Bóng bay khí hydro phát nổ là hiểm hoạ mà nhiều người đang rất coi thường

J, Theo Trí Thức Trẻ 12:10 28/02/2017

Những trái bóng bay được bơm khí hydro cực kỳ dễ nổ, gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.

Mới đây, một vụ tai nạn thương tâm đang có sức lan tỏa rất lớn. Cụ thể, 9X xinh đẹp mới 22 tuổi nhận nhiệm vụ mang 55 trái bóng bay để trang trí cho công ty. Thế nhưng trên đường vận chuyển - chỉ từ tầng 1 lên tầng 3, số bóng đột nhiên phát nổ, khiến cô nữ sinh bị bỏng nặng, mặt biến dạng, sưng phồng và thâm đen.

Bóng bay khí hydro phát nổ là hiểm hoạ mà nhiều người đang rất coi thường - Ảnh 1.

9X xinh đẹp gặp tai nạn thương tâm vì bóng bay

Vậy mà đây mới chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp bị bỏng vì bóng bay phát nổ. Và điểm chung của tất cả, đó là bóng được bơm bằng khí hydro.

Mối nguy đến từ những trái bóng hydro

Muốn cho trái bóng có thể bay lơ lửng trong không trung, chúng ta phải bơm vào đó các chất nhẹ hơn không khí. Ở đây, loại khí phổ biến hơn cả đáp ứng yêu cầu như vậy là heli và hydro.

Cả hai đều là khí nhẹ hơn không khí - tức là với cùng một thể tích heli hoặc hydro so với không khí, trọng lượng của chúng sẽ nhẹ hơn. Vậy là, những trái bóng được bơm đầy 2 loại khí này sẽ lơ lửng trên không, giống như những trái bong bóng trong nước vậy.

Bóng bay khí hydro phát nổ là hiểm hoạ mà nhiều người đang rất coi thường - Ảnh 2.

Ở đây, khí heli là một khí hiếm, tức là rất an toàn vì gần như không có tính hoạt động hóa học. Tuy nhiên, giá thành của khí heli khá cao, nên nhiều người lựa chọn loại khí khác rẻ hơn - chính là hydro.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ hydro lại là loại khí khá nguy hiểm vì cực kỳ dễ nổ. Chỉ cần một mồi lửa, nó dễ dàng tác động với oxy trong không khí để tạo thành nước, và phản ứng này tỏa nhiệt rất mạnh. Khả năng phát nổ của bóng hydro, nếu bạn chưa hình dung ra, ở ngay trong ảnh dưới đây. 

Bóng bay khí hydro phát nổ là hiểm hoạ mà nhiều người đang rất coi thường - Ảnh 3.

Trước kia, hydro đã từng được dùng trong sản xuất khinh khí cầu, và cũng vì sự nguy hiểm này mà tất cả phải chuyển sang dùng heli.

Nhưng chưa hết. Do khí hydro có cấu trúc phân tử rất bé, nên có thể thẩm thấu cực nhanh qua màng bóng bay, dẫn đến chuyện nó có thể nổ mà thậm chí chẳng cần đến lửa. Đôi khi chỉ cần tiếp xúc với bóng đèn, gặp không khí nóng, hoặc đi ngoài trời nắng là đủ để kích hoạt phản ứng, khiến trái bóng nổ tung - một vụ nổ thực sự.

Do thường được cầm ở độ cao ngang mặt, nên những vụ nổ bóng bay thường để lại hậu quả nghiêm trọng, kể cả khi không nguy hiểm đến tính mạng.