Mở đầu, tác giả xin phép mượn câu thơ của tác giả Nguyễn Thiên Ngân để dẫn dắt cũng như làm tựa cho bài viết về bộ phim The Danish Girl (Cô Gái Đan Mạch). Câu chuyện của đôi vợ chồng Einar Wegener và Gerda Wegener chắc chắn là một trong những câu chuyện lạ kỳ nhất từng được kể và chỉ người trong cuộc mới hiểu nó đau đớn đến nhường nào. "I want to hug my husband. I want to see him. Can you do it for me?" - Câu nói xé lòng của Gerda với người đàn ông phút trước còn là chồng, phút sau đã là người chị bất đắc dĩ của mình khiến nhiều khán giả không kìm được nước mắt.
The Danish Girl lấy bối cảnh tại Copenhagen (Đan Mạch) xinh đẹp trong những năm 20 thế kỉ trước, phim giới thiệu người xem đến với cuộc sống hạnh phúc của họa sĩ tài năng Einar Wegener (Eddie Redmayne) và vợ của anh là họa sĩ Gerda Wegener (Alicia Vikander). Nhưng đến một ngày, biến cố không ngờ xảy ra và đẩy cả hai tới những ngã rẽ đặc biệt. Hôm ấy, người mẫu nữ của Gerda không tới. Vừa để tiếp tục công việc đang trễ nải, vừa có ý thách thức và trêu chọc chồng, Gerda đã nài nỉ Einar xỏ chân vào tất lụa, mang giày và ướm thử váy áo để làm mẫu cho cô. Lần đầu tiên tiếp xúc với lớp lụa mịn màng, với lớp voan bóng bẩy, trong lòng Einar xuất hiện một khoái cảm lạ lùng. Nó đánh thức phần giới tính nữ ngủ vùi trong anh.
So với thời The Theory Of Everything Eddie Redmayne vẫn giữ nguyên phong cách của một ngôi sao tài năng. Anh vẫn xuất sắc trong những vai diễn đòi hỏi phải nghiên cứu nhiều ở nhân vật. Những phút Einar rụt rè khám phá cảm xúc mới, vui thích khi được sống thật với bản thân rất đáng yêu nhưng nó có phần trội hơn hẳn cái đau đớn, day dứt anh mang lại cho nhân vật. Không ai bảo Eddie Redmayne không đau, không xót nhưng cách đau đớn của anh khi đặt cạnh Alicia Vikander, người thủ vai cô vợ quả cảm Gerda dường như ít hơn một bậc. Một đề cử Oscar ở hạng mục Nam diễn viên xuất sắc nhất đã nằm gọn trong tay Eddie nhưng một tượng vàng cho anh phải cân nhắc kĩ. Không chỉ do Leonardo DiCaprio đã có màn trình diễn tuyệt vời trong The Revenant mà còn do biên kịch của The Danish Girl đã khéo "vẽ" cho Gerda nhiều phức hợp cảm xúc hơn Einar.
Ở Einar là sự khát khao thầm kín, sự xung đột giữa hai bản thể đối lập, niềm hạnh phúc được làm phụ nữ. Ở Gerda còn có nhiều điều khác. Nhân vật này vừa khiến người ta "giận", vừa khiến người ta "thương". Giận vì cô mạnh mẽ, chủ động đến át vía anh chồng. Lại giận tiếp vì cô ích kỷ. Khi phát hiện ra bí mật của chồng, cô chấp nhận cho anh mặc váy áo phụ nữ lần nữa, lại còn tha thiết mời làm mẫu vẽ dù anh từ chối. Chính cô là người đã nói chỉ cần bán được những bức họa về Lili thì hai vợ chồng sẽ lại có tiền… Ngoài tiền còn là gì? Chắc chắn là danh vọng mà đó giờ Gerda vẫn cố sức bắt lấy. Tôi tin lúc đó Gerda bị hấp dẫn bởi sự nghiệp của mình hơn là một linh cảm không lành về sự thay đổi sắp ập tới.
Nếu Einar/Lili quá lấp lánh lý tưởng thì Gerda lại tạo cảm xúc hơn vì nhân vật của cô có tính cách đa chiều hơn
Rõ ràng Gerda cũng là phụ nữ, không thể nào giấu được chuyện cô cũng "tẹp nhẹp" như đàn bà thông thường. Nhưng cái khiến Gerda kì lạ và vượt khỏi lẽ thường là việc có mâu thuẫn thế nào thì cô vẫn đượm bản năng yêu thương. Cô bảo vệ, đóng vai một người vợ và cả một người chị để mang đến cho Einar/ Lili cuộc sống hạnh phúc nhất. Có một câu nói thế này: người ta dễ bị ngộ nhận bởi việc có tình cảm và yêu nhưng khi yêu thực sự mới có thể hy sinh và nhận phần thiệt về mình bất cần lí do. Gerda cũng yếu đuối chứ, cô vẫn cần lắm một bờ vai rắn chắc của đàn ông để gục mặt khóc, để nương tựa nhưng từ khi Einar quyết trở thành Lili cô đã không khóc trước mặt Lili nữa. Gerda nuốt nước mắt về mình, nuốt những cay đắng và sự tủi thân để nở nụ cười động viên Lili, người đang rất hi vọng về một cuộc sống mới. Mặc dù Einar là trung tâm nhưng Gerda sẽ là người được nhắc đến nhiều hơn vì tính nhân văn của nhân vật.
Trong phim có một hình ảnh giàu tính biểu tượng là chiếc khăn Gerda quàng lên cổ Einar khi anh lên đường đi Đan Mạch. Chiếc khăn ấy tượng trưng cho tình yêu mà Gerda dành cho Einar, và cả Lili. Phim đã thay đổi một số diễn biến ngoài đời thực. Thực tế là Gerda không ở cạnh Einar/Lili suốt những cuộc phẫu thuật, chi tiết này đã được bổ sung để hình ảnh của cô được khắc họa sắc nét hơn. Phim là câu chuyện của Einar nhưng nếu không có Gerda thì sẽ không thể viết trọn vẹn. Vào phút cuối, khi chiếc khăn bay mất là lúc Lili trở thành chính mình như mong muốn. Những hy vọng hoàn thành và những đớn đau biến mất.
Không chỉ là bài thơ ngọt ngào về tình yêu, tình người, phim còn là bức họa tuyệt mỹ. Về cảnh, đó là vùng Copenhagen hoang vu tuyệt đẹp, Paris cổ kính trang nhã hiện lên trong lăng kính người nghệ sĩ. Về người, đó là cách đạo diễn Tom Hooper đặc tả từng khuôn hình chỉn chu, đặc biệt là trong cách Einar/ Lili cử động. Có thể nhắc đến những đoạn như Einar lướt tay trên thớ vải mịn màng với đôi mắt ngỡ ngàng kinh ngạc; lúc Lili lạ lẫm với nụ hôn đầu tiên; lúc cô ngồi bên bàn trang điểm. Giây phút tại bàn trang điểm đã trở thành một trong những khuôn hình đẹp nhất phim: đôi tay chậm rãi vuốt chiếc cổ thanh tú, mái đầu nghiêng nhẹ, Lili như một bông hoa xinh đẹp đang nở bừng sức sống.
Nét đẹp của phim không giản đơn ở người và cảnh mà còn thể hiện ở gu thẩm mỹ cao vút của những quý cô thành thị, từ những bộ váy suông đặc trưng của thập niên 20, từ mũ quả dưa, giày Mary Jane đến khăn choàng xinh đẹp. Tính thẩm mỹ tiếp tục được đan cài để nương theo sự phát triển nhân vật, khiến nhân vật sinh động hơn. Ban đầu Lili mặc những gam màu rực rỡ, cách phối đồ còn thô cứng nhưng dần dần gu thẩm mĩ của cô trở nên tinh tế: màu sắc nhã nhặn, tươi sáng, kiểu dáng mềm mại. Nó tượng trưng cho sự "trưởng thành" của nhân vật. Einar giờ đây đã trở thành Lili, một phụ nữ đã ở độ "chín" nhất định về suy nghĩ và nữ tính một cách tự nhiên. Phim còn đẹp khi mang ánh vàng ấm áp len lỏi qua từng khung hình. Nó góp phần chuyển tải bầu không khí đượm hơi thở nghệ thuật mà các nhân vật đang sống, khiến những câu chuyện khó nói được phủ một lớp sương mờ để dễ tiếp nhận. Nhạc phim cũng là điểm cần nói khi được sử dụng tinh tế và khơi gợi cảm xúc đúng chỗ.
Gu ăn mặc chuyển biến thấy rõ của Einar/Lili
Phim có điểm xuất sắc nhưng vẫn có điểm chưa ổn. Ví dụ như bức chân dung về nhân vật Einar/Lili được thể hiện lý tưởng đến độ bỏ rơi tính thật, tính đời và trở nên xa lạ hơn nhân vật Gerda. Phim cũng đẩy diễn biến tâm lý của Einar đi quá nhanh và trở nên khó hiểu khi ngay trước đó anh còn cảm thấy bình thường khi gấp mớ quần áo vợ làm vương vãi, lúc sau đã bộc lộ khao khát làm phụ nữ khi bị ép thử trang phục của diễn viên múa.
Dẫu sao, The Danish Girl - Cô Gái Đan Mạch cũng đã gây được sự chú ý cần có cho tác phẩm và làm cuộc sống của người chuyển giới, vốn là đề tài khó nói nhất trong cộng đồng LGBT trở nên gần gũi hơn với khán giả đại chúng. Phim mang đến cái nhìn lịch thiệp và đầy mỹ tính về cộng đồng này, thông cảm và thấu hiểu cho những tâm tư còn khó diễn đạt của họ. Thông điệp "Find the courage to be yourself" được thể hiện mạnh mẽ: chúng ta không có quyền chọn lựa khi được sinh ra nhưng luôn có thể chọn lựa để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.