Nạn "chặt chém" ở Sầm Sơn, chuyện ấy giờ đã xưa lắm rồi!

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 14/07/2016

Từ một vùng du lịch khét tiếng với nạn "chặt chém", Sầm Sơn đang từng ngày thay da đổi thịt. Không chỉ dẹp yên chuyện ép giá du khách, bãi biển ở đây cũng được quy hoạch gọn gàng, ngày càng xanh, sạch đẹp... thu hút đông đảo du khách ghé đến tham quan, nghỉ dưỡng.

"Ngón nghề" chặt chém ở Sầm Sơn - Ký ức kinh hoàng của du khách

Cách TP Thanh Hóa khoảng 16km về hướng đông, Sầm Sơn được đánh giá là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất nhì khu vực phía bắc Việt Nam. Thế nhưng nếu vài năm trước, nhắc đến chuyện đi Sầm Sơn nghỉ dưỡng, hẳn nhiều người sẽ phải ái ngại bởi nơi đây vốn khét tiếng với nạn "chặt chém".

Hễ đặt chân tới đây, du khách phải dè chừng đủ mọi thứ, từ chuyện chụp ảnh lưu niệm cho đến việc thuê phao, áo tắm, đi lại hoặc thuê nhà nghỉ, ăn uống.... vì "biết đâu bất ngờ", họ có thể bị đưa lên "máy chém" bất cứ lúc nào.

Nạn chặt chém ở Sầm Sơn, chuyện ấy giờ đã xưa lắm rồi! - Ảnh 1.

Thiên nhiên ưu ái ban tặng Sầm Sơn bãi biển dài hơn 6km với bờ cát dài thoải, mịn màng. Nước biển xanh trong và có nồng độ muối vừa phải. (Ảnh: Thành Nguyễn)

Nạn chặt chém ở Sầm Sơn, chuyện ấy giờ đã xưa lắm rồi! - Ảnh 2.

Ngoài biển đẹp, Sầm Sơn còn có núi Trường Lệ ăn sát ra biển.

Nạn chặt chém ở Sầm Sơn, chuyện ấy giờ đã xưa lắm rồi! - Ảnh 3.

Quang cảnh biển Sầm Sơn lúc bình minh (Ảnh: Thành Nguyễn).

Nạn chặt chém ở Sầm Sơn, chuyện ấy giờ đã xưa lắm rồi! - Ảnh 4.

Bãi biển dài với bờ cát mịn, sóng êm và không có đá ngầm.

Nạn chặt chém ở Sầm Sơn, chuyện ấy giờ đã xưa lắm rồi! - Ảnh 5.

Khung cảnh bãi biển Sầm Sơn nhìn từ hướng đền Độc Cước lúc đông khách.

"Đao phủ chém giá" ở Sầm Sơn từng có mặt ở khắp mọi nơi. Hẳn nhiều người vẫn chưa quên câu chuyện một nhà hàng nằm trên đường Hồ Xuân Hương (TX Sầm Sơn) từng "chém đẹp" du khách 2 bát cơm giá 60.000 đồng trong khi thực khách chẳng hề dùng món này. Hoặc vụ việc khách hàng phải dốc hầu bao, thanh toán 600.000 đồng cho một đĩa gà luộc... đã khiến nhiều người bức xúc đến nhường nào.

Thêm nữa, vài năm trước, bãi biển Sầm Sơn thiếu quy hoạch, nhà hàng, quán ăn mở tràn lan tới sát tận mép nước, rác thải ngập ven biển... Tất cả những điều ấy đã "cộp" cho du lịch Sầm Sơn những cái mác chẳng hề đẹp đẽ. Từ một vùng đất giàu tiềm năng phát triển, nơi đây như dần suy kiệt khi cứ mãi nằm trong "thập diện mai phục" những chuyện tiêu cực.

"Máy chém" ở Sầm Sơn - Chuyện ấy giờ đã xưa lắm rồi!

Trở lại Sầm Sơn vào mùa hè năm nay, nhiều người hẳn không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra nơi đây, đang có sự chuyển mình nhanh chóng. Cả một bãi tắm dài hơn 6km đã sạch bong, không còn hàng quán kè sát ra mặt biển, không gian dành cho du khách, như rộng hơn lên rất nhiều. Rác thải biến mất, trước mắt khách du lịch chỉ còn lại vùng cát mịn sạch sẽ và nước biển như cũng trong xanh, dễ chịu hơn.

