Người Việt yêu bóng đá, thứ tình yêu trường tồn

Minh nguyễn, Theo Tri thức trẻ 00:16 31/07/2018

Người Việt yêu bóng đá giống như một mệnh đề không cần minh chứng và tồn tại bất chấp hồ nghi. Có người yêu đích thực, có kẻ chỉ yêu theo trào lưu, cũng có dạng yêu dưới hình hài anh hùng bàn phím, nhưng dù có là ai, tình yêu ấy vẫn cứ mù quáng, mê muội như một thứ ảo giác không bao giờ dứt.

Người Việt yêu bóng đá, thứ tình yêu trường tồn

Người Việt yêu bóng đá giống như một mệnh đề không cần minh chứng và tồn tại bất chấp hồ nghi. Có người yêu đích thực, có kẻ chỉ yêu theo trào lưu, cũng có dạng yêu dưới hình hài anh hùng bàn phím, nhưng dù có là ai, tình yêu ấy vẫn cứ mù quáng, mê muội như một thứ ảo giác không bao giờ dứt.

Tối hôm qua, Olympic Việt Nam đứt gánh mộng vàng. Ngài Park Hang-seo thần thánh bị chặn lại bởi chính những người đồng hương Hàn Quốc, đã quá hiểu ngài và bản thân họ thì quá mạnh, quá toàn năng. Một thất bại được dự báo trước với số đông, nên người hâm mộ tỏ ra cảm thông, chia sẻ. Nhưng phần còn lại, chắc là nhỏ hơn, thuộc phe sống ảo, thất vọng quá sinh ra chỉ trích, mỉa móc một cách cay độc và tàn tệ cứ như thể họ chưa từng vui với chiến thắng nào.

Cũng chẳng sao. Các đội bóng, các cầu thủ, các huấn luyện viên, họ đã quen rồi và cũng miễn dịch rồi. Thắng hay bại thì họ vẫn phải ngẩng cao đầu để cảm ơn khán giả, để nghĩ tới ngày mai, giống như cách đội trưởng Văn Quyết nắm tay kéo từng đồng đội đứng lên. Olympic Việt Nam có quyền tự hào vì chỗ đứng của họ tại Asiad, và những người bỏ ra 15, 30 triệu để bay sang Jakarta cũng có quyền tự hào vì sự góp mặt của họ đã mang sắc đỏ lên các khán đài.

Người Việt yêu bóng đá, thứ tình yêu trường tồn  - Ảnh 1.

Đôi khi, không phải cứ ăn mừng chiến thắng mới là cách bày tỏ tình yêu. Hào hùng, cuồng nhiệt, tưng bừng khí thế thì đương nhiên mang đến những hình ảnh đẹp, nhưng có những thứ tình yêu cảm động hơn, thiêng liêng hơn và vô điều kiện hơn khi thất bại.

Tiger Cup 1998. Khi ấy, tôi vẫn còn là một đứa trẻ không có đủ tiền để mua một tấm vé vào sân Hàng Đẫy. Tôi lang thang trên phố với những giọt buồn rơi lã chã, và tôi bắt gặp quanh mình những lá cờ ủ rũ, những tiếng hô Việt Nam nghẹn ngào khản đặc, những ánh mắt cũng ầng ậng nước… Phải yêu lắm thì mới đau đến thế!

SEA Games 2009 ở Lào. 3 giờ sáng, từng đoàn xe biển số Việt Nam lầm lũi rời khỏi Vientiane. Mặt trời mọc tưng bừng trước mặt, nhưng cả một gánh tủi hờn trĩu nặng sau lưng. U23 Việt Nam thua người Mã chính tại nơi được coi là sân nhà của mình, thua một cách bàng hoàng, sửng sốt. Phải yêu lắm thì mới tái tê đến thế!

Nếu cứ mải miết liệt kê ra đây thì chẳng bạn đọc nào đủ kiên nhẫn đếm hết những lần tức tưởi của bóng đá Việt Nam. Chúng ta phải chấp nhận một sự thật là thất bại thường đến dễ dàng hơn thắng lợi. Và đã thành quy luật, cứ khi nào niềm tin được đẩy lên cao nhất thì cũng là lúc nó mang về kết quả suy sụp nhất. Giống như một giấc mơ bị bóng đè, giống như lừa dối.

Không, chẳng phải giống như. Lừa dối đã từng là sự thật. SEA Games Bacolod 2005 cho đến giờ vẫn là một vết nhơ bán độ không tài nào gột rửa của một thế hệ lẽ ra đã có thể đúc Vàng.

Nhưng tình yêu mù quáng, dù nó có bị bủa vây bởi những lời miệt thị, chửi rủa hay những tuyên ngôn, thề thốt. Chẳng thể dối lòng, người hâm mộ chưa bao giờ quay lưng ngay cả khi đội bóng thua mất mặt hay thậm chí bán luôn cả lương tâm.

Đã có lúc sân Mỹ Đình chỉ lác đác người xem, khi lứa Quốc Vượng, Văn Quyến phải đi tù, hay thời kỳ hậu Calisto, đội tuyển bị bong bóng chuyển nhượng biến thành trạm trung chuyển, nâng giá cầu thủ nội. Đã có lúc cả nửa khán đài nuốt hận ra về, khi cỗ máy đá bóng kỳ cục của Miura bị người Thái hành hạ ngay ở “thánh địa” của mình. Nhưng đấy không phải là bản chất.

Người Việt yêu bóng đá, thứ tình yêu trường tồn  - Ảnh 3.

Ở khía cạnh xem đá bóng, khán giả Việt Nam hẳn là một trong những dân tộc dễ tính nhất trên thế giới. Họ chỉ cần có niềm hy vọng để đến sân. Họ sẵn sàng tha thứ cho những tàn dư cũ và cũng mở lòng đón nhận những tia sáng mới. Xin nhắc lại, miễn là hy vọng.

Người ta có trách Văn Quyến, Quốc Vượng… hay không? Rất nhiều. Đã từng căm ghét và khinh bỉ. Nhưng khi những đứa trẻ hư được quay về với đời đá bóng, đa phần dư luận chẳng ai đánh kẻ chạy lại bao giờ. Văn Quyến đi đá phủi thôi, người xem cũng đông hơn cả một trận đấu giải vô địch quốc gia. Quốc Anh, một thành viên trong nhóm bán độ Bacolod, thậm chí còn giành danh hiệu Quả bóng Vàng 2013. Như một sự cởi bỏ và ghi nhận, dẫu có xuề xoà, dễ dãi nhưng có rất nhiều hơi thở nhân văn trong đó.

Cũng nhờ thế mà bầu Đức thuận lợi hơn trong việc “hà hơi thổi ngạt” cho bóng đá Việt Nam giữa một đống tro tàn. Khi lứa U19 của học viện HAGL xuất hiện, ngay lập tức thứ bóng đá hồn nhiên, cống hiến trở thành phao cứu sinh mang khán giả quay trở lại sân. Những người đã quá chán nản vì một đội tuyển thảm hại, một U23 mất phương hướng, một giải đấu quốc nội nát như tương, bỗng nhiên tìm lại được niềm vui.

Và dù có lúc thế này, khi thế khác, thoắt vui đấy rồi lại buồn ngay đấy, vừa mới tụng ca lên tận mây xanh đã có thể chê bai đến rơi xuống vài tầng địa ngục, tình yêu bóng đá của người Việt nhìn chung được gói lại bởi hai chữ: trung thành. Thế hệ của Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn không phải lúc nào cũng thành công, thậm chí ngay cả bây giờ, uy tín của lứa gà nòi này chưa chắc đã sánh bằng quy trình nuôi cá chọi kiểu bầu Hiển, nhưng khán giả thì luôn luôn muốn nhìn thấy những đứa con cưng của HAGL trên tuyển.

Đơn giản, đó là sự tri ân, dẫu cách tri ân của mỗi người, mỗi vùng miền chẳng thể tương đồng. Có những người coi việc múa bàn phím làm vui và tự biến mình thành những huấn luyện viên online, những nhà phê bình facebook... Có những người không bỏ sót một trận nào, bất chấp ở quê nhà hay phải bay đến tận vùng tuyết trắng. Có những người trắng đêm xếp hàng mua vé, bán lại kiếm lời cũng có, mà đổi cả tháng lương phụ hồ lấy một lần vào sân cũng có.

Người Việt yêu bóng đá, thứ tình yêu trường tồn  - Ảnh 4.

“Tôi sẽ cố gắng đá tốt nhất để không phụ lòng người hâm mộ” – Văn Quyết nói câu này khi trả lời phỏng vấn trước trận mở màn Asiad 2018. Cũng với ý tưởng chẳng khác là bao, anh buột miệng: “Tôi mà đá dở là chết với dư luận ngay”! Sức ép của cầu thủ trước tình yêu của người hâm mộ là như thế đó.

Quyết, không được ưu ái như Xuân Trường, Văn Toàn, Quang Hải, anh là vị trí gây tranh cãi nhất trong danh sách của ông Park Hang-seo. Cũng có lúc phiền muộn, chạnh lòng, nhưng Quyết bảo, người hâm mộ còn nhắc đến mình, còn “chiến đấu” lẫn nhau về quan điểm liên quan đến mình, nghĩa là mình vẫn còn được quan tâm, theo dõi. Chỉ cần như thế đã là động lực rồi.

Nếu nghĩ được “chín” như Văn Quyết thì đúng là đội bóng của anh chẳng bao giờ cô đơn cả. Rất nhiều cổ động viên mắng nhiếc anh, chê trách Xuân Trường, chỉ trích Công Phượng hay chọc quê ông Park sau trận thua Hàn Quốc, thực chất vì họ vẫn còn tình yêu rất lớn với Olympic Việt Nam. Chỉ là yêu theo một cách khác, so với những người nán lại vỗ tay động viên tại sân hoặc gửi lên mạng những lời chúc hồi phục, bình tâm, mạnh mẽ hơn sau thất bại...