Mắc Covid-19 có được tắm không?

Minh Nhân, Theo Tổ Quốc 16:13 24/02/2022

Nhiều người bệnh Covid-19 thắc mắc liệu có được tắm gội trong quá trình cách ly, điều trị?

F0 điều trị tại nhà tắm gội giúp cơ thể thoải mái, dễ ngủ

Sáng 7/2 - ngày đầu tiên đi làm trở lại sau Tết Nguyên đán, anh Phạm Văn Đông, 28 tuổi, trú phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội đến cơ quan, được test nhanh 2 lần (mẫu gộp và mẫu đơn) đều dương tính với SARS-CoV-2. Nghi ngờ mắc Covid-19, anh được liên hệ sang Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để thực hiện xét nghiệm PCR. Sau đó, anh về nhà, tự cách ly tại phòng riêng.

Tối cùng ngày, anh nhận kết quả khẳng định mắc Covid-19 với chỉ số CT (giá trị chu kỳ ngưỡng) là 18. Trước đó, anh vẫn nghĩ do thời tiết Hà Nội mưa và lạnh nên có thể mệt do dính nước mưa.

Sau khi khai báo y tế phường, nam nhân viên được hướng dẫn điều trị tại nhà. Trong những ngày anh cách ly, người thân mách phải giữ tinh thần lạc quan, tích cực, duy trì các thói quen tốt như khi chưa mắc bệnh.

"Tôi vẫn tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân và có thể tự theo dõi sức khoẻ theo hướng dẫn của nhân viên y tế", anh Đông cho hay.

Anh rất chú trọng vấn đề giữ vệ sinh thân thể. Mỗi khi tắm và gội đầu, anh sử dụng nước ấm, tránh nước lạnh. Sau đó, anh sẽ lau khô cơ thể và tóc bằng khăn bông, không dùng quạt. "Do đang mắc bệnh nên thời gian tắm gội không quá lâu. Đặc biệt, tôi chỉ tắm vào buổi chiều sớm, tránh tuyệt đối ban đêm. Việc này được tôi áp dụng mỗi ngày một lần", anh kể.

Nhờ chú trọng nghỉ ngơi hợp lý, chế độ dinh dưỡng, không vận động mạnh, nên sau 3 ngày, anh test nhanh âm tính. Đến ngày thứ 5 của bệnh, anh âm tính lần hai. Sau khi âm tính một tuần, anh vẫn giữ thói quen sinh hoạt điều độ để loại bỏ hoàn toàn lượng virus trong người.

Mắc Covid-19 có được tắm không? - Ảnh 1.

Các F0 điều trị tại nhà cho biết tắm gội giúp cơ thể thoải mái, dễ ngủ (Ảnh minh hoạ)

Gia đình chị Hiền, 32 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội gồm vợ chồng và con trai 7 tuổi, cùng mắc Covid-19 từ ngày 16/2. Những ngày đầu, do cơ thể bị sốt, cả nhà chị đều kiêng tắm, chỉ thay quần áo.

Ngày thứ 5 của bệnh, khi đã dứt cơn sốt, các thành viên bắt đầu tắm gội trong điều kiện phòng cửa đóng kín, lau người và mặc quần áo ngay trong phòng tắm, sau đó sấy tóc nhanh nhất có thể, đi tất chân.

"Mỗi ngày chúng tôi đều cố gắng tắm gội, đỡ mệt mỏi và thoải mái hơn. Đặc biệt, tắm xong giúp ngủ ngon hơn", chị Hiền nói. Sau 8 - 9 ngày, gia đình chị lần lượt âm tính với SARS-CoV-2.

Chuyên gia nói gì?

Bác sĩ Nhi khoa Mạnh Cường, tình nguyện viên điều trị mẹ và bé F0 tại nhà cho biết trong quá trình điều trị, nếu người bệnh sốt thì không nên tắm, chỉ chườm ấm và lau người để hạ nhiệt độ. Nếu cơ thể ổn định, người bệnh có thể tắm và gội đầu bình thường bằng nước ấm.

Theo bác sĩ Cường, tắm gội bằng nước ấm giúp các F0 thư thái và sạch sẽ. Anh lưu ý, người bệnh nên có đèn sưởi trong phòng tắm.

TS.BS Quan Thế Dân, từng tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu Becamex Bình Dương cho hay, với người mắc Covid-19 nên tắm cách ngày một lần. F0 nên tắm nhanh, tận dụng nồi lá xông sau khi xông xong thì tắm nhanh trong 5-10 phút, rồi lau khô người. Sau khi tắm, người bệnh sẽ cảm thấy rất sảng khoái, giúp hạ sốt, thông thoáng da mặt, ngủ ngon và mau khoẻ.

Khi tắm, các F0 cần tắm bằng nước ấm khoảng 30 độ C, tắm nhanh trong khoảng 5 -10 phút, nơi kín gió, sau tắm lau khô người và mặc quần áo, sấy tóc khô.

"Tắm gội đầu giúp giải phóng các tế bào da chết (ghét), làm thông thoáng da, cải thiện bài tiết của tuyến mồ hôi, cải thiện lưu thông máu, giảm sưng đau khớp, cải thiện tinh thần, cải thiện giấc ngủ. Ở nhiều bệnh viện, khoa Hồi sức tích cực (ICU) vẫn thường xuyên tắm khô và gội đầu cho người bệnh nằm lâu", bác sĩ Dân chia sẻ.

Để tránh biến chứng, người đang suy kiệt nặng, huyết áp thấp, đang tiêm truyền, có vết mổ, suy tim gan thận nặng không được tắm. Thay vào đó, người bệnh có thể áp dụng biện pháp tắm khô, lau người nhanh rồi thay quần áo.

Mắc Covid-19 có được tắm không? - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, F0 có thể tắm bằng nước ấm, trong phòng nên có đèn sưởi hoặc kín (Ảnh minh hoạ)

Ngoài ra, bác sĩ Dân khuyến cáo về cách xông đúng cách. Theo ông, trong y học hiện đại, các biện pháp xông hơi có tác dụng làm thông thoáng đường hô hấp, thư giãn, nâng cao hệ miễn dịch, giúp người cảm cúm mau khỏi bệnh.

Tuy nhiên, theo bác sĩ, xông hơi không thể tiêu diệt virus, xông quá nhiều lần gây mất mồ hôi, mất các chất muối trong cơ thể, làm rối loạn chuyển hóa, cơ thể càng yếu hơn. Xông hơi nhiều lần, súc họng nước muối nhiều lần làm tổn thương niêm mạc hô hấp, dễ gây bội nhiễm thêm các bệnh hô hấp khác.

"Người mắc Covid-19 có thể xông mũi họng hoặc xông hơi toàn thân, ngày một lần, giúp hệ hô hấp thông thoáng, tinh thần thư giãn, mau lành bệnh. Nhưng nhắc lại, biện pháp này không diệt virus, do đó không nên xông hơi, súc họng ngày nhiều lần. Không xông quá nóng hoặc xông quá lâu gây tổn thương niêm mạc hô hấp, gây hại nhiều hơn. Mỗi lần xông nên chỉ từ 10 - 15 phút là đủ", bác sĩ Dân khuyến cáo.

Mắc Covid-19 có được tắm không? - Ảnh 3.
https://kenh14.vn/mac-covid-19-co-duoc-tam-khong-20220224155606034.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày