Lễ hội té nước Songkran: Đừng giữ mình khô ráo nếu muốn hưởng hạnh phúc!

Mây, Theo Helino 08:00 13/04/2018

Đến hẹn lại lên, vào trung tuần tháng 4 hàng năm (13/4 - 15/4), người dân du lịch khắp nơi lại háo hức khăn gói lên đường để được hòa mình vào lễ té nước Songkran - lễ hội đón năm mới lớn nhất tại Thái Lan.

Lễ hội té nước Songkran tại Thái Lan được mệnh danh là một trong những lễ hội hấp dẫn nhất tại Đông Nam Á. Nhắc đến Songkran, nhiều người biết đây là ngày tết cổ truyền mừng năm mới có nguồn gốc từ đạo Phật, thế nhưng có lẽ còn vô vàn điều hay ho khác mà bạn chưa rõ về lễ hội tuyệt vời này, từ khởi nguồn cho đến quy cách chuẩn bị và sự biến đổi qua năm tháng của nó!

Huyền thoại về Songkran: Vị thần tối cao thua cược trước người phàm 

Lễ hội té nước Songkran: Đừng giữ mình khô ráo nếu muốn hưởng hạnh phúc! - Ảnh 1.

Thần Brahma đưa ra thử thách cho Dhammaban

Thần thoại kể rằng, xưa kia có một chàng trai tên là Dhammaban nức tiếng thông minh, học giỏi, đặc biệt còn có cả biệt tài nghe hiểu được tiếng chim. Tiếng tăm về sự tài giỏi của Dhammaban bay tận đến tai thần Maha Songkran (tức thần Brahma, thần sáng tạo và chủ của kinh Vệ Đà). Một ngày nọ, Brahma hạ phàm đến gặp Dhammaban và ra một câu đố để thử tài với điều kiện: Trong bảy ngày mà không có câu trả lời đúng thì chàng trai sẽ mất đầu. Còn nếu ngược lại, thần cũng sẽ chịu hình phạt tương tự. 

Câu đố đó là: "Niềm hãnh diện của con người nằm ở đâu vào buổi sáng, buổi chiều và buổi tối?" 

Lễ hội té nước Songkran: Đừng giữ mình khô ráo nếu muốn hưởng hạnh phúc! - Ảnh 2.

Cặp chim đại bàng và câu chuyện đã cứu sống chàng trai trẻ Dhammaban

Nhận được câu đố, ngày nào Dhammaban cũng vắt óc suy nghĩ từ sáng đến khuya, thế nhưng thời hạn bảy ngày đã gần tới mà chàng trai vẫn chưa tìm được câu trả lời. Buồn bã, chàng lang thang vào rừng và vô tình nghe thấy cuộc trò chuyện giữa một cặp chim đại bàng trên cây. Hóa ra, cuộc cá cược giữa Dhammaban và thần Brahma đã truyền đi khắp muôn loài và nơi nơi đều đang bàn luận. Và may thay, ngay lúc ấy chim cái đã nói cho chim đực đáp án của câu đố mà Dhammaban đang ngày đêm tìm kiếm.

Đúng ngày hẹn, Dhammaban bước tới trước mặt thần và trả lời câu đố như sau: 

"Buổi sáng, niềm hãnh diện của con người nằm ở khuôn mặt. Bởi thế, sáng nào người ta cũng rửa mặt. Buổi chiều, hãnh diện nằm ở thân thể, vì vậy người ta thường tắm vào buổi chiều. Còn buổi tối điều đó nằm ở bàn chân, nên tối nào, trước khi đi ngủ, mọi người cũng rửa chân". 

Câu trả lời đưa ra đã chính xác, thần Maha Songkran đành chịu thua và chấp nhận mất đầu như đã hứa. Thế nhưng, vốn là vua của các vị thần nên đầu ngài vô cùng linh thiêng và ẩn chứa sức mạnh khủng khiếp: chạm vào đất, đất sẽ bị thiêu cháy; rơi xuống biển, biển sẽ hóa cạn khô. Để tránh những thảm họa khủng khiếp xảy ra cho muôn loài, thần gọi 7 cô con gái đều là tiên nữ Songkran (Nang Songkran) của mình đến và phân công cho họ mang đầu của ngài đặt lên một chiếc đĩa, rồi đem cất giữ tại núi Kailash, nơi có thần Shiva trấn giữ. 

Lễ hội té nước Songkran: Đừng giữ mình khô ráo nếu muốn hưởng hạnh phúc! - Ảnh 3.

Thần Brahma gọi các Nang Songkran đến căn dặn

Từ đó vào ngày 13 tháng 4 hằng năm, mỗi một người con gái lần lượt có trách nhiệm giữ đầu của thần Brahma trên tay và diễu hành vòng quanh núi để cầu cho năm mới thuận lợi, mùa màng tốt tươi. Lễ hội Songkran cũng từ đó mà ra đời.

Một điều đặc biệt là mỗi Nang Songkran đều có đặc điểm riêng biệt và lần lượt đại diện cho các thứ ngày trong tuần.

Chủ nhật: Nang Songkran tên là Nang Thungsa (Tungsatevee). Nàng mặc váy đỏ, cài hoa lựu và đeo trang sức hồng ngọc; tay phải nàng cầm đĩa răng cưa, tay trái cầm vỏ sò; vật cưỡi là đà điểu.

Thứ hai: Nang Songkran tên là Nang Khorakha (Korakatevee). Nàng mặc váy vàng, cài hoa Pib, đeo trang sức ngọc trai; tay phải cầm đoản kiếm, tay trái cầm gậy; vật cưỡi là hổ.

Thứ ba: Nang Songkran tên là Nang Rakkasos (Ragsotevee). Nàng mặc váy hồng, cài hoa sen, đeo trang sức đá Chanxedon; tay phải cầm đinh ba, tay trái cầm cung; vật cưỡi là heo.

Thứ tư: Nang Songkran tên là Montha (Montatevee). Nàng mặc váy xanh lá, cài hoa sứ, đeo trang sức đá mắt mèo; tay phải cầm thanh sắt, tay trái cầm gậy; vật cưỡi là lừa.

Thứ năm: Nang Songkran tên là Nang Kirini (Kirineetevee). Nàng mặc váy xanh nõn chuối, cài hoa Montha, đeo trang sức ngọc lục bảo; tay phải cầm búa gõ đầu voi, tay trái cầm súng; vật cưỡi là voi.

Thứ sáu: Nang Songkran tên là Kimitha (Kimitatevee). Nàng mặc váy trắng hoa văn xanh, cài hoa sen nhiều tầng nhụy, đeo trang sức Topaz; tay phải cầm đoản kiếm, tay trái cầm đàn; vật cưỡi là trâu.

Thứ bảy: Nang Songkran tên là Mahothorn (Mahotorntevee). Nàng mặc váy đen, cài hoa Samhao, đeo trang sức huyền ngọc; tay phải cầm đĩa răng cưa, tay trái cầm đinh ba; vật cưỡi là công.

Lễ hội té nước Songkran: Đừng giữ mình khô ráo nếu muốn hưởng hạnh phúc! - Ảnh 4.

Nang Songkran - 7 người con gái của Thần Brahma

Lễ hội Songkran năm nay rơi vào thứ sáu, ngày 13 tháng 4, vì vậy, Nang Kimitha sẽ nhận nhiệm vụ rước đầu thần ra khỏi núi và diễu hành khắp nơi.

Lễ hội té nước Songkran: Đừng giữ mình khô ráo nếu muốn hưởng hạnh phúc!

Songkran là một từ tiếng Phạn, dịch ra có nghĩa là sự thay đổi, dịch chuyển. Như vậy, Songkran mang ý nghĩa bắt đầu một năm mới với những điều mới, xóa sạch hết những điềm không may mắn trong quá khứ. Chính bởi vậy, trong ngày lễ này, người Thái té nước vào nhau để theo dòng nước, mọi xui xẻo năm cũ được gột rửa, còn mọi may mắn trong năm mới sẽ "chảy" đến theo dòng nước.

Lễ hội té nước Songkran: Đừng giữ mình khô ráo nếu muốn hưởng hạnh phúc! - Ảnh 5.

Té nước - Gột rửa xui xẻo để đón nhận hạnh phúc

Ngoài ra, lễ hội cũng là một hoạt động văn hóa liên quan đến chu kỳ phát triển nông nghiệp ở Đông Nam Á. Trong tâm linh, té nước tượng trưng cho hình ảnh của thần rắn Naga khi ngài phun nước xuống trần gian để đem lại mùa màng tốt tươi. Tháng Tư là giai đoạn cuối mùa khô, đầu mùa mưa nên người ta té nước vào nhau không chỉ để cầu mong một mùa vụ bội thu mà còn để làm dịu bớt cái nóng oi bức của mùa hè. 

Ngày chính thức của tết Songkran là ngày 13/4, song với người Thái, họ thường chuẩn bị trước từ Wan Sungkharn Long (ngày 12/4). Đối với ngày này, người ta dùng để dọn dẹp nhà cửa, bỏ đi cái cũ, đồng thời sắm sửa vật dụng, đồ ăn, thức uống.

Tiếp theo, Wan Nao (ngày 13/4) là một ngày có ý nghĩa như 30 Tết ở Việt Nam. Ngày này, người dân Thái sẽ nấu nướng, bày biện thức ăn để sẵn sàng dâng lên chùa vào sáng ngày hôm sau. Theo tập tục, người ta cũng tới bờ sông và thi nhau dựng các ngôi chùa bằng cát, mỗi hạt cát sẽ cuốn đi một tội lỗi. 

Wan Payawan (ngày 14/4) là ngày đầu tiên của năm mới. Mở đầu ngày, người dân sẽ ăn mặc đẹp, dùng bữa cơm gia đình và lên chùa sớm. Sau nghi lễ ở chùa, họ dùng nước thơm tắm cho tượng Phật để tỏ lòng thành kính và cầu mong những điều may mắn. Trong ngày Wan Payawan, người Thái Lan không nói những điều xui xẻo, không làm hành động sai hay có ác tâm. Wan Payawan cũng là ngày bắt đầu của lễ hội té nước.

Lễ hội té nước Songkran: Đừng giữ mình khô ráo nếu muốn hưởng hạnh phúc! - Ảnh 6.

Tắm nước thơm cho tượng Phật

Ngày cuối cùng của Tết Songkran được gọi là Wan Parg-bpee (ngày 15/4). Lúc này là thời gian người Thái dùng để đi đến nhà họ hàng lớn tuổi và thực hiện nghi thức "Rod Nam Dam Hua" - nhẹ nhàng rưới nước thơm lên tay những bậc tiền bối. Đây được xem như là cách để bày tỏ tình yêu thương và lòng tôn kính đối với người lớn tuổi.

Lễ hội té nước Songkran: Đừng giữ mình khô ráo nếu muốn hưởng hạnh phúc! - Ảnh 7.

Nghi thức "Rod Nam Dam Hua"

Hàng nghìn lít nước được té lên người trong dịp Tết Songkran vào mỗi năm với niềm tin xóa bỏ được bệnh tật, điềm xấu, đem lại may mắn cho con người. Phương châm của lễ hội này là càng ướt càng may mắn và hạnh phúc, người nào bị ướt nhiều nhất thì năm mới sẽ gặp nhiều thuận lợi nhất, cũng bởi vậy mọi người không ngần ngại té nước vào nhau bất chấp là người bản xứ hay du khách tham quan. 

Nếu có dịp được đến đây và tham gia ngày lễ truyền thống đặc sắc này, hãy luôn nhớ: Đừng giữ mình khô ráo nếu muốn hưởng hạnh phúc!

Lễ hội té nước Songkran: Đừng giữ mình khô ráo nếu muốn hưởng hạnh phúc! - Ảnh 8.

Đến với Songkran, đừng giữ mình khô ráo nếu muốn hưởng hạnh phúc!

Songkran xưa và nay

Người Thái thường nói, muốn tìm hiểu về Songkran truyền thống, hãy đến với Chiang Mai - thủ đô của Songkran. Sở dĩ nói như vậy, vì Chiang Mai là nơi hiếm hoi còn lưu giữ được các nét văn hóa truyền thống của Songkran xưa.

Ngược trở về Thái Lan những năm 50, 60 của thế kỷ trước, khi ấy Thái Lan còn rất ít xe cộ và hầu như vắng bóng người nước ngoài. Vào tháng 4 cũng là thời điểm dòng sông Ping tại Chiangmai gần như cạn nước, tất cả mọi người sẽ ùa xuống lòng sông để tham dự lễ hội té nước Songkran.

Lễ hội té nước Songkran: Đừng giữ mình khô ráo nếu muốn hưởng hạnh phúc! - Ảnh 9.

Người dân ùa xuống lòng sông Ping để tham dự lễ hội.

Vào thời mà chưa có súng nước, tất cả những gì người ta sử dụng là xô, chậu nhỏ và thậm chí cả cốc, bát. Mọi người đều ướt đẫm cả cơ thể, nhưng mọi thứ diễn ra một cách rất nhẹ nhàng chứ không kịch liệt và sôi động như ngày nay. 

Lượng người trên đường phố cũng thường thưa thớt và tập trung theo từng nhóm nhỏ. Người ta hoàn toàn có thể thong dong thả bộ và vui vẻ xối nước vào nhau khi đang trò chuyện. Cái không khí nhẩn nha ấy cùng dòng nước với hy vọng mang lại may mắn tốt lành khiến Songkran ngày xưa thật thi vị biết bao. 

Lễ hội té nước Songkran: Đừng giữ mình khô ráo nếu muốn hưởng hạnh phúc! - Ảnh 10.

Đường phố trong lễ hội xưa không quá mức đông đúc, hoạt động té nước cũng diễn ra không quá kịch liệt.

Cho đến ngày nay, mỗi năm Thái Lan đón tiếp hàng chục nghìn du khách vào Tết Songkran. Lễ hội té nước ở thời hiện đại này không chỉ gói gọn giữa những người dân Thái Lan mà còn có sự tham gia của mọi người đến từ đủ các quốc gia trên Thế giới. Đường phố những ngày thuộc khuôn khổ Lễ Songkran thường đông nghịt và hết sức sôi động.

Khách du lịch tới đây đều ăn mặc thoải mái nhưng không kém phần sặc sỡ, tay trang bị đủ các thể loại súng nước lớn nhỏ, cùng vui vẻ hòa mình vào "cuộc chiến đẫm nước" với người dân bản xứ.

Lễ hội té nước Songkran: Đừng giữ mình khô ráo nếu muốn hưởng hạnh phúc! - Ảnh 11.

Con phố đông nghịt người mùa lễ hội

Người ta sẵn sàng bắn và hất nước vào nhau, bất kể là người thân quen hay xa lạ. Điểm chung dễ thấy ở tất cả mọi người là ai cũng ướt đẫm và tươi roi rói. Và đặc biệt, rất nhiều trai xinh gái đẹp đổ đến đây từ đủ các quốc gia với trang phục sặc sỡ, mát mẻ. 

Người Thái cũng rất hiếu khách. Họ không ngại việc người nước ngoài đến làm thay đổi lễ hội truyền thống của mình. Ngược lại, họ cảm thấy thích thú khi có cơ hội truyền bá văn hóa cũng như niềm hạnh phúc của mình cho mọi người trên Thế giới. 

Hầu như mỗi du khách đã đến và tham gia lễ hội té nước Songkran đều mang theo những kỷ niệm đẹp khi trở về nước.

Lễ hội té nước Songkran: Đừng giữ mình khô ráo nếu muốn hưởng hạnh phúc! - Ảnh 12.

Phun nước vào nhau bất kể thân quen hay xa lạ

Lễ hội té nước Songkran: Đừng giữ mình khô ráo nếu muốn hưởng hạnh phúc! - Ảnh 13.

Trang bị vòi nước cỡ lớn để cuộc vui được "đã" hơn

Lễ hội té nước Songkran: Đừng giữ mình khô ráo nếu muốn hưởng hạnh phúc! - Ảnh 14.

Không thể không kể đến sự tham gia của những chú voi

Lễ hội té nước Songkran: Đừng giữ mình khô ráo nếu muốn hưởng hạnh phúc! - Ảnh 15.

Ai cũng có một khoảng thời gian hết sức vui vẻ