22h, chuyến tàu đêm cuối cùng trong ngày lướt qua con phố nhỏ. Người ta bắt đầu dọn dẹp hàng quán, tắt đèn, rồi đóng cửa. Khắp xung quanh tĩnh mịch, chỉ còn ánh đèn khuya hiu hắt hòa với tiếng rít của gió, giống như một phố huyện không tên trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam. Chính vì nó không tên, nên người đời mới gọi chung chung là cái xóm đường tàu.
30 phút trước, cũng tại chính nơi đây, là một khung cảnh hoàn toàn khác. Một khu phố giải trí mới, nhờ gặp đúng thời mà đang phất lên từng ngày.
Xóm đường tàu đi xuyên qua phố cổ Hà Nội, từ một mảnh đất tưởng như bị lãng quên, đã vực dậy thành địa điểm vui chơi thu hút lượng lớn du khách.
Clip: Xóm đường tàu - địa điểm vui chơi về đêm thu hút giới trẻ Hà Nội và du khách quốc tế. Thực hiện: Phương Thảo.
Câu chuyện về xóm đường tàu Hà Nội đã từng xuất hiện tràn lan dày đặc trên các mặt báo nước ngoài. Khởi điểm bắt đầu từ tháng 4 năm 2014, tờ Dailymail của Anh đã đăng tải loạt ảnh vô cùng ấn tượng về những tuyến đường tàu hỏa chạy ngang qua khu dân cư đông đúc tại Hà Nội.
Những đường tàu hỏa chạy ngang qua khu dân cư từ thời Pháp thuộc hợp thành các "xóm đường tàu" nổi tiếng, như ở phố Khâm Thiên, Điện Biên Phủ, Long Biên... Cả xóm chỉ dài khoảng 500 mét. Có những ngôi nhà cũ mới lẫn lộn, ăn ra sát mép đường tàu, đủ màu sắc từ trầm mặc đến tươi sáng. Mọi ngóc ngách đều đẹp và thơ. Dân cư đủ các thế hệ người Hà Nội xưa, lẫn cả những người lao động từ khắp nơi đổ về. Cuộc sống giản đơn mỗi ngày, nhiều nét sinh hoạt đặc trưng không thể pha trộn.
Từ người già 80 đến trẻ con 6-7 tuổi đều thuộc lòng lịch tàu chạy qua xóm. Bởi vậy, khi có tàu đến, họ sẽ tránh sang một bên, và khi tàu đi qua, họ lại tiếp tục công việc thường ngày của mình. Với họ, những chuyến tàu chạy qua đã trở thành một phần của cuộc sống.
Mọi chuyện dường như sẽ không có gì thay đổi, con xóm nhỏ có phần nhếch nhác vẫn mãi xoay vần trở mình giữa nhịp sống Thủ đô, rồi dần rơi vào lãng quên khi con người thôi tò mò. Thế nhưng, như một thế cờ bị đảo ngược, 5 tháng trước, National Geographic Traveler – một tạp chí uy tín hàng đầu thế giới, đã kịp kể cho chúng ta nghe về những tách cà phê trên con phố nhỏ này.
Đêm xuống, xóm đường tàu lung linh ánh đèn, phá bỏ cái "mác" nhếch nhác trước đây.
"Thưởng thức cà phê, trò chuyện cùng những người bạn và cảm nhận "rõ mồn một" tiếng ồn ào những lúc chuyến tàu đi qua xóm đường tàu nhỏ là một trong những điều các bạn nên thử một lần khi đến Hà Nội" - Natgeo Travel gợi ý, và dường như một khi đã bị con xóm "độc nhất vô nhị" này mê hoặc, lượng du khách đổ về ngày càng nhiều. Đến mức, những dãy nhà trọ đều đang dần bị thay thế bởi hàng quán san sát nhau.
Dù là ngày hay đêm, mỗi khoảnh khắc bên đường tàu đều có những trải nghiệm riêng biệt. Du khách rất thích tận hưởng trong phút chốc không gian sống chật hẹp nơi đây, được thoả thích ngồi nhâm nhi cốc cà phê. Mỗi khi có đoàn tàu sắp chạy qua, thường là trước 15 phút, các chủ quán cà phê hớt hải chạy đôn chạy đáo thu dọn bàn ghế, nhắc nhở du khách sẵn sàng tinh thần "né" tàu.
Bất kỳ ai dù đang say mê thưởng thức đồ ăn, nước uống đều phải "gượm" nỗi niềm đó sang một bên, tìm chỗ đứng chờ tàu tới. Còn những ai lần đầu tới xóm đường tàu, họ khá ngạc nhiên và bỡ ngỡ.
Rồi khi tiếng còi báo hiệu vang lên từ đằng xa, họ tạt vào sát vách nhà dân, tay cầm sẵn máy ảnh hoặc điện thoại, đầu ló ra thích thú nhìn đoàn tàu đi qua phố. Điều tuyệt vời và cũng "điên dại" mỗi lần tàu qua, là cảm giác nghẹt thở khi từng khoang tàu lướt qua trước mặt mình, gần đến mức tưởng chừng như đưa tay ra là có thể chạm vào đoàn tàu đang lăn bánh.
Quả là "một trong những tuyến đường sắt nguy hiểm nhất thế giới" trong những năm gần đây, thế nhưng có vẻ như "càng nguy hiểm, địa điểm này lại càng nổi tiếng".
Đoàn tàu đi qua, mọi hoạt động lại trở về bình thường. Người người kê lại bàn ghế, nói chuyện, chụp ảnh rôm rả như lúc đầu.
