Để tìm hiểu về vai trò của truyền thông trong việc nâng cao hình ảnh bóng đá Việt Nam, VTC News có cuộc trao đổi với nhà báo Doãn Hữu Bình. Ông là một trong những nhà báo thể thao có thâm niên ở Việt Nam, hiện đang làm việc tại Tạp chí Thể thao, thuộc Tổng cục TDTT.
- Xin chào nhà báo Doãn Hữu Bình. Ông nghĩ như thế nào về bức tranh bóng đá Việt Nam hiện tại? Có ý kiến cho rằng truyền thông đang tạo ra một hình ảnh "loạn" cho nền bóng đá. Điều đó có đúng với thực tế?
Mỗi vấn đề có nhiều góc độ nhìn nhận. Cái chữ "loạn" ở đây vốn là do một bộ phận truyền thông làm cho nó trở nên méo mó đi. Đó là điều rất rõ ràng. Bóng đá Việt Nam có nhất thiết phải có một công cuộc "chấn hưng" hay không thì tùy vào góc nhìn.
Tôi cho rằng bóng đá Việt Nam làm được rất nhiều việc. Từ phía lãnh đạo VFF, phía trên là Bộ VH-TT-DL chỉ và Tổng cục TDTT chỉ đạo, dưới là các địa phương và CLB có những thành quả đáng để ghi nhận. Đó là điều quá rõ, thể hiện qua thành tích của các đội tuyển.
Chưa có năm nào trong lịch sử chúng ta có 6 đội tuyển tham dự các VCK châu Á. Để đội tuyển mạnh thì công tác đào tạo ở địa phương đã có sự thay đổi, chuyển biến. Khi tập hợp đội tuyển thì VFF cũng có sự chăm sóc và đầu tư, chính vì thế các đội có sự chuẩn bị rất kỹ và thi đấu thành công. Tất nhiên đây mới là bước đầu thôi, bởi tham gia giải đấu chưa có nghĩa là chúng ta đạt đến đẳng cấp của sân chơi đó.
Bóng đá Việt Nam có tới 6 đội tuyển tham gia các vòng chung kết châu Á trong năm 2018 và 2019.
Trước mắt đó là thành công phải ghi nhận. Đó là nỗ lực từ các địa phương đến VFF. Tôi muốn nhấn mạnh vào công tác đào tạo trẻ. Hiện nay có rất nhiều chuyển biến, tiến bộ.
Trước đây các CLB không quan tâm đào tạo trẻ. Có những CLB mang danh chuyên nghiệp nhưng thường xuyên "trốn" các giải trẻ, không có tuyến trẻ như Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành. Họ xuất hiện từ một ông chủ vung tiền mua suất chơi ở V-League, chỉ thi đấu V-League thôi trong khi theo quy định, bóng đá chuyên nghiệp là phải có 3 tuyến trẻ tham gia các giải VĐQG.
"Đằng sau chữ loạn là chữ lợi. Một nhóm người đang muốn xã hội nhìn bóng đá Việt Nam xấu xí đi." Nhà báo Doãn Hữu Bình
Họ trốn và lách bằng cách đóng tiền phạt. Đấy là một hình thức đối phó và không thể coi là bóng đá chuyên nghiệp. Đó là điều bất cập xuất phát từ tư duy chưa chuyên nghiệp của chính các lãnh đạo. Đó là trước đây, hiện nay đã có sự thay đổi. 14 CLB V-League đều có đội trẻ phía dưới. Cá biệt một số CLB có hệ thống đào tạo trẻ cực tốt. HAGL, Hà Nội FC hay các địa phương truyền thống như Khánh Hòa, SLNA và những trung tâm chuyên đào tạo trẻ như Viettel hay PVF.
Còn những hình ảnh xấu xí xuất hiện là khi người ta chỉ nhìn vào những điều chưa làm được, hoặc những điều không phải chưa làm được nhưng cố tình bị dẫn dắt theo chiều hướng xấu và trở thành "loạn".
Tôi nghĩ đằng sau chữ loạn là chữ lợi. Một nhóm người đang muốn xã hội nhìn bóng đá Việt Nam xấu xí đi.
Một bộ phận truyền thông cố ý tô đậm cái xấu, lờ đi những mặt tích cực của bóng đá Việt Nam.
