Nhìn bóng bay mãi nhưng chúng có thể bay đến độ cao nào, bạn biết không?

Đạt Lê, Theo Helino 07:35 03/03/2018

Bóng bay bay đến độ cao nào thì vỡ tung - câu hỏi nhiều người thắc mắc nhưng giờ mới được giải đáp.

Khi thả bong bóng, chúng ta chỉ toàn mơ về những điều lãng mạn. Nhưng thực tế là bong bóng khá mong manh dễ vỡ mà còn... chậm phân hủy nữa.

Vì sao bóng bay?

Bong bóng thường được bơm bằng khí heli, nhẹ hơn không khí nên có... “tiềm năng” để bay. Nhưng chính lực nâng của không khí mới là thứ giúp bóng bay lên. (Vì trọng lực của heli nhỏ hơn lực nâng của không khí).

Nhìn bóng bay mãi nhưng chúng có thể bay đến độ cao nào, bạn biết không? - Ảnh 1.

Tuy nhiên càng lên cao thì không khí càng loãng. Kể cả nếu bong bóng không thay đổi gì về hình dáng hay trọng lượng thì nó cũng chỉ đạt đến độ cao nhất định mà thôi. 

Đến một lúc, lực nâng sẽ không còn chiến thắng trọng lực nữa và bong bong ngừng bay. Mà thực ra, bong bóng còn chịu một sự tác động khác khiến nó vỡ tung rồi rơi xuống mặt đất.

Tại sao bong bóng lại vỡ? Nó đã kịp... du hành vũ trụ chưa?

Để trả lời, ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về quá trình bay của bong bóng.

Nhìn bóng bay mãi nhưng chúng có thể bay đến độ cao nào, bạn biết không? - Ảnh 2.

Càng lên cao thì không khí bên ngoài quả bóng càng loãng, trong khi mật độ bên trong vẫn giữ nguyên. Kết quả là bong bóng chịu áp lực từ bên trong nhiều hơn bên ngoài. 

Nếu bong bóng làm từ chất liệu co giãn được, nó sẽ “phình” ra để giảm bớt áp lực bên trong.

Nhưng bạn lưu ý là bong bóng chỉ to ra về kích thước chứ khí heli đâu có nhiều thêm! Kết quả là lực nâng của bóng sẽ tăng, còn trọng lực thì không đổi nên quả bóng vẫn có thể... bay tiếp.

Tuy nhiên, quá trình đối nghịch giữa "khí trong - khí ngoài" của quả bóng lại tiếp tục xảy ra. Cứ như vậy cho đến một lúc vỏ quả bóng hết chịu nổi thì nó sẽ vỡ tung.

Nhìn bóng bay mãi nhưng chúng có thể bay đến độ cao nào, bạn biết không? - Ảnh 3.

Nhìn chung bong bóng có độ co giãn càng tốt thì bay càng cao. Độ cao trung bình là khoảng 8 - 10km. Thậm chí loại bóng dùng để đo cảm biến thời tiết có thể bay lên tới 20 - 30km trước khi vỡ.

Kỷ lục bay cao nhất của bong bóng được ghi nhận bởi tiến sĩ Takamasa Yamagami và các cộng sự tại Viện Khoa học Không gian và Vũ trụ. Quả bóng của họ bay lên đến 53km, thật là một kỷ lục ấn tượng! 

Thế nhưng ranh giới vũ trụ lại cách mặt đất hơn 100km cơ. Vậy là quả bóng chỉ mới bay được nửa đường thôi, nó vẫn chưa thể du hành không gian đâu.

Sau khi vỡ và rơi xuống, bong bóng đi về đâu?

Sau khi đáp xuống đất, bong bóng sẽ mất từ 6 tháng đến 4 năm để phân hủy, tùy thuộc vào chất liệu của nó. Thời gian phân hủy dưới nước còn lâu hơn.

Nhiều nhà hoạt động môi trường đã lên tiếng phản đối việc thả bong bóng, vì gió có thể thổi chúng tuốt ra ngoài đại dương. Mà bong bóng ở lâu dưới ánh nắng đã bị phai màu, lại vỡ thành nhiều mảnh nên khi rớt xuống biển, chúng nhìn rất giống những con sứa. 

Sinh vật biển ăn nhầm bong bóng có thể bị tắc ruột, không hấp thụ được thức ăn và chết dần một cách đau đớn. 

Hơn nữa, sợi dây cột phía dưới quả bóng có thể làm rùa biển mắc kẹt, khiến nó không thể đi kiếm mồi hay chạy trốn kẻ thù. 

Nhìn bóng bay mãi nhưng chúng có thể bay đến độ cao nào, bạn biết không? - Ảnh 5.

Có thể nói, cùng với vô số loại rác thải nhựa, bong bóng thật sự khiến đại dương ngày càng trở nên ô nhiễm hơn.

Vậy nên nếu được, hãy hạn chế thả bong bóng bạn nhé, nhìn đẹp vậy thôi chứ tác hại của nó cũng lớn lắm đấy.

Nguồn: why.is, Science Focus, Odyssey