Mỗi khi tàu sắp đi qua, sẽ có thật nhiều cách để cảnh báo người dân và du khách. Như người đàn ông này, anh ta sẽ hú còi thật to để báo hiệu.
Du khách được yêu cầu dịch chuyển vào bên trong để đảm bảo an toàn.
Rồi họ háo hức đợi đoàn tàu đi qua "phố huyện" nhỏ.
Xóm đường tàu kéo dài qua nhiều dãy phố, bắt đầu từ phía Ga Hà Nội (đường Trần Quý Cáp) đi qua cầu Long Biên lịch sử hướng ra ngoại thành, đến các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hải Phòng. Mỗi ngày, khoảng 10 chuyến tàu "ghé" qua con xóm nhỏ.
Những năm 80 của thế kỷ trước, cư dân trong xóm hầu hết là công nhân lái tàu, thợ sửa chữa cho đến những người soát vé... Người ở lâu năm có, người mới chuyển đến cũng không thiếu. Họ phải sống cùng sự dịch chuyển của các chuyến tàu hằng ngày, hằng đêm. Theo thời gian, bao lớp thế hệ đã từng gắn bó vẫn không nỡ rời xa. Họ vẫn rất vui khi nhìn thấy sự xuất hiện của những chuyến tàu, dù cho không hề sống bám vào nó.
Chiều chiều, lũ trẻ con đi học về, dắt xe qua từng khúc đường ray. Nhiều gia đình bắc bếp nấu cơm ngay ngoài cửa, hướng thẳng ra đường. Khói lửa đốt than xa xa mờ ảo, hút tầm mắt. Tuy đất chật người đông, mỗi nhà mỗi khoảng đất vừa đủ đặt tivi, chiếc giường, nhưng nhập gia tuỳ tục, sống đâu quen đó. Thành thử, trong cái bất tiện, cư dân đường tàu lại thấy chả bất tiện một chút nào.
Họ ở đây, nhớ rõ lịch trình từng chuyến tàu, thậm chí ngửi thấy, nghe thấy con tàu khi nó còn ở rất xa... Mỗi ngày trôi qua là một ngày họ sống chung, ăn, ngủ cùng những chuyến tàu, như một bức tranh pha trộn giữa thành thị và nông thôn, giữa hiện đại và cổ điển.
Cuộc sống của người dân xóm đường tàu có nhiều đổi thay từ ngày nơi đây biến thành địa điểm vui chơi giải trí.
Giới trẻ, du khách ngồi nhâm nhi cà phê chỉ là phụ, thứ họ quan tâm là khoảnh khắc đoàn tàu lướt qua "sát sàn sạt".
"Cơn lốc" thương mại hóa và những xu hướng không "buông tha" bất cứ mảnh đất hứa nào. Xóm đường tàu nhiều năm về trước ngỡ chìm trong quên lãng, thì bỗng vực dậy như một "hiện tượng". Những căn nhà trọ xập xệ chỉ 10m2, tất cả mọi sinh hoạt đều gói gọn trong đó, trước đây có giá thuê 1 triệu đồng/tháng, bây giờ chắc chắn chỉ có tăng không giảm.
Anh H. thuê mép vỉa hè dọc đường Phùng Hưng chưa đến 5m2 để mở quán, mỗi tháng anh mất 4 triệu đồng, thế nhưng mỗi ngày anh thu lãi 50% so với vốn bỏ ra. Trên tầng 2, phòng trọ của dân lao động vẫn sáng đèn.
Cách đó không xa, nhà anh T. trước Tết mới sửa lại ban công tầng 2, trang trí tranh ảnh, cờ hoa và đèn đóm, thế mà hút khách không tưởng. Càng về đêm, khách đến quán càng đông, thong dong uống nước chờ đoàn tàu đêm vút qua.
Dãy nhà công trình phụ 8 tháng trước còn nhếch nhác, ngổn ngang, nay đều đã được tu sửa, mở rộng không gian đón khách du lịch. Xu hướng lên ngôi, xóm đường tàu vụt sáng thành điểm vui chơi lý tưởng. Giới trẻ, cả Tây lẫn ta, ầm ầm kéo đến check-in, vô tình đẩy giá nhà đất tăng cao.
Anh H. thuê vỉa hè bên ngoài một căn nhà 3 tầng có giá 4 triệu đồng/tháng. Tầng 2, tầng 3, người dân vẫn sinh sống bình thường.
Từ bao lâu, những căn nhà xập xệ đã được tu sửa biến thành hàng quán hợp "xu thế".
Anh H. thuê cái vỉa hè mạn Phùng Hưng đã mất 4 triệu. Đây vẫn được xem là mức giá rẻ, vì khu vực này "hẻo" khách. Nếu may mắn kiếm được một "mảnh" gần đường Trần Phú, mức giá có thể bị đẩy lên 6, 7 triệu, thậm chí là 10 triệu. Anh nói thêm, một số hộ dân còn khéo "đuổi" khách thuê trọ, nhường diện tích cho người khác thuê mở cửa hàng, quán cà phê.
"Đấy là một quy luật tất yếu, khi xu thế thương mại hóa len lỏi tới tận con xóm nghèo này. Cảnh tượng thay đổi khiến nhịp sống của người dân cũng đổi thay" - anh nói.
Đến chừng nào đường tàu vẫn được khai thác đi qua "phố huyện", con tàu nhỏ ngày đêm vẫn sẽ mãi đi theo đúng lịch trình, không ngày nào ngơi nghỉ. Còn người dân hai bên đường, cứ lặng lẽ, bình thản trước cuộc sống. Chỉ có điều, họ đã biết cách giúp cuộc sống bớt đi những nhọc nhằn.