 Clip du lịch Sầm Sơn - Chặt chém đã là chuyện xưa lắm rồi! - Thực hiện: Thành Nguyễn.

Từ chỗ có nhiều điểm trừ, du lịch Sầm Sơn như đang đảo chiều, tăng nhanh những dấu cộng tích cực. Ngoài chuyện thay đổi không gian sinh cảnh nhờ các biện pháp quy hoạch, điểm cộng lớn nhất phải kể đến là chính quyền nơi đây đã dẹp yên được nạn "chặt chém".

Nạn chặt chém ở Sầm Sơn, chuyện ấy giờ đã xưa lắm rồi! - Ảnh 7.

Tất cả các nhà hàng đều có bảng menu đồ ăn ghi rõ giá cả đồ ăn, thức uống.

Nạn chặt chém ở Sầm Sơn, chuyện ấy giờ đã xưa lắm rồi! - Ảnh 8.

Khách sạn niêm yết rõ giá phòng.

Nạn chặt chém ở Sầm Sơn, chuyện ấy giờ đã xưa lắm rồi! - Ảnh 9.

Bãi để xe cũng niêm yết rõ giá cả. Ảnh: Thành Nguyễn.

Nạn chặt chém ở Sầm Sơn, chuyện ấy giờ đã xưa lắm rồi! - Ảnh 10.

Và hệ thống đường dây nóng được đặt ở khắp mọi nơi.

Các dịch vụ tại khu du lịch này hiện đang có mức giá cả khá phải chăng và được niêm yết rất rõ ràng. 100% khách sạn đều công khai bảng giá ở quầy lễ tân và trên các website chính thức của mình. Trong những nhà hàng, từ bình dân đến sang trọng đều có menu ghi rõ giá đồ ăn. Khi có biến động về giá cả, du khách đều được thông báo trước và thỏa thuận với nhà hàng trước khi quyết định có sử dụng dịch vụ đó hay không.

Dịch vụ xe điện, xích lô cũng được niêm yết giá. Chẳng hạn nếu đi xe điện, khách phải trả 30.000 đồng trong khoảng từ 10 đến 500m đầu tiên và càng đi xa, giá càng rẻ. Dịch vụ tắm tráng được xây dựng tiện lợi, chất lượng ngày càng được nâng cao với các phòng tắm sạch sẽ giá chỉ 20.000 đồng/lượt. Nếu thuê phao, khách chỉ phải trả 20.000 đồng/chiếc, áo tắm từ 70.000 đến 100.000 đồng/bộ, thuê diều từ 20.000 đến 30.000 đồng/lượt tùy loại, chụp ảnh 15.000-20.000 đồng/kiểu...

Nạn chặt chém ở Sầm Sơn, chuyện ấy giờ đã xưa lắm rồi! - Ảnh 11.

Du khách có thể thoải mái đi xe điện.

Nạn chặt chém ở Sầm Sơn, chuyện ấy giờ đã xưa lắm rồi! - Ảnh 12.

Vì giá cả đã được niêm yết rất rõ ràng.

Các khung giá này đều nằm trong vùng khá "mềm", hợp với túi tiền của nhiều người. Riêng giá phòng nghỉ vào những ngày cao điểm cuối tuần có thể tăng đến 800.000-900.000 đồng/phòng chất lượng cơ bản. Tuy nhiên, hầu hết du khách đều tỏ ra khá hài lòng khi giá cả đã được công khai minh bạch, thuận mua vừa bán.

Hình ảnh Sầm Sơn trong lòng du khách - Những ấn tượng mới dần được tạo dựng

Không còn "máy chém", rác bẩn, nạn chèo kéo du khách, ăn xin, ăn mày dần giảm bớt, du lịch Sầm Sơn thực sự đang ghi dấu trong lòng du khách những ấn tượng hoàn toàn tốt đẹp.

Chia sẻ về cảm nhận khi trở lại Sầm Sơn sau 3 năm, anh Quốc Huy (người Hà Nội) chia sẻ: "Mình thấy nơi này thay đổi rất nhiều. Bãi tắm gọn gàng, không gian xanh, sạch đẹp hơn và nhất là đi đến đâu cũng không lo bị chặt chém, vì giá cả niêm yết rõ ràng, đầy đủ, mức giá cũng tương đối hợp lí nữa".

