Như đã
đưa tin, vài ngày trở lại đây, dư luận trong nước đang xôn xao về "nghi án"
máy bay hạ cánh thổi tung nóc nhà gần sân bay Tân Sơn Nhất. Thực hư nguyên nhân gây ra sự việc này tới nay vẫn đang được các cơ quan chức năng chính thức làm rõ. Tuy vậy, chúng ta cùng tìm hiểu một trong những giả thuyết được đưa ra để lý giải hiện tượng kỳ lạ trên…
Xuất phát từ cơ chế vận hành của máy bay...
Trong số các phương tiện giao thông, máy bay có thể coi là một con “quái vật” thật sự. Ví dụ, một chiếc Boeing 747-100 thông dụng có trọng lượng cất cánh tối đa là hơn 333 tấn. Vậy làm thế nào để nâng cỗ máy khổng lồ ấy lên độ cao hàng trăm mét và hạ cỗ máy ấy xuống mặt đất một cách êm ru?
Câu trả lời chính là cơ chế vận hành kì diệu của máy bay. Với những thiết kế đặc biệt, máy bay có thể thắng được trọng lực nhờ lực nâng Joukowski. Theo đó, khi máy bay chạy trên đường băng, dòng khí chảy bao quanh cánh máy bay sẽ tạo ra sự chênh lệch áp suất giữa mặt dưới cánh và mặt trên cánh.
Mô hình lực nâng giúp máy bay cất cánh.
Hệ quả vật lý của hiện tượng này là một lực nâng xuất hiện theo hướng từ dưới mặt đất đẩy lên trời. Tốc độ máy bay trên đường băng tăng dần kéo theo sự tăng của lực nâng trên, cho tới mức lực nâng thắng được trọng lực Trái đất, nhấc bổng cỗ máy khổng lồ hàng trăm tấn lên không trung.
Ngược lại, thời điểm máy bay hạ cánh, phi công phải điều khiển máy bay giảm tốc độ, dần dần hạ thấp độ cao. Khi đó, không khí phía dưới cánh máy bay bị ép xuống mặt đất và có thể tạo ra lực (ví dụ như luồng gió hay gió xoáy).
Nếu ở sát đường băng, nó gây ra “hiệu ứng mặt đất” (ground effect). Hiệu ứng này làm tốc độ máy bay sẽ tăng và máy bay có xu hướng được nâng lên trong một thời gian ngắn trước khi chính thức tiếp đất.
Ngoài ra, khi cất cánh hay hạ cánh, máy bay phát ra tiếng ồn cực lớn, tới ngưỡng 120-140dB, có thể làm tổn thương tâm trí người nếu đứng gần đó. Theo Giáo sư Lou Cattafesta, sự nhiễu loạn của không khí chảy quanh các bộ phận của máy bay chính là nguyên nhân gây ra tiếng ồn kinh khủng đó.
Các chuyên gia còn cho biết, tiếng ồn này đặc biệt nguy hiểm, trong thời gian dài sẽ gây giảm thính lực, nặng sẽ dẫn tới tình trạng điếc. Xung động từ sóng âm do tiếng ồn máy bay gây ra tác động tới các phần khác nhau của cơ thể, hệ quả là chứng ù tai, suy giảm trí nhớ, khả năng làm việc từ 20-40%, thậm chí có thể dẫn đến bệnh tâm thần và tự tử…
… đến một hiện tượng lạ…
Sẽ rất ít người biết tới điều này cho tới khi một sự cố xảy ra ở gần sân bay Tân Sơn Nhất những ngày vừa qua. Sáng ngày 29/11, mái ngói của một ngôi nhà dân đã bị tốc sau khi một chiếc máy bay bay qua trước khi hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Máy bay thường xuyên đi ngang qua khu vực nhà anh Thịnh - chủ căn nhà bị tốc mái. (Nguồn ảnh: Tuổi trẻ) Anh Nguyễn Minh Hùng, một nhân chứng kể lại sự việc: “Đang chuẩn bị đồ đạc đưa con đi học, tôi giật nẩy người khi một tiếng nổ “ầm” phát ra từ mái nhà, sau đó là một tràng tiếng nổ lốp bốp. Chạy ra ngoài xem chuyện gì xảy ra nhưng vừa tới cầu thang đã thấy ngói bể vương vãi, mái nhà tôn bên cạnh đầy ngói bể, bóng một chiếc máy bay vừa vụt qua”.
Hình ảnh mái ngói nhà anh Thịnh bị tốc. (Nguồn ảnh: Tuổi trẻ) Tổng diện tích mái ngói bị tốc là khoảng 5m2 song rất may là không có ai bị thương. Ngay sau khi sự cố xảy ra, các cơ quan chức năng đã có mặt tại hiện trường để lập biên bản. Tuy nhiên, cho tới nay, nguyên nhân xảy ra hiện tượng kỳ lạ trên chưa được công bố.
Những giả thuyết lý giải…
Theo nghi ngờ của anh Thịnh, chủ nhân căn nhà có ngói bị tốc, nguyên nhân của vụ việc chính là việc hạ cánh của máy bay tạo ra luồng khí làm tốc mái ngói nhà anh.
Thực tế, nghi ngờ của anh là có cơ sở. Bởi khi hạ cánh, xung quanh cánh và mũi máy bay có một luồng khí xoáy sinh ra, tải trọng máy bay càng lớn thì lực xoáy càng lớn.
Trong trường hợp máy bay bay quá thấp, luồng gió xoáy này có thể ảnh hưởng tới những vật thể dưới mặt đất hoặc khu vực nằm trong tầm ảnh hưởng (ví dụ như giả thuyết lực này có thể thổi tung các mái nhà có kết cấu yếu).
Cùng với đó, có thể một cấu trúc nào đó trên mái ngói nhà anh Thịnh đã gặp vấn đề nên mới khiến cho hiện tượng nêu trên xảy ra.
Quan điểm trên cũng được nguyên chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không trường đại học Bách Khoa TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống đồng thuận. Tuy nhiên, phi công Nguyễn Thành Trung - nguyên phó tổng giám đốc, cơ trưởng nhiều chuyến bay chuyên cơ của Vietnam Airline lại cho rằng, nguyên nhân này khó có thể là do máy bay.
Ông lý luận rằng, tất cả các máy bay hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất đều buộc phải hạ cánh theo hệ thống hỗ trợ ILS (Instrument Landing System). Đây là hệ thống cung cấp các thông tin về khoảng cách, vị trí, góc hạ cánh chính xác cho máy bay giúp phi công thực hiện quá trình hạ cánh xuống đường băng một cách an toàn.
Quá trình hạ cánh gần như đã được tự động hoàn toàn, các phi công hầu như không phải làm gì nhiều.
Do đó, khó có chuyện gây ảnh hưởng tới nhà dân như trường hợp trên và nếu có, tất cả các nhà xung quanh cũng phải chịu tác động chứ không phải riêng một ngôi nhà nào.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Inventors, IMG, Wikipedia, Tuổi trẻ (nguồn ảnh)...