Đạo nhạc - vấn đề nóng không dễ dàng xác định

Xmas - TL, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 07/06/2014

Đạo nhạc, đạo beat hay chỉ trùng hòa thanh, khán giả phải thật tinh tường để lắng nghe và phân biệt rõ ràng.

Đã khá lâu rồi vấn đề đạo nhái trong âm nhạc lại trở nên nóng bỏng như hiện nay tại Vpop. Bắt nguồn từ cái tên hot hàng đầu hiện nay - Sơn Tùng M-TP, không ít anti đã liên tục tố cáo anh chàng sử dụng trái phép những chất liệu nước ngoài đưa vào sáng tác của mình. Vấn đề càng căng thẳng hơn bao giờ hết khi nhiều nhạc sĩ, ca sĩ cũng vào cuộc khi đưa ra suy nghĩ, chính kiến cũng như hiểu biết của mình trước các khái niệm chuyên môn. Cùng nhau tìm hiểu 3 hình thức dễ gây lẫn lộn nhất hiện nay trong sáng tác: đạo nhạc, đạo beat và trùng hòa thanh.

Như thế nào mới gọi là đạo nhạc?

Như mọi người vẫn biết, đạo nhạc có nghĩa là ăn cắp giai điệu ca khúc và tự nhận đó là sáng tạo của bản thân mình. Từng có thông tin cho rằng, để xác định 1 ca khúc đạo nhạc thì dựa vào việc nó có 12 nốt liên tục giống ca khúc được cho là bị đạo. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có cơ sở cũng như những quy định cụ thể về vấn đề này. Việc trùng hợp 12 nốt nhưng cách hòa âm, cách hát, nhấn nhá, nhịp phách khác nhau cũng khiến 2 ca khúc khác biệt. Do đó, đạo nhạc phải được xác định kỹ lưỡng ở nhiều yếu tố trên các đoạn nhạc đem ra so sánh.


Các nhạc sĩ kì cựu như Bảo Chấn hay Quốc Bảo đều từng dính nghi án đạo nhạc

Đạo nhạc cũng khác hẳn với cover vì đạo nhạc là lấy nhạc trái phép, nhận là của mình, nhưng cover là mua bản quyền đàng hoàng, đầy đủ để thể hiện lại. Do đó, nhiều trường hợp khẳng định hát các ca khúc nhạc ngoại lời Việt như Bảo Thy trước đây là đạo nhạc thì hoàn toàn sai.

Ở Việt Nam, có một số ca khúc gây tranh cãi về đạo nhạc một thời phải kể đến "Tình thôi xót xa" (Bảo Chấn), "Tuổi 16" (Quốc Bảo), "Mẹ yêu" (Phương Uyên)...

Ca khúc "Mẹ yêu" (Ba con mèo)...

... được cho là đạo từ "Anh yêu em" (Vương Kiệt)

"Tình thôi xót xa" (Lam Trường)...

... giống với "Frontier" (Keiko Matsui)

"Ước gì" (Mỹ Tâm)...

... cũng có một số giai điệu giống trong "Night Prayer" (Jim Brickman)

Đạo beat có nghiêm trọng hay không?

Đạo beat là vấn đề đang được quan tâm nhiều nhất hiện nay khi nhiều người và thậm chí Sơn Tùng M-TP xác nhận anh không đạo nhạc mà chỉ sáng tác dựa trên nhạc beat (nhạc nền để ca sĩ hát lên) có sẵn của nước ngoài. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, Sơn Tùng còn bê y xì nhạc nền đó đem vào ca khúc của mình. Điều này như nhạc sĩ Dương Khắc Linh vừa chia sẻ là một hành động ăn cắp chất xám vì nhạc nền - phần hòa âm phối khí cũng là những sáng tạo của người nghệ sĩ, cũng được bảo hộ tác quyền hẳn hoi. Do đó, nếu lưu hành và thu lợi nhuận từ một sản phẩm lấy trái phép thì điều đó là không đúng. Phía Hàn Quốc cũng đã thể hiện sự phẫn nộ trước hành động này của M-TP.


Sơn Tùng M-TP làm nóng lên vấn đề đạo beat

Từ trước đến nay, giới Underground thường xuyên sử dụng cách này để sáng tác ca khúc mới. Tuy nhiên, vì chỉ hoạt động chủ yếu trên mạng Internet, những sản phẩm này chưa gây ảnh hưởng gì quá nghiêm trọng liên quan đến quyền tác giả, sở hữu trí tuệ.


"Thỏ con chiên bánh"...


... lấy beat từ "Hikari" (Se7en)


"Cơn mưa ngang qua"...


... lấy beat từ "Sarangi Mareul Deutjianha" (Namolla Family)


"Em của ngày hôm qua"...


... lấy beat từ "Every Night" (EXID)


Các ca khúc trùng hòa thanh là gì?


Âm nhạc, hội họa hay các bộ môn nghệ thuật khác, đều có những tỷ lệ và nguyên tắc, công thức đẹp được áp dụng. Trong hội họa có những bố cục tỷ lệ chuẩn mực hoặc 1 số công thức kết hợp màu sắc hiệu quả. Tương tự, âm nhạc có những vòng hợp âm đẹp, dễ dàng tạo ra những giai điệu hay và hợp tai người nghe, dẫn đến rất nhiều bài hát có chung vòng hợp âm, nghĩa là có chung cách phát triển giai điệu theo hợp âm giống nhau. Khi sáng tác một giai điệu mới trên beat nhạc của những bài hát có sẵn, người sáng tác sẽ nghiễm nhiên có sẵn vòng hợp âm của ca khúc gốc để viết theo.

Tùy khả năng sáng tạo và thẩm mỹ mà ca khúc mới có hay và độc đáo hay không, vì nếu vụng về thì rất dễ đi vào khuôn mẫu tiết tấu và phát triển giai điệu của ca khúc cũ, là một bài hát sao chép nhạt nhòa và kém cỏi. Tuy nhiên nếu làm tốt thì rất nhiều trường hợp, ca khúc mới khác biệt hoàn toàn với ca khúc được lấy nhạc nền, trở thành 2 tác phẩm khác nhau chỉ còn điểm chung là vòng hòa thanh và hát được trên nhạc nền của nhau.


Hit đình đám "Nobody" (Wonder Girls) có hòa thanh giống khá nhiều ca khúc khác

Do đó, việc dùng beat có sẵn để sáng tác nếu tạo ra một ca khúc không trùng lặp về giai điệu, tiết tấu và hát trên một nhạc nền mới thì sẽ không có gì là sai. Nhưng khi sử dụng luôn beat nhạc đó làm nền cho ca khúc mới để kinh doanh, biểu diễn thì là một việc làm trái pháp luật, không cần biết là bài hát đó do bạn sáng tác trên beat hay chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên trùng vòng hòa thanh. Do đó, kể cả sáng tác dựa theo beat có sẵn thì khi ra thành phẩm, bạn phải làm lại đoạn beat khác cho ca khúc của mình.

"Stand By Me" và "Beautiful Girls" trùng hòa thanh

"Nobody" và "I Will Survive" trùng hòa thanh

"Love The Way You Lie" và "Just A Dream" trùng hòa thanh

Nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng từng chia sẻ: "Việc khẳng định Sơn Tùng đạo nhạc hay ăn cắp trí tuệ là không đúng. Từ những năm 1980, khi học nhạc ở Học viện âm nhạc, tôi đã trải qua một thời gian đào tạo do giáo viên người Nga dạy, tức là làm giai điệu trên bản hòa thanh có sẵn. Đây là một môn học chính thức ở một trường chuyên về âm nhạc, vậy thì việc sử dụng bản beat có sẵn là hoàn toàn hợp lý, và đây cũng là xu hướng làm bài hát của giới trẻ Việt Nam hiện nay mà trên thế giới đã áp dụng cách đây trăm năm.

Vấn đề ở đây là khán giả có chấp nhận xu hướng đó không lại là một câu chuyện khác. Phải khẳng định lại với các bạn là dùng bản hòa thanh có sẵn thì không thể gọi là ăn cắp nhạc".

Như vậy, nhạc sĩ cũng đã khẳng định trong các ca khúc của Sơn Tùng không có hành vi đạo nhạc và việc sáng tác trên beat có sẵn là hoàn toàn không có gì sai trái. Tuy nhiên, ông không đề cập đến việc sử dụng luôn bản beat này để biểu diễn, thu lợi nhuận rộng rãi trên thị trường - vấn đề khiến mọi người tranh cãi nảy lửa những ngày gần đây.

Kết

Việc xác định các khái niệm này rất quan trọng trong việc "quy kết" mỗi hành động, sản phẩm có vi phạm điều gì hay không. Khi phê phán hay "gán tội" cho bất kì ai, mỗi người cũng cần phải hiểu biết rõ và nói cho chính xác để không gây tổn thương, tạo nên sự lệch lạc trong nhận thức của công chúng. Nếu bản thân hiểu sai, nói sai thì việc làm của mình tưởng chừng là "vì chính nghĩa" hóa ra lại đáng lên án nhất. Rất nhiều bạn trẻ khi nhắc đến nhạc Việt lại chậc lưỡi "lại sao chép ở đâu đây mà!" trong khi chưa hiểu rõ mọi khái niệm về vấn đề này. Ngược lại, nhiều người quá hâm mộ nghệ sĩ lại bỏ qua tất cả những lời góp ý và luôn tôn sùng thần tượng lên hàng đầu. Tất cả những hành động này đều chẳng thể giúp âm nhạc nước nhà phát triển tích cực.

Ngăn chặn đạo nhái, tạo môi trường nghệ thuật trong sạch là điều mà cả nghệ sĩ chân chính lẫn khán giả đều mong muốn, và việc này không gì khác hơn nên bắt nguồn từ những đóng góp chân thành, thiện chí và chuẩn xác nhất.