- Truyền thông có vai trò như thế nào trong việc xây dựng hình ảnh bóng đá Việt Nam? Theo ông, các cơ quan quản lý bóng đá, các CLB tận dụng truyền thông tốt hay chưa?
Tôi quan niệm công tác truyền thông không chỉ trong bóng đá mà trong mọi lĩnh vực đều quan trọng như giao thông trong phát triển kinh tế. Ở đâu giao thông tốt thì kinh tế phát triển. Vai trò của truyền thông trong bóng đá cũng như thế.
Bóng đá chuyên nghiệp là một nghề kiếm sống, là thứ để kiếm ra tiền. Các giải đấu, các trận đấu phải được coi như các món hàng, các sản phẩm. Để các món hàng được giá thì phải tiếp thị, quảng bá hình ảnh. Đó là nhiệm vụ của truyền thông.
Tuy nhiên những người "sản xuất", những người lãnh đạo và tổ chức bóng đá Việt Nam, có thể hiểu nhưng chưa có động thái để định hướng truyền thông. Đây là công việc tưởng là dễ những rất khó. Định hướng không phải là tô hồng, vì sản phẩm kém thì có định hướng cách nào cũng khó để người ta viết tốt. Trước hết phải thay đổi chất lượng sản phẩm.
Các trận đấu V-League phải được coi là những món hàng hóa.
- Vậy sản phẩm của bóng đá là gì và người bán hàng sẽ quảng bá loại hình sản phẩm này ra sao?
Đó là hệ thống thi đấu, trận đấu, giải đấu. Tất cả các yếu tố cấu thành các sản phẩm bóng đá ở Việt Nam chưa hoàn hảo. Rõ ràng các giải đấu, các trận đấu chưa phải là sản phẩm tốt. Tất nhiên không hẳn tất cả đều chưa tốt vì cũng như gạo thì có hạt lép có hạt nở thôi.
Những người sản xuất và bán hàng chưa làm tốt công tác quảng bá, chưa tận dụng hết sức mạnh truyền thông dẫn tới việc không định hướng được truyền thông, luôn ở thế chạy theo. Khi có thông tin bất lợi mới lên tiếng giải thích, rất bị động.
Sản phẩm vẫn phải tốt đã, phải nhận thức được những cái dở để làm. Sản phẩm bóng đá của mình hiện nay có rất nhiều bất cập. Tư duy cần thay đổi, cần cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm họ cần chứ không phải cái chúng ta có. Đây vừa là vấn đề truyền thông, vừa là marketing.
Ngày xưa người ta đến sân vì họ không có nhiều lựa chọn giải trí, và người ta biết cầu thủ trên sân đá thật. Bây giờ dư luận lại nghi ngờ các đội bóng diễn, có bàn tay vô hình tác động đến trận đấu, có nghĩa là niềm tin lung lay. Chất lượng các trận đấu cũng chưa được như mong muốn.
Điều cần sửa đổi trước tiên là dịch vụ kèm theo rất kém. Người ta đến sân mà ngay cả cái nhà vệ sinh cũng không dùng được, cái ghế ngồi cũng gãy, bẩn thì người ta đến sân để làm gì. Trận đấu đã không hay rồi, trong khi chất lượng phục vụ chưa ổn.
Khán giả đến sân phải được hưởng những dịch vụ tốt bên cạnh chất lượng trận đấu.
Đó là điều bất cập, khách hàng bóng đá của chúng ta chưa phải là thượng đế. Họ biết là đến sân thì sẽ gặp điều kiện như thế, trong khi có thể ngồi nhà xem trực tiếp, hoặc xem cái khác, hoặc đi chơi, tiêu thời gian vào những lựa chọn khác.
Phải đặt câu hỏi quan trọng nhất khi quảng bá hình ảnh CLB: Làm thế nào để khán giả đến sân có sự tiện nghi, để có gì đó hấp dẫn hơn so với ngồi nhà xem?.
Các nhà quản lý đến sân xem thì đừng chỉ ngồi ở khu VIP, đấy là cái hào nhoáng bên ngoài, họ không thể biết được khán giả đang sử dụng những dịch vụ như thế nào. Khán giả đến phải được phục vụ tốt để họ cảm thấy được tôn trọng, được đáp ứng những nhu cầu. Phải tăng cường mối quan hệ giữa CLB và CĐV, tạo ra mối liên kết giữa người tiêu dùng và sản xuất.
Đầu tiên, để nâng cao chất lượng bóng đá thì phải coi khán giả là khách hàng, các trận đấu là sản phẩm. Sản phẩm phải tốt lên và truyền thông phải có sự định hướng tích cực. VPF hiện nay có vài điểm khá hơn trước đây, ví dụ như ra đời kênh YouTube. Cung cấp thông tin cũng tốt hơn trước nhưng cũng mới chỉ ở mức cung cấp những cái mình có thôi. Còn những cái mà báo chí cần thì nhiều hơn thế.
Ví dụ như khi xảy ra tranh cãi, scandal thì có thể mời báo chí đến trao đổi. Như thế sẽ giải quyết được những dòng thông tin châm chọc, nhìn 1 chiều hoặc thậm chí nhìn sai, nói BTC trốn tránh thì tự nhiên hình ảnh xấu đi.
Truyền thông là vô cùng quan trọng. Giống như PR, bán hàng quảng bá sản phẩm. Bóng đá chuyên nghiệp là làm kinh tế. Chất lượng chưa tốt thì quảng bá phải tốt vào, rồi trong quá trình đó làm sản phẩm tốt lên.
Video: Than Quảng Ninh cầm hoà Hà Nội FC, Quảng Nam vô địch nghẹt thở
- Hiện nay nhiều CLB ở V-League mới hình thành kênh thông tin chính thức trên Facebook, một số có website nhưng sự chăm sóc vẫn chưa thật sự tốt. Điều này gây ra bất lợi như thế nào cho công tác truyền thông của chính các CLB và giải đấu?
Ngay từ khi VPF mới ra đời, những ông chủ cũng rất hiểu vai trò của truyền thông. Nhưng trong quá trình làm việc thì có những biến cố, như việc bầu Kiên bị bắt.
Họ phải chạy theo việc tổ chức nên có những việc buông lỏng, trong đấy có chuyện yêu cầu các CLB làm hình ảnh. Giải đấu là sự kết hợp giữa 14 CLB. Chỉ cần 1 hoặc 2 đội hình ảnh xấu xí thôi thì giải đấu sẽ mất sức hút với nhà tài trợ.
Cái phải làm đầu tiên là mỗi CLB cần có 1 website, có một cổng thông tin chính thức và có sự kết nối đến cổng thông tin của ban tổ chức. Các website phải có sự chăm sóc, đấy cũng là một hình thức gắn kết với CĐV. Ví dụ khi 1 CĐV muốn cập nhật thông tin, hình ảnh về đội bóng thì lại không có chỗ nào cập nhật cả.
CLB Hà Nội là một trong số ít đội bóng có kênh thông tin được chăm sóc kỹ.
Các CLB chưa nhận thức được thì các nhà tổ chức phải góp ý cho họ. Các CLB có nhiều cách kết hợp với cơ quan báo chí truyền thông địa phương để thực hiện các dạng chuyên đề. Tôi nghĩ VPF cũng nên làm như thế, hoặc có những hội thảo không cần tầm cỡ to tát như hội nghị Diên Hồng, chỉ cần chia ra những thứ nhỏ nhỏ như công tác truyền thông, ví dụ vì sao các CLB chưa có website, có rồi thì chăm sóc thế nào.
- Chủ tịch HĐQT VPF Trần Anh Tú nhắc tới việc phải bán được bản quyền truyền hình V-League trong tương lai. Theo ông, bản quyền truyền hình có ý nghĩa như thế nào trong bóng đá chuyên nghiệp?
Về bản quyền truyền hình ở nước mình chưa được coi là 1 công cụ kiếm tiền, mới chỉ là cách nói thôi. Còn như ông Trần Anh Tú nói thì thực sự chúng ta chưa kiếm được đồng tiền mặt nào từ bản quyền truyền hình các giải bóng đá.
Chừng nào chúng ta có sản phẩm tốt thì các đài sẽ có nhu cầu muốn mua. Họ giống như đại lý, mua lại và bán ra kiếm lời. VPF cùng các CLB là nơi sản xuất, cung cấp ban đầu, qua trung gian là truyền hình cung cấp đến những khán giả không đến sân.
Video: VPF căng mình tìm tài trợ cho V-League 2018
Bản quyền truyền hình ở Việt Nam bấy lâu nay chưa được coi là 1 trong các phương thức kiếm tiền, trong khi ở các nền bóng đá lớn thì đây là nguồn thu quan trọng. Các đài truyền hình phải bỏ tiền ra mua trận đấu để phát sóng. Nhưng hiện nay ở Việt Nam, BTC cho phép các đài truyền hình đến sân sản xuất, phát sóng. Đổi lại là phát quảng cáo cho giải, cho một số doanh nghiệp lớn tài trợ cho các CLB.
Đấy không hẳn là bản quyền đích thực mà là một hình thức đổi chác, trả quyền lợi cho các nhà tài trợ thông qua hình ảnh biển quảng cáo đặt trên sân xuất hiện trên sóng truyền hình.
V-League chưa phải là sản phẩm đáng giá đến mức các nhà đài không phát không được.
Để kiếm được tiền thì phải nâng chất, xin được nhắc lại vẫn phải nâng chất. Phải làm sao để nếu đài truyền hình không trả tiền thì không được phép đưa thiết bị kỹ thuật vào ghi hình, phát sóng các trận đấu. Đến khi đó sẽ có quyền đặt ngược vấn đề lại cho các nhà đài.
Bản quyền truyền hình theo tôi trong thời gian khá dài nữa cũng chưa thể giải quyết được ngay bởi V-League cũng chưa phải là sản phẩm đáng giá đến mức các nhà đài không phát không được.
Theo tôi phải cần thời gian 20 năm nữa mới hướng đến được cái đích của bóng đá chuyên nghiệp, trở thành sản phẩm có sức hút với nhà đài.
Bản chất vấn đề vẫn là làm các trận đấu thành các món hàng mà các nhà đài cần có trên kệ hàng của mình, có sức hút với các nhà tài trợ khác. Hiện nay khi phát sóng 1 trận đấu V-league, quảng cáo là những thương hiệu quen mặt, chính là các nhà tài trợ của CLB. Phải làm sao để quảng cáo trận đấu là những thương hiệu khác bên ngoài, tức là người ta phải đổ tiền vào mua suất quảng cáo V-League.
- Hiện nay VPF tiến hành phát sóng miễn phí các trận đấu trên nền tảng YouTube. Rất ít giải đấu làm như vậy. Ông nghĩ sao về điều này?
Đây chủ yếu là cách để giải quyết thực trạng ít khán giả đến sân, một hình thức cung cấp hàng khuyến mại, miễn phí. Đó là cách để người hâm mộ đến gần hơn đến giải, nhưng về lâu dài không phải là giải pháp. Vẫn phải là các nhà đài làm việc về bản quyền truyền hình. Cứ phát miễn phí thế này, người ta sẽ nghĩ phải chăng đây là sản phẩm đại hạ giá.
Trong bối cảnh hiện nay thì đó là một phương pháp kích cầu, để các khán giả không đến sân thì vẫn biết được các trận đấu diễn ra như thế nào. Nhưng phải làm tốt lên, không thì sẽ phản tác dụng. Nếu trận đấu hay họ sẽ muốn đến sân lần sau, nhưng trận đấu dở người ta nghĩ đến sân làm gì. Đó luôn là con dao hai lưỡi. Mình phải quảng cáo một sản phẩm tốt.
Cách làm như vậy là một dấu chấm hỏi. Trả lời phải có thời gian. Chúng ta phải chờ xem.
- Trong buổi gặp mặt truyền thông đầu năm 2018, Chủ tịch và Phó chủ tịch VPF đều có những tuyên bố về sự thay đổi đáng kể trong công tác truyền thông. Đây có phải sự nhận thức đáng kỳ vọng hay không?
Nếu làm được điều đó thì khá là tốt. Cởi mở hơn và có tính định hướng hơn là tốt. Giới truyền thông, báo chí có nhiều đối tượng khác nhau với quan điểm làm việc khác nhau. Nhà tổ chức cần thay đổi tư duy và hi vọng họ nói đi đôi với làm. Nếu trong mùa giải tới có sự thay đổi tích cực về truyền thông thì đó là điều đáng để mong đợi.
- Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!