tuyến tính.

Nói đơn giản, cách lật nhân văn trong phim chỉ là ý muốn của đơn phương nhà sản xuất mà thôi. Đối với số đông, showbiz là một "mỏ vàng" thị phi, thế nên với phim về showbiz, chắc chắn người ta muốn thấy các cuộc đụng độ, những cơn ghen nảy lửa, những màn đốp chát sâu cay và kịch tính. Buộc phải có chất drama để thỏa được cái người ta mong trước, làm khán giả đã và sướng trước rồi "lật lại" thì mới hiệu quả. Đằng này, người ta chưa kịp "đã" mà bắt phải cảm thông thì sẽ chưa còn lửng lơ lần đò giữa con nước.

Ví dụ, ngay từ tập 1, câu chuyện người thứ ba trong giới nghệ sĩ chưa bao giờ hết hot. Theo mạch câu chuyện dẫn dắt, người xem đang mong chờ một tình tiết quá lố hơn ngoài đời thực sẽ diễn ra. Chẳng hạn như màn chạm mặt giữa hai người phụ nữ "dùng" chung một gã đàn ông, hoặc một chiêu trò nào đó khủng khiếp hơn những gì đã diễn ra ngoài đời thực. Thế mà chẳng có gì xảy ra. Giây phút đầu tiên mà nhân vật người thứ ba của Sĩ Thanh cất tiếng nói, khán giả lại bị hẫng bởi nó cảm động một cách không cần thiết. Dù Sĩ Thanh diễn tốt nhưng cơ bản cách dẫn dắt câu chuyện của nhân vật đó đã làm gãy mất đoạn mạch cảm xúc mà khán giả đang có. Thị phi còn chưa kịp thấy đã bắt phải khóc lóc, cảm thông thì khó để lại ấn tượng.

Lật mặt showbiz: Phim về scandal có rần rần như showbiz thực tế? - Ảnh 4.

Hay như trong tập 3, một nhóm nhạc có một thành viên bị tung hình ảnh hút cần sa. Kịch tính đang trên đà tăng lên khi phát hiện người tung ra đoạn clip "phê pha" kia là một thành viên khác của nhóm. Bao nhiêu dự đoán đang được đặt ra thì BÙM, câu chuyện được hóa giải theo một cách không những nhạt mà còn có tính phản lại tôn chỉ nghề. Cô biên tập viên Hân Dẹo (Hồ Bích Trâm) quyết tâm thực hiện một MV có cảnh cậu ca sĩ kia hút cần sa để lấp liếm rằng đoạn phim tai nạn thực chất là hình ảnh trong clip chứ không phải cậu này hút thật. Thế là sự việc lắng xuống, nhóm nhạc ra mắt thành công.

Lật mặt showbiz: Phim về scandal có rần rần như showbiz thực tế? - Ảnh 5.

Vấn đề của tình huống trên là gì? Không phải là sáng tạo, không phải là nhân văn mà là phá vỡ tôn chỉ làm nghề của phóng viên. Tôn chỉ của tòa soạn Truth trong phim (kể cả báo chí ngoài đời thực) là đưa sự thật đến công chúng chứ không phải ngụy tạo sự thật! Hãy nhìn scandal cần sa của T.O.P ở Hàn Quốc để thấy tội danh hút cần sa kinh khủng thế nào với nghệ sĩ. Ở Việt Nam, hút cần sa cũng đã vi phạm pháp luật, nhưng cậu ca sĩ trong phim lại được bảo vệ bằng cách đánh lừa dư luận dưới danh nghĩa một tờ báo. Đã lật mặt showbiz ở đây là lật cái gì? Lật bỏ sự thật để tôn vinh chiêu trò của truyền thông à? Tự các nhân vật, tự biên kịch đã tát vào mặt mình mất rồi!

Thế đấy, rõ ràng phần nội dung của Lật mặt showbiz chính là nguyên nhân chính yếu khiến bộ phim chưa tạo được dấu ấn. Nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch đưa ra một chủ đề tốt nhưng lại không hiểu được nhu cầu của khán giả, thế nên thất bại là chuyện chắc chắn. Bộ phim vẫn còn đến 10 tập, hy vọng về sau sẽ được cải thiện hơn. Vì nói gì thì nói, phim ảnh hơn nhau cũng còn ở chủ đề, có được chủ đề tốt nhưng lại để phí phạm nó thực sự là một đáng tiếc rất lớn.