Nhìn từ thất bại của U23 Việt Nam: Bóng đá trẻ, nơi mà sự thành công "ổn định" là điều... bất hợp lý

GN, Theo Trí Thức Trẻ 10:18 17/01/2020

U23 Việt Nam đã phải về nước từ sớm sau 3 trận đấu thất vọng tại VCK U23 châu Á 2020. Tuy nhiên, nên nhớ rằng đây chỉ là một giải đấu trẻ, việc đòi hỏi phải duy trì thành công từ năm này qua năm khác khi trong tay HLV là phân nửa những gương mặt mới là điều “không tưởng”.

Bóng đá trẻ, nơi không có chỗ cho sự ổn định

Sau trận đấu với U23 Việt Nam trước CHDCND Triều Tiên ngày hôm qua (16/01), không khó để chúng ta bắt gặp những lời trách móc thậm chí là chửi bới trên MXH. Lần đầu tiên, HLV Park Hang-seo bị loại ngay sau vòng bảng tại giải đấu mà ông đồng hành cùng một đội tuyển Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử ngắn ngủi của giải đấu có một nhà Á quân ra về sau vòng bảng với chỉ 2 điểm cùng 1 bàn thắng. Tất cả đều rất thất vọng và buồn nhưng đòi hỏi U23 Việt Nam năm nay phải thành công có vẻ... hơi quá sức.

Chúng ta nên nhớ rằng, việc duy trì thành công cho một đội tuyển trẻ là điều rất khó, thậm chí một nền bóng đá lớn như Anh, Argentina hay Pháp cũng chẳng thể nào tiến sâu ở các giải đấu từ năm này qua năm khác.

Nhìn từ thất bại của U23 Việt Nam: Bóng đá trẻ, nơi mà sự thành công ổn định là điều... bất hợp lý - Ảnh 1.

Hãy nhìn Aghentina, họ từng vô địch U20 thế giới năm 2005 và năm 2007 nhưng rồi mất hút trong Top 4 10 năm vừa qua. Thời điểm họ lên ngôi là khi sở hữu những tài năng bậc nhất thế giới như siêu sao Lionel Messi trong đội hình. Hay như U20 Anh, họ được đào tạo tại một trong những đất nước có nên bóng đá phát triển nhất thế giới nhưng khi họ vô địch U20 World Cup năm 2017, tất cả đều gọi đó là một bất ngờ vì chẳng ai nghĩ họ có thể làm được.

Điều này nghe có vẻ rất giống với U23 Việt Nam tại VCK châu Á năm 2018. Khi ấy, chúng ta cũng có những cái tên sở hữu tài năng đặc biệt như Công Phượng, Xuân Trường, Phan Văn Đức hay Đức Huy, nhưng tất nhiên, chẳng ai ngờ Việt Nam có thể vào đến trận chung kết cả. Vậy mới thấy, ở các giải trẻ, chúng ta thường thấy sự bất ngờ hơn là ổn định. Vì thế, việc Quang Hải và các đồng đội về nước sau vòng bảng VCK U23 châu Á 2020 cũng không phải là một "hiện tượng lạ".

U23 Việt Nam quá yếu và thiếu, rời giải cũng là xứng đáng

U23 Việt Nam không còn mạnh giống như cách đây 2 năm, đó là điều ai cũng phải thừa nhận. Chúng ta không có người tạo đột biến như Phan Văn Đức, không có người kiếm được những quả phạt như Công Phượng hay cặp tiền vệ ăn ý Đức Huy - Xuân Trường. Tất cả mọi việc đều trông chờ vào Quang Hải.

Ở giải đấu năm nay, Quang Hải không có được sự hậu thuẫn lớn phía sau lưng. Đức Chiến và Hoàng Đức vẫn còn khá "non" khi gặp phải những đối thủ chơi rắn và áp sát tốt (tổng cộng 24 lần mất bóng). Điều vô tình khiến tiền vệ mang áo số 19 phải lùi sâu nhiều hơn.

Nhìn từ thất bại của U23 Việt Nam: Bóng đá trẻ, nơi mà sự thành công ổn định là điều... bất hợp lý - Ảnh 2.

Quang Hải không thể tỏa sáng khi không có sự hỗ trợ cần thiết.

Bản đồ nhiệt ở trận đấu với UAE ghi nhận khu vực Quang Hải xuất hiện nhiều nhất lại là bên hành lang cánh phải bên phần sân nhà. Dễ hiểu khi anh không tạo ra được áp lực cần thiết về phía khung thành đội bạn. Đến khi đối đầu với Jordan, HLV Park Hang-seo muốn Quang Hải được giải phóng nên đưa Thanh Sơn vào sân, thế nhưng mọi chuyện cũng chẳng khá hơn. Thanh Sơn có 3 lần đứng lỗi vị trí, mất bóng 3 lần khiến hàng thủ của đội bóng áo đỏ bị đặt vào tình thế nguy hiểm. Nếu không có sự xuất sắc của Bùi Tiến Dụng, có lẽ mọi thứ đã tệ hơn rất nhiều cho U23 Việt Nam.

Không chỉ hổng ở giữa sân, đôi cánh của U23 Việt Nam cũng gặp vấn đề không thể giải quyết. Không có Văn Hậu, Thanh Thịnh trở thành hậu vệ trái số 1, nhưng anh không có được thể trạng tốt nhất. Ở trận đấu cuối, chấn thương tái phát còn khiến Thanh Thịnh bị đau và ngồi ngoài. Bên phía đối diện, Tấn Tài cũng không tạo được sự đột biến cần thiết. Điểm sáng duy nhất của anh là đường kiến tạo cho Tiến Linh ghi bàn ngày hôm qua.

Nhìn từ thất bại của U23 Việt Nam: Bóng đá trẻ, nơi mà sự thành công ổn định là điều... bất hợp lý - Ảnh 3.

Những điểm sáng như bàn thắng của Tiến Linh là quá ít

U23 Việt Nam quá yếu và thiếu, những cá nhân xuất sắc không thể gánh đội cũng gặp vấn đề về tâm lý. Mọi cảm xúc ức chế dồn nén có lẽ đã được thể hiện qua chiếc thẻ đỏ của Đình Trọng. Với một tập thể như vậy, không khó hiểu khi Việt Nam phải về nước sớm.

Tuy nhiên, xin nhắc lại, đây chỉ là giải trẻ, mọi thứ chưa phải dấu chấm hết với các cầu thủ. Đây là bài học, dù có hơi đắt giá, nhưng sẽ giúp họ hoàn thiện hơn. Chúng ta có thể thấy rõ sự tiến bộ của Tiến Linh, Đức Chinh hay Hoàng Đức. Họ chắc chắn vẫn sẽ là một phần của tương lai bóng đá Việt Nam.

Còn bây giờ, dẹp bỏ tất cả rồi về nhà ăn Tết thôi các chàng trai!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày