Làm gia tăng nguy cơ ung thư, có nên nói "không" với ăn thịt gà?

Quỳnh Trang, Theo Helino 10:56 20/10/2019

Đại học Oxford mới đây đã đưa ra nghiên cứu mới chỉ ra người ăn nhiều thịt gà có nguy cơ mắc ung thư cao hơn. Tuy nhiên, cần phải xem xét những góc độ khác để cân nhắc nên hay không việc từ bỏ ăn thịt gà.

Mối liên hệ giữa thịt gà và nguy cơ ung thư

Tạp chí Dịch tễ học và Sức khỏe cộng đồng (JECH) đã công bố nghiên cứu mới của Đại học Oxford về vấn đề liên quan giữa thịt gà và nguy cơ ung thư ở con người.

Các nhà khoa học đã theo dõi 475.000 người Anh độ tuổi từ 37 đến 73 và ghi lại mối quan hệ giữa thói quen ăn uống, chế độ dinh dưỡng của những tình nguyện viên tham gia nghiên cứu với các loại bệnh mà họ mắc phải từ năm 2006 đến năm 2014.

Làm gia tăng nguy cơ ung thư, có nên nói không với ăn thịt gà? - Ảnh 1.

Trong vòng 9 năm liên tục, có 23.000 người bị bệnh ung thư với thói quen ăn uống thường xuyên tiêu thụ các loại thịt. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đã phân tích tác động của các loại thịt khác nhau với bệnh ung thư.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng: ăn nhiều các sản phẩm thịt gia cầm như thịt gà có thể khiến nguy cơ cao mắc một số loại ung thư như: ung thư tế bào hắc tố (20%), ung thư hạch không Hogkin (11%), ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới (26%)...

Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ăn nhiều các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu… làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác nhau như: ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư ruột kết. Riêng việc ăn 50g thịt đỏ mỗi ngày, nguy cơ ung thư đại tràng tăng 20%. Mỗi ngày ăn 20g thịt chế biến sẵn, nguy cơ này tăng 16%.

Có nên từ bỏ ăn thịt gà?

Đây là một báo cáo "gây sốc", tin xấu đối với những "sâu thịt" nói chung và "con nghiện" thịt gia cầm, thịt gà nói riêng. Tuy nhiên, xem xét trên các góc độ khác nhau, con người vẫn nên ăn thịt gà với lượng vừa đủ, đừng quá nhiều.

Bởi nghiên cứu trên đây mới chỉ là nghiên cứu về mối liên hệ giữa thịt gà và nguy cơ ung thư. Kết quả nghiên cứu chưa chỉ ra các nguyên nhân, cơ chế cụ thể.

Tiếp theo, còn nhiều yếu tố có ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu nhưng chưa được trình bày rõ ràng như chất lượng thịt gà, phương pháp chế biến thịt… Do đó, cần có thêm những nghiên cứu bổ sung để khẳng định chắc chắn hơn vấn đề.

Làm gia tăng nguy cơ ung thư, có nên nói không với ăn thịt gà? - Ảnh 2.

Báo cáo chưa đề cập đến các yếu tố ảnh hưởng khác như phương pháp, cách chế biến thịt gà.

Không chỉ vậy, hai nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí The Lancet đã theo dõi 160.000 người ở 21 quốc gia, ung thư đã vượt qua bệnh tim mạch, trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các nước phát triển.

Báo cáo nghiên cứu của Đại học Oxford mới chỉ nghiên cứu người Anh, trên một đất nước rất phát triển. Nước Anh mỗi năm tiêu thụ gần 1,3 tỷ con gà. Người Anh ăn thịt gà trung bình hơn 2 lần/tuần. Nếu nói rằng ăn thịt gà trực tiếp làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư, có lẽ cần tính thêm các vấn đề khác như ô nhiễm do ngành công nghiệp ở các nước phát triển để có một cái nhìn tổng quan hơn.

Ngoài ra, một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí The Archives of Internal Medicine năm 2009 cho biết: ăn thịt gà an toàn hơn thịt đỏ hay các loại thịt được chế biễn sẵn. Các nhà khoa học tại Viện ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCI) đã theo dõi hơn 500.000 người Mỹ trong hơn 10 năm phát hiện ra rằng: ăn thịt gà thay vì thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư.

Làm gia tăng nguy cơ ung thư, có nên nói không với ăn thịt gà? - Ảnh 3.

Vẫn còn nhiều nghiên cứu tranh luận giữa thịt trắng và thịt đỏ, loại nào tốt hơn cho sức khỏe.

Nghiên cứu này còn chỉ ra rằng ăn quá nhiều thịt đỏ hoặc thịt được chế biễn sẵn sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ tử vong do bệnh tim và ung thư. Trong khi đó, các loại thịt trắng như cá, tôm, cua, gà, vịt… có thể giảm nguy cơ tử vong do các bệnh khác nhau.

Do đó, thịt gà là có thể ăn nhưng không nên ăn quá nhiều trong một ngày, một tuần và các loại thịt đỏ cũng vậy. Tiêu thụ thịt gà hay các loại thịt khác đúng cách chắc chắn sẽ có lợi hơn có hại. Vì vậy, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta nên cân bằng dinh dưỡng, luyện tập thói quen ăn uống đa dạng, phong phú để đảm bảo sức khỏe về cả thể chất và tinh thần.

Nguồn (Source): Sohu