Nạn chặt chém ở Sầm Sơn, chuyện ấy giờ đã xưa lắm rồi! - Ảnh 13.

Đến Sầm Sơn, du khách có thể thoải mái trải nghiệm đủ loại dịch vụ, từ thả diều...

Nạn chặt chém ở Sầm Sơn, chuyện ấy giờ đã xưa lắm rồi! - Ảnh 14.

... Đến thuê phao, chụp ảnh...

Nạn chặt chém ở Sầm Sơn, chuyện ấy giờ đã xưa lắm rồi! - Ảnh 15.

... Hoặc giải khát, ăn uống... tất cả đều có mức giá hợp lý, công khai.

Anh Huy chia sẻ, nếu như trước đây, mỗi lần đến Sầm Sơn, anh đều phải rất cảnh giác khi gọi đồ uống thì hiện nay, tình trạng đó đã không còn lặp lại. "Mình nhớ 3 năm trước đến đây từng bị ép trả một quả dừa giá 100.000 đồng. Khi hỏi lại thì chủ quán nói là tính thêm tiền thuê chỗ ngồi. Năm nay trở lại, mình đã đi nhiều điểm, sử dụng nhiều loại nước giải khát nhưng cũng không thấy tình trạng chèn ép du khách như vậy tái diễn".

Nạn chặt chém ở Sầm Sơn, chuyện ấy giờ đã xưa lắm rồi! - Ảnh 16.

Chị Thu - một du khách thường xuyên đến Sầm Sơn.

Đồng tình với quan điểm này, chị Thu (một du khách tại đây) tâm sự: "Mình hay đi nghỉ mát ở Sầm Sơn và thấy là khoảng từ 3 năm nay, du lịch ở đây tốt lên rất nhiều, nạn chèo kéo, chặt chém khách du lịch gần như vắng bóng".

Chị Thu cho biết, chị đi cùng gia đình, ngoài khoản chi cho phòng nghỉ thì các chi phí về ăn uống, đi lại cũng không quá tốn kém. "Vì thế mình thấy khá hài lòng khi có thể thoải mái di chuyển bằng taxi, xe điện và mua sắm nhiều hơn".

Nạn chặt chém ở Sầm Sơn, chuyện ấy giờ đã xưa lắm rồi! - Ảnh 17.

Ban đêm, ven biển Sầm Sơn có rất nhiều hàng bán đồ lưu niệm nhưng giá cả rất vừa phải.

Không chỉ có khách du lịch cảm thấy hài lòng về chất lượng dịch vụ tại Sầm Sơn mà ngay cả người dân ở đây cũng tự hào khoe rằng, nạn chặt chém chỉ là câu chuyện xưa như trái đất. Anh Thanh (người TP Thanh Hóa) chia sẻ: "Nhà mình cách biển có hơn chục cây số, hầu như tuần nào mình cũng ra đó. Mấy năm nay mình ít khi nghe thấy du khách phàn nàn chuyện "chém giá", thi thoảng còn sót lại vài vụ tiêu cực nhưng không nhiều và phía chính quyền đều đã xử lý các vụ việc đó rất nghiêm".

Nạn chặt chém ở Sầm Sơn, chuyện ấy giờ đã xưa lắm rồi! - Ảnh 18.

Chị Hoa - một người dân Thanh Hoá.

Trong khi đó, chị Hoa (một người dân bản địa khác) cũng cho rằng, du lịch Sầm Sơn đang ngày càng phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn. "Trước đây mình đi gửi xe, biển rõ ràng có số 36 mà vẫn bị "làm giá" nhưng bây giờ thì chẳng có chuyện đó, vứt xe ở đâu giá cũng chỉ tối đa 10.000 đồng/lượt".

Chỉ sau vài năm, nạn chặt chém ở Sầm Sơn qua con mắt của du khách và người dân địa phương như đều chỉ còn "vang bóng". Và nếu những điều tích cực này vẫn được chính quyền và các hộ kinh doanh duy trì, thêm vài năm nữa, cái danh hiệu "máy chém Sầm Sơn" sẽ trôi tuột hẳn vào dĩ vãng, không còn ai nhớ để gọi tên.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày