Luật sư nói về sự cố bị hack camera của Văn Mai Hương: "Cơ quan chức năng cần siết chặt công tác quản lý không gian mạng"

Minh Nhân, Theo Trí Thức Trẻ 23:08 29/12/2019

Không chỉ Văn Mai Hương, hay bất kể ai trong giới nghệ sĩ, mà chính chúng ta cũng có thể là nạn nhân của vấn nạn bị phát tán hình ảnh nhạy cảm lên MXH. Mỗi người đều có quyền đối với hình ảnh cá nhân của mình và được pháp luật bảo vệ, tôn trọng.

Văn Mai Hương - nữ ca sĩ 25 tuổi, mới đây là nạn nhân tiếp theo của vấn nạn bị phát tán hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội. Những hình ảnh sinh hoạt cá nhân của Văn Mai Hương bị "đòi link" một cách chóng mặt, thực chất đã được ghi hình từ cách đây 4 năm. Trong trường hợp này, nữ ca sĩ bị rơi vào thế không hề phòng thủ vì sự việc xảy ra tại chính ngôi nhà của mình.

Không riêng gì người nổi tiếng, trước đây, rất nhiều trường hợp - là bất cứ ai - đã từng bị hack thông tin cá nhân, hình ảnh riêng tư lên Internet.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, để tìm hiểu rõ hơn về quy định của pháp luật, cũng như những hình thức khởi kiện, đòi bồi thường mà các nạn nhân có thể thực hiện.

Luật sư nói về sự cố bị hack camera của Văn Mai Hương: Cơ quan chức năng cần siết chặt công tác quản lý không gian mạng  - Ảnh 1.

Văn Mai Hương bất ngờ bị tấn công camera và lộ nhiều hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội.

Chào luật sư Trần Xuân Tiền, nhiều ngày qua, mạng xã hội đang xôn xao sự việc nữ ca sĩ Văn Mai Hương hack camera tại nhà riêng, do đó rò rỉ nhiều hình ảnh nhạy cảm lên Facebook. Với hành vi này, (các) đối tượng có thể bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật hiện hành?

Luật sư: Văn Mai Hương là một ca sĩ nổi tiếng trong giới nghệ sĩ với một số lượng người hâm mộ rất lớn, bởi vậy các thông tin cá nhân liên quan tới cuộc sống của nữ ca sĩ luôn được truyền thông đón nhận và có tính lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng.

Việc một hacker nào đó hack camera trong nhà riêng của Văn Mai Hương, làm phát tán ảnh riêng tư, là hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, danh dự, uy tín và nhân phẩm của nữ ca sĩ - một nhân vật có tầm ảnh hưởng trong công chúng. Tôi xin khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào động cơ, mục đích, người phát tán những hình ảnh nhạy cảm của nữ ca sĩ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy tố hình sự theo quy định của pháp luật:

- Trường hợp xử phạt hành chính: Nếu hành vi phát tán ảnh nhạy cảm của nữ ca sĩ nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín thì người đăng tải hình ảnh có thể bị xử phạt theo điểm g, Khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 về hành vi "Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác" với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Ngoài ra, hành vi phát tán hình ảnh nhạy cảm mà không được sự đồng ý của nữ ca sĩ còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm c, khoản 1, Điều 10 Nghị định 56/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá - thông tin nêu rõ với mức phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng với hành vi đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của nữ ca sĩ hoặc thân nhân nữ ca sĩ đó.

- Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự: Nếu hành vi phát tán ảnh nhạy cảm của nữ ca sĩ xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người đó, thì người đăng hình ảnh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về " Tội làm nhục người khác" với mức phạt tù lên tới 2 năm; hoặc trong trường hợp người đăng hình ảnh nhạy cảm của nữ ca sĩ trên mạng xã hội cho tất cả mọi người xem còn có thể bị khởi tố hình sự về tội "Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy" theo Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định với mức phạt tù cao nhất là 15 năm.

Luật sư nói về sự cố bị hack camera của Văn Mai Hương: Cơ quan chức năng cần siết chặt công tác quản lý không gian mạng  - Ảnh 2.

Thưa luật sư, Văn Mai Hương có thể làm gì để bảo vệ chính mình trong trường hợp này?

Luật sư: Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền lợi và danh dự, nhân phẩm của mình, ca sĩ Văn Mai Hương phải cùng công ty quản lý yêu cầu cơ quan công an tiến hành điều tra để tìm ra người đã thực hiện hành vi phát tán các hình ảnh nhạy cảm.

Về những người còn đang trong diện nghi ngờ, nữ ca sĩ có thể trình bày với cơ quan điều tra để có hướng điều tra xác đáng, không nên tố cáo, tố giác họ bởi nếu có sự nhầm lẫn thì sẽ ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người khác.

Sau khi đã xác định được người phát tán hình ảnh nhạy cảm, nữ ca sĩ có thể làm đơn đề nghị khởi tố người đó để xử lý theo pháp luật, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về vật chất tinh thần nếu có, vì đây là trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại theo Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Việc người này phạm tội gì, phạt tù bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm thì phải do cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết tùy theo mức độ vi phạm và có đủ dấu hiệu tội phạm thì mới đưa ra hình thức xử lý và hình phạt phù hợp với hành vi vi phạm đó.

Luật an ninh mạng 2018 mới có hiệu lực và chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn là một phần nguyên nhân gây ra khó khăn trong công tác điều tra, truy tố loại tội phạm này.

Trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần siết chặt công tác quản lý không gian mạng để gia tăng trách nhiệm của các chủ tài khoản trong việc sử dụng, cung cấp thông tin cũng như kịp thời xử lý những hành vi trái pháp luật xảy ra như trên.

Luật sư nói về sự cố bị hack camera của Văn Mai Hương: Cơ quan chức năng cần siết chặt công tác quản lý không gian mạng  - Ảnh 3.

Luật sư Trần Xuân Tiền.

Không chỉ Văn Mai Hương, hay bất kể ai trong giới nghệ sĩ, mà chính chúng ta cũng có thể là nạn nhân của vấn nạn này. Vậy, xin luật sư hãy làm rõ quyền của mỗi công dân đối với hình ảnh cá nhân của mình?

Luật sư: Mỗi người đều có quyền đối với hình ảnh cá nhân của mình. Đây là quyền nhân thân của mỗi người và được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình đã được quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ Luật dân sự 2015, cụ thể:

Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

- Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

- Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Vấn đề xử lý các hành vi vi phạm khi xâm phạm quyền hình ảnh đối với cá nhân cũng được quy định tại khoản 3 Điều 32 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật."

- Tất nhiên trong một số trường hợp việc sử dụng hình ảnh vì những lợi ích, giá trị nhân văn thì không cần phải xin phép cá nhân. Đây là các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 32 Bộ Luật dân sự 2015:

"Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Xin cảm ơn luật sư về buổi trò chuyện